Quốc hội thảo luận về báo cáo giám sát nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19: Đánh giá công tâm, thấu tình đạt lý các sai phạm

Thứ ba - 30/05/2023 07:30
 

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao đổi với các đại biểu Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Có những sai phạm nghiêm trọng

Trình bày báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 (Nghị quyết số 30), trong đó quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh kết quả đạt được, đoàn giám sát cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, đã có những sai phạm nghiêm trọng như trong nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, mua bán kit xét nghiệm Covid-19 liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á; việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước cách ly tại cơ sở dân sự, tự nguyện trả phí trong thời gian dịch Covid-19. Nhiều cán bộ ở trung ương và địa phương bị xử lý hình sự.

Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết giám sát, trong đó yêu cầu khẩn trương rà soát, tổng hợp, phân loại để xử lý các tồn đọng, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19…

Nỗi đau “thắng dịch, mất người”

Thảo luận về nội dung này, đại biểu (ĐB) Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng, chúng ta đã chứng kiến cả một hệ thống vào cuộc với hơn 100% sức lực, nhưng hết dịch vẫn có nhiều điều đáng tiếc xảy ra, những bài học xương máu. ĐB Nguyễn Lân Hiếu đồng ý với đề xuất của đoàn giám sát về việc Bộ Y tế cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn sử dụng vật tư, trang thiết bị y tế đã được chuẩn bị để chống dịch, chuyển sang điều trị khám, chữa bệnh thông thường; giao cho các bệnh viện địa phương quyết định việc sử dụng để tránh lãng phí cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được mua sắm, trao tặng.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đồng tình với quan điểm: tham ô, tham nhũng trong hoạt động phòng, chống dịch phải xử lý thật nghiêm khắc; song cũng cần xem xét thật có lý, có tình, công bằng với những sai phạm nhưng không phải vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch, vì lợi ích của cộng đồng.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) nhìn nhận, việc “thắng dịch, thay tướng”, cả hệ thống ngành y tế, số lượng cán bộ phải trả giá cho đại dịch này quá lớn. ĐB cho rằng, cần xử lý vấn đề hiện nay để bảo đảm trong tương lai.

Không để y tế cơ sở “teo tóp”

Về y tế dự phòng, báo cáo giám sát của Quốc hội chỉ rõ, khi phải đối mặt với những tình huống y tế khẩn cấp trên diện rộng như dịch Covid-19, hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng ở nhiều nơi lộ rõ những tồn tại, yếu kém. Nhiều địa phương báo cáo có tình trạng thiếu nhân lực tại y tế cơ sở, trong đó có cả những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM. Tình trạng này chủ yếu xảy ra tại các trạm y tế xã.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, phát triển y tế dự phòng là thách thức lớn nhất trong giai đoạn hiện nay. Những khó khăn nổi trội nhất vẫn là nhân lực, thu nhập, chất lượng khám, chữa bệnh và cơ sở vật chất. “Tăng lương, xây cơ sở đẹp, mua máy móc không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Lương không thể tăng mãi, cơ sở khang trang mà không có bệnh nhân, máy móc hiện đại không ai biết sử dụng là lãng phí rất lớn”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nói. Để y tế cơ sở không “teo tóp”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu đề xuất nên thử nghiệm mô hình mới: coi trạm y tế xã, phường là phòng khám của trung tâm y tế huyện; giao thêm quyền và trách nhiệm cho trưởng trạm y tế, động viên họ để phát triển thế mạnh của mình.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và nhiều ĐB đề nghị có lộ trình tăng mức đóng bảo hiểm y tế, mở rộng danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, danh mục thuốc, vật tư y tế ở tuyến cơ sở do quỹ bảo hiểm y tế chi trả nhằm phát huy vai trò của trạm y tế trong công tác truyền thông và nâng cao sức khỏe cộng đồng. ĐB Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) chỉ ra, chế độ lương cho nhân viên y tế được áp dụng từ năm 2004, đã gần 20 năm; chế độ phụ cấp được quy định tại các văn bản đều đã hơn 10 năm. Do đó, ĐB đề nghị cần thực hiện ngay về chính sách đối với cán bộ tuyến y tế cơ sở.

PHAN THẢO - VĂN MINH

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây