Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII năm 2024 diễn ra vào tối 29/11 tại Hà Nội. Phát biểu tại Lễ trao giải, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những thành tựu của Giải thưởng Sách Quốc gia và ngành xuất bản qua các năm. Đồng thời, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm cho Giải thưởng Sách Quốc gia và ngành xuất bản trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Xin giới thiệu bài phát biểu của ông tại Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII năm 2024.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII năm 2024. Ảnh: Việt Linh.
Thư trung hữu ngọc
Hôm nay, tôi rất vui mừng tới dự Lễ trao giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 - năm 2024. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, tôi trân trọng gửi tới quý vị đại biểu, các tác giả, dịch giả, nhà khoa học, những người làm công tác xuất bản và khán giả, bạn đọc cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc buổi lễ trao giải của chúng ta thành công tốt đẹp!
Người xưa có câu “Thư trung hữu ngọc”, tức là trong sách có ngọc quý. Từ hàng ngàn đời nay, sách là tài sản, kho tàng tri thức quý báu của nhân loại. Sách bảo tồn, trao truyền những giá trị văn hóa qua các thế hệ, tạo mạch nguồn xuyên suốt không gian và thời gian, hình thành nhân cách và giá trị sống của mỗi người.
Đọc sách là phương pháp hiệu quả nhất để làm giàu tri thức, rèn luyện năng lực tư duy, phát triển khả năng sáng tạo, nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng lớn lao. Qua từng trang sách, chúng ta học cách nhìn nhận vấn đề, ứng xử bằng thái độ nhân văn, trách nhiệm, đồng cảm và hiểu biết lẫn nhau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là tấm gương sáng ngời của việc đọc sách, coi trọng sách. Người từng nhấn mạnh: “Số sách vở nhiều hay là ít cũng chứng tỏ trình độ văn hóa của một dân tộc thấp hay là cao”. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập năm 1950, Bác Hồ đã chỉ rõ: Phải học ở đâu? “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”.
Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành xuất bản đã có nhiều nỗ lực triển khai các nhiệm vụ và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Giải thưởng Sách quốc gia qua 6 mùa trao giải đã tạo nên những dấu ấn lớn, trở thành sự kiện quan trọng trong đời sống văn hóa, thu hút sự quan tâm của không chỉ các tác giả, nhà xuất bản, mà còn của đông đảo công chúng, bạn đọc cả nước.
Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ VII, nhất là Lễ Tổng kết và trao giải hôm nay tiếp tục được thực hiện với nhiều đổi mới, sáng tạo, nhằm mục tiêu cao nhất là thể hiện tình yêu sách, sự trân trọng, tôn vinh và tri ân những tác giả, dịch giả và những tác phẩm tiêu biểu.
Chúng ta vui mừng nhận thấy, Giải thưởng năm nay thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà xuất bản, người làm xuất bản cả nước. Các cuốn sách, bộ sách được trao giải đều là những xuất bản phẩm được đầu tư công phu, giàu tâm huyết, có giá trị tiêu biểu, đặc sắc trên các lĩnh vực. Nhiều cuốn sách là hiện tượng của xuất bản, thu hút sự quan tâm, tìm hiểu, yêu mến của độc giả, nhất là độc giả trẻ.
Có những tác giả, học giả, nhà nghiên cứu, như Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã 104 tuổi, nhưng vẫn bền bỉ cống hiến, dành tâm huyết đời mình cho bộ sách đồ sộ về lịch sử, văn hóa, địa chí Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử 1698-2020. Ông thực sự là tấm gương về sự lao động khoa học và tâm huyết, người truyền cảm hứng về tình yêu sách.
Qua các cuốn sách, bộ sách được trao giải, chúng ta càng tự hào và trân trọng tinh thần lao động bền bỉ, khoa học, nghiêm túc, sự tâm huyết và khối lượng tri thức đồ sộ mà các tác giả, học giả, nhà xuất bản đã đem đến cho công chúng, độc giả và xã hội. Điều đó cho thấy sự trưởng thành, lớn mạnh của nền xuất bản cách mạng trước yêu cầu mới.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi trân trọng biểu dương và đánh giá cao những kết quả quan trọng đạt được của đội ngũ những người làm xuất bản trong cả nước. Tôi cũng nhiệt liệt chúc mừng các tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành đã vinh dự được nhận Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ VII năm 2024.
Đất nước ta sau 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu vĩ đại. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước chưa bao giờ có được như ngày nay. Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
5 nhiệm vụ của Giải Sách Quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước: kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng; 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 80 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Cũng là năm cả nước tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng.
Để Giải thưởng Sách Quốc gia - Giải thưởng sách uy tín, danh giá nhất của đất nước ngày càng được nâng tầm, trở thành một trong những sự kiện văn hóa lớn của quốc gia; đưa việc đọc sách trở thành thói quen, một nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội; để ngành xuất bản thực hiện thành công nhiệm vụ “tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Tôi đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam và các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, cần xác định rõ Giải thưởng Sách Quốc gia không chỉ là việc lựa chọn, thẩm định và tổ chức trao giải cho các tác giả, tác phẩm, mà mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất là kiến tạo môi trường lành mạnh để các nhà văn hóa, nhà khoa học, các tác giả thể hiện năng lực bản thân, phát huy khả năng sáng tạo, tư duy mới, tầm nhìn mới, góp phần nâng cao dân trí, bồi đắp giá trị thụ hưởng văn hóa của người dân, thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Do đó, việc xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát huy dân chủ, tinh thần cầu thị, cởi mở trong tiếp nhận tri thức mới, văn hóa mới là vấn đề rất quan trọng, mang tính then chốt để thúc đẩy, khuyến khích, phát huy, khai phá năng lực sáng tạo của các nhà văn hóa, nhà khoa học, các tác giả và công chúng cả nước.
Thứ hai, khuyến khích, thu hút sự tham gia của các tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành, với những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, khoa học, giáo dục, văn hóa, đáp ứng nhu cầu phong phú của bạn đọc và các tầng lớp nhân dân.
Cơ cấu Giải thưởng cần tiếp tục mở rộng các hạng mục như: Sách điện tử; Sách nói; Sách cẩm nang… Nghiên cứu bổ sung các hình thức giải thưởng cho các tác phẩm của tác giả trẻ, sách có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, hoặc sách đổi mới. Việc mở rộng cơ cấu, hạng mục giải thưởng sẽ khuyến khích các thể loại sách tham gia giải ngày càng phong phú, đa dạng, hiện đại, đồng thời tạo cơ hội cho nhiều tác phẩm có giá trị được công nhận, lan tỏa.
Thứ ba, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá các tác phẩm đạt giải, thông qua việc tổ chức các sự kiện, hội thảo, triển lãm sách nhằm nâng cao uy tín giải thưởng. Đặc biệt coi trọng truyền thông trên các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội, website chính thức và các kênh truyền hình để giải thưởng tiếp cận được nhiều người hơn, lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Quan tâm tạo cơ hội cho các tác phẩm đoạt giải được xuất bản và quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước.
Thứ tư, xuất bản là một bộ phận cấu thành của văn hóa, là lực lượng đi đầu trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Do đó, mỗi biên tập viên, người làm công tác xuất bản cần không ngừng tự học, tự nghiên cứu, để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vượt qua những cám dỗ, thách thức, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của Nhân dân lên từng trang sách, từng xuất bản phẩm; đóng góp công sức, trí tuệ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới.
Thứ năm, trước xu thế phát triển nhanh chóng của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, sự thay đổi hành vi tiếp cận thông tin của công chúng bạn đọc, các nhà xuất bản, nhà phát hành và những người làm xuất bản cần tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tăng cường các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức, giải thưởng quốc tế. Việc đưa tác phẩm đoạt giải tham gia các lễ hội sách quốc tế, giải thưởng văn học quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Giải thưởng Sách Quốc gia, đồng thời, là động lực để các tác giả Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm sách của chính mình.
Chúng ta chỉ có thể vững vàng bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, với một nền tảng tri thức phong phú và vững chắc, dựa trên trí tuệ, bản lĩnh, tầm vóc của con người Việt Nam. Và, không ai khác, lĩnh vực xuất bản phải góp phần đáng kể trong việc khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh.
Tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, lĩnh vực xuất bản sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới, đột phá mới. Các nhà xuất bản, đội ngũ những người làm xuất bản trong cả nước sẽ luôn hoàn thành sứ mệnh cao cả, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn