Những năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) tỉnh Quảng Bình đã triển xây dựng nhiều mô hình văn hóa truyền thống của đồng bào Chứt trong đó có 3 mô hình truyền thống là trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù các dân tộc thiểu số, mô hình bảo vệ văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số đó là: Mô hình xây dựng đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số; Mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng.
Đồng bào dân tộc Chứt ở xã Trọng Hóa (Minh Hóa - Quảng Bình) trình diễn văn hóa tương đồng với đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều
Mô hình văn hóa truyền thống của đồng bào Chứt
Trước hết phải nhắc đến đó là mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù các dân tộc thiểu số, mô hình bảo vệ văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số. Trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù các dân tộc thiểu số từ lâu là một trong những tour du lịch được các du khách thích thú bởi du khách được thực tế tìm hiểu về đời sống, văn hóa, kinh tế - xã hội của đồng bào nơi đến. Mô hình này không chỉ tập trung vào việc thu hút du khách mà còn hướng tới bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống.
Mô hình trải nghiệm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương. Việc kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ du lịch có thể mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và giáo dục trong cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống kinh tế xã hội cho đồng bào dân tộc Chứt.
Ông Lê Đại Thắng, trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa - Sở VH-TT tỉnh Quảng Bình
Hiệu quả của mô hình này sẽ tạo ra cơ hội cho du khách hiểu rõ hơn về cuộc sống và văn hóa của đồng bào dân tộc Chứt. Thông qua các hoạt động tương tác như tham gia vào lễ hội truyền thống, trải nghiệm nghệ thuật truyền thống, thưởng thức ẩm thực truyền thống, và học hỏi về tập quán hằng ngày, du khách có thể có cái nhìn sâu sắc về đời sống và giá trị của cộng đồng dân tộc Chứt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Xây dựng mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù các dân tộc thiểu số, mô hình bảo vệ văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số sẽ góp phần bảo vệ văn hóa phi vật thể dân tộc Chứt nói chung và bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ nói riêng nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương, góp phần nâng cao nhận thức "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình xây dựng đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số ở trên địa bàn gắn với phát triển du lịch. Hỗ trợ tổ chức, triển khai các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở… nhằm nâng cao đời sống tinh thần, góp phần loại bỏ những hủ tục lạc hậu, tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng các dân tộc thiểu số tại địa phương.
Đồng bào dân tộc Chứt (Quảng Bình) tham quan nhà trưng bày hiện vật về văn hóa, đời sống của đồng bào dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh
Với những tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của tỉnh Quảng Bình, những mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng sẽ giúp thay đổi đời sống của bà con đồng bào dân tộc Chứt. Hiện nay, đời sống đồng bào dân tộc Chứt vẫn còn trong tình trạng kém phát triển, cần phải phát triển làng bản theo cách tự lực để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các dự án hỗ trợ cộng đồng.
Việc xây dựng các mối liên hệ giữa những cộng đồng dân tộc Chứt có di sản tương đồng để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và bí quyết để tạo sự hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình thực hành và trao truyền di sản là rất cần thiết trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và của đồng bào dân tộc Chứt nói riêng. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu, chuyên gia tư vấn, hỗ trợ nghiên cứu xây dựng mô hình để đánh giá tiềm năng của di sản với tư cách sản phẩm văn hóa và khả năng phát huy của di sản với tư cách sản phẩm du lịch.
Những giải pháp định hướng trong việc xây dựng mô hình
Theo ông Lê Đại Thắng, trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa - Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình cho biết: Thời gian tới, để định hướng xây dựng mô hình văn hóa truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Chứt gắn với phát triển du lịch đòi hỏi các cấp, các ngành có liên quan cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện xây dựng mô hình văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Chứt. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống và nghệ nhân đồng bào dân tộc Chứt vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Việc tổ chức những cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ đối với đồng bào dân tộc sẽ giúp tỉnh Quảng Bình có những phương án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào mình hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục xây dựng mô hình văn hóa truyền thống bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng (thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các sản phẩm video; thông qua hội thi, hội diễn, hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống trên địa bàn tỉnh) nhằm giới thiệu quảng bá hình ảnh các xây dựng mô hình văn hóa truyền thống; các nghệ nhân đồng bào dân tộc Chứt và các hoạt động lưu truyền văn hóa truyền thống. Qua đó, giúp cho các cấp, các ngành, đoàn thể và Nhân dân nâng cao nhận thức về văn hóa, trách nhiệm về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc Chứt trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng cơ chế chính sách, huy động nguồn lực phục vụ cho xây dựng mô hình văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Chứt. Thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước đãi ngộ đối với các nghệ nhân người dân tộc Chứt đã có công lao trong việc gìn giữ, bảo tồn được các giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực văn hóa của địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng mô hình văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Chứt tại các địa phương.
Cần phải có sự kế thừa, chọn lọc và phát huy có hiệu quả bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để xây dựng mô hình văn hóa truyền thống. Thực hiện "số hóa dữ liệu" các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc và các loại hình di sản truyền thống khác của dân tộc Chứt phục vụ cho công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch… ông Lê Đại Thắng khẳng định.
Vĩnh Quý
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn