Trung tướng Đặng Kinh tên thật là Đặng Văn Rợp, sinh năm 1922, quê ở xã Bắc Sơn, huyện An Lão (nay là phường Bắc Sơn, quận Kiến An), TP Hải Phòng. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, được đồng chí Tô Hiệu (lúc đó là Bí thư Thành ủy Hải Phòng) dìu dắt, định hướng. Từ người công nhân mỏ, ông đã bền bỉ phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương và là cán bộ quân sự đầu tiên của liên tỉnh Hải Phòng-Kiến An....
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Đặng Kinh đã có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc. Theo Đại tá Phạm Văn Vương, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự TP Hải Phòng, trong những thành tích đặc biệt xuất sắc, có những trận đánh điển hình do đồng chí Đặng Kinh chỉ đạo, chỉ huy trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Lãnh đạo Thành ủy Hải Phòng trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng tặng Trung tướng Đặng Kinh, tháng 9-2019. Ảnh: CHU ANH
Cụ thể là ngày 11-7-1945, đồng chí Đặng Kinh trực tiếp chỉ huy 36 đồng chí tự vệ tập kích Đồn Bàng (Kiến Thụy), bắt 20 tên địch, thu một số súng, máy chữ và tài liệu; đồng thời cắm 2 lá cờ đỏ sao vàng lên nóc đồn địch. Đây là chiến công đầu của lực lượng vũ trang cách mạng Hải Phòng-Kiến An; tạo ra thế và lực cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Kim Sơn (xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy).
Một ngày sau, trong cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại đình làng Kim Sơn để chào mừng Ủy ban Dân tộc giải phóng Kim Sơn, đồng chí Đặng Kinh cùng với các đồng chí: Phạm Thuyên, Đoàn Đắc Diễm, Trần Các, Hoàng Thiết Tâm, Mai Côn... tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Kim Sơn. Ngay sau cuộc mít tinh, đồng chí Đặng Kinh trực tiếp chỉ huy hơn 100 tự vệ và quần chúng trấn áp tổ chức thanh niên Đại Việt (một tổ chức thân Nhật) đang họp, do Tri phủ Trần Tự chủ trì, hạ cờ quẻ li, treo cờ đỏ sao vàng, giật thẻ ngà của Tri phủ. Các đồng chí diễn thuyết vạch mặt bọn bán nước, tuyên truyền chính sách của Việt Minh. Tri phủ Trần Tự và bọn tay sai phải cầu xin tha tội, cuộc họp bị giải tán. Đây là cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên ở vùng duyên hải Bắc Kỳ, là tiếng trống thôi thúc nhân dân Hải Phòng-Kiến An và cả vùng duyên hải Bắc Kỳ vùng lên theo Đảng đấu tranh, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Trên cương vị Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng Kiến An, đồng chí Đặng Kinh trực tiếp chỉ huy LLVT tỉnh tiến công vào thị xã Kiến An đêm 20, rạng sáng 21-4-1953. Trận đánh này, quân ta diệt gần 500 tên địch, thu giữ và phá hủy hơn 30 vạn lít xăng dầu, 24 nhà kho, 60 gian chứa đầy bom đạn và gần 600 phương tiện, vũ khí các loại. Trận tiến công này đánh dấu bước trưởng thành về khả năng tác chiến tập trung của bộ đội địa phương Kiến An.
Trận tập kích thị xã Kiến An là một trong những trận đánh lớn đầu tiên vào tỉnh lỵ vùng tạm chiếm Đồng bằng Bắc Bộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với lực lượng tương đối nhỏ, đồng chí Đặng Kinh đã chỉ huy du kích bất ngờ, luồn sâu vào sau lưng địch. Quá trình chiến đấu, các lực lượng bám sát phương châm “đánh sâu, rút xa, đánh nhanh, giải quyết nhanh”, điểm trúng “huyệt” làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ điển hình và tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (nay là Thượng tướng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa) trao danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đối với Trung tướng Đặng Kinh cho đại diện gia đình, tháng 12-2023. Ảnh: THÁI BẢO NGỌC
Gần 2 tháng sau, đêm 18-6-1953, đồng chí Đặng Kinh trực tiếp chỉ đạo đơn vị vũ trang tỉnh Kiến An tập kích táo bạo vào Tổng kho Xăng dầu Thượng Lý (một trong những kho lớn nhất trên miền Bắc của thực dân Pháp). Kết quả, quân ta đã đốt cháy 147 triệu lít xăng, dầu, hơn 300 xe cơ giới các loại. Chiến thắng góp phần cùng toàn quốc đẩy địch lún sâu vào thế phòng ngự, bị động, tạo ra thế và lực mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta trong chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954.
Tiếp đó, từ ngày 28-8 đến ngày 19-9-1953, đồng chí Đặng Kinh trực tiếp chỉ đạo bộ đội địa phương, dân quân, du kích và nhân dân huyện Tiên Lãng chống cuộc hành quân của thực dân Pháp mang tên Claude tiến vào bao vây, càn quét, bình định Tiên Lãng. Sau 22 ngày đêm chiến đấu, ta đã tiêu diệt 677 tên địch, 3 xe bọc thép, 2 ca nô, 2 máy bay của địch. Thắng lợi này góp phần cùng quân, dân cả nước đẩy mạnh chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.
Một trong những trận đánh du kích điển hình do đồng chí Đặng Kinh chỉ huy là trận tập kích sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Đây là căn cứ nằm sâu trong vùng địch hậu, có tầm quan trọng chiến lược, địch đầu tư thiết bị hiện đại, bố phòng, bảo vệ nghiêm mật. Cuối tháng 11-1953, giặc Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ để xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh. Theo đó, sân bay Cát Bi trở thành đầu cầu hàng không trực tiếp chi viện cho Điện Biên Phủ khi bị ta bao vây. Để “chia lửa” cho chiến trường Điện Biên Phủ, trước khi đơn vị tập kết, đồng chí Đặng Kinh trực tiếp đến động viên, giao nhiệm vụ cho 32 người tập kích Sân bay Cát Bi. Ngày 7-3-1954, trận tập kích đã làm sân bay cháy suốt 17 giờ, 59 máy bay địch bị phá hủy cùng nhiều phương tiện vũ khí. Đây là chiến thắng lớn, tiêu diệt, phá hủy nhiều máy bay địch trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần quan trọng vào Chiến thắng Điện Biên Phủ...
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình chiến đấu và công tác, đồng chí Đặng Kinh vinh dự được Nhà nước thăng quân hàm Thiếu tướng (năm 1974), Trung tướng (năm 1982), được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều danh hiệu cao quý khác...
Ngày 1-11-2019, do tuổi cao, sức yếu, bệnh nặng, Trung tướng Đặng Kinh từ trần tại nhà riêng (đường Trung Lực, phường Đằng Lâm, quận Hải An, thành phố Hải Phòng), thọ 97 tuổi.
NGUYỄN KIÊN THÁI
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn