Tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh" xuất hiện trong dự án "Văn chương khói lửa".
Dự án podcast "Văn chương khói lửa" mang đến cơ hội cho giới trẻ được lắng nghe những chia sẻ từ thế hệ đi trước về câu chuyện thời chiến thông qua lăng kính văn học kháng chiến.
Với hình thức kết hợp phỏng vấn và hoạt cảnh, dự án mang dấu ấn thế hệ trẻ đã tái hiện sinh động những câu chuyện chiến tranh, mang đến cho người nghe góc nhìn sâu sắc về giá trị văn hóa, tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường của dân tộc.
Nhà văn Chu Lai (giữa) và nhà báo Phùng Huy Thịnh tham gia cuộc trò chuyện.
Thông qua những chia sẻ giàu ý nghĩa từ các cựu chiến binh, nhà văn, và nhà thơ viết về kháng chiến, dự án truyền tải những thông điệp nhân văn, góc nhìn mới mẻ của tác phẩm, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử và trân trọng những giá trị cao đẹp của lịch sử kháng chiến.
Các tập podcast đã lên sóng có sự góp mặt của những tên tuổi, như: Đại tá, nhà văn Chu Lai; nhà báo Phùng Huy Thịnh, nhà thơ Đàm Huy Đông... và nhiều nhà phê bình văn học, nhà báo uy tín...
Tác phẩm "Mưa đỏ" của nhà văn Chu Lai.
Bà Nguyễn Thúy Hằng, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn bày tỏ: "Chúng tôi luôn ủng hộ, đồng hành với các dự án, hoạt động mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử, khơi dậy giá trị nhân văn và lòng tự hào của người Việt. Đặc biệt, đây lại là dự án mang dấu ấn của thế hệ trẻ đầy năng động, tự tin, thiết tha với giá trị ký ức thì càng xứng đáng nhận được sự chia sẻ, lan tỏa sâu rộng hơn".
Trong vai trò là đơn vị cố vấn chuyên môn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để dự án vận hành thuận lợi, như: Hội trường, sân khấu, studio, đạo cụ, bối cảnh... và đặc biệt là sự sát sao về chuyên môn, cử nhân sự hướng dẫn, tư vấn nội dung nhằm bảo đảm chất lượng, hình thức, hiệu quả cao nhất.
Dự án được đăng tải chính thức trên Fanpage: facebook.com/vanchuongkhoilua và các nền tảng số: TikTok: @vanchuongkhoilua; YouTube: Văn Chương Khói Lửa
Yến Phương, trưởng dự án "Văn chương khói lửa" chia sẻ: "Hơn hai năm nay tôi đã hoạt động trong Viện sách của YBox.vn với mục tiêu thúc đẩy văn hóa đọc trong giới trẻ. Tuy nhiên, kiến thức lĩnh hội được từ ngành học truyền thông giúp tôi nhận ra rằng không chỉ nằm ở việc kêu gọi, mà muốn các bạn trẻ chủ động tìm đọc những cuốn sách hay thì mình phải làm gì đó để xây dựng sự hứng thú và động lực cho họ một cách hấp dẫn hơn. Tôi đã lựa chọn bắt đầu với văn học kháng chiến, một đề tài được thế hệ trẻ quan tâm nhưng chưa có nhiều cơ hội để tìm hiểu".
Dự án còn tạo nên không khí cởi mở, thân tình giữa các thế hệ.
Bảo Ngọc, một thành viên dự án xúc động trải lòng: "Tôi từng nghe một câu nói thế này: Chiến tranh không đáng sợ, chỉ sợ người trẻ quên mất đất nước. Các tác phẩm viết về thời chiến Việt Nam luôn khiến tôi bồi hồi, xúc động, cảm thấy như được sống lại thời kỳ hào hùng của dân tộc. Tôi tin rằng, văn học kháng chiến sẽ là một hướng tiếp cận rất thú vị và gần gũi với người trẻ khi khai thác chủ đề chiến tranh".
Bên cạnh thuận lợi, ê-kíp cũng gặp những khó khăn nhất định. Vì nhóm dự án có số lượng thành viên khá ít và đều là sinh viên nên khi triển khai công việc còn gặp nhiều thử thách.
Trong khoảng thời gian khá ngắn, họ vừa cần chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật khi sản xuất hình ảnh, tìm hiểu và lựa chọn các tác phẩm phù hợp, liên hệ các khách mời, đồng thời lan tỏa hiệu ứng truyền thông trên đa nền tảng.
Các thành viên trong ê-kíp thực hiện dự án.
Với lòng biết ơn và tự hào sâu sắc cùng sự đầu tư về nội dung, hình thức, dự án "Văn chương khói lửa" được kỳ vọng sẽ không ngừng đem đến cho thế hệ trẻ những góc nhìn đa chiều, những tác phẩm sâu sắc và những câu chuyện được kể bởi những người bước ra từ khói lửa chiến tranh cùng các văn nghệ sĩ, nhà lý luận phê bình, nhà báo quan tâm tới đề tài này.
Dự kiến, "Văn chương khói lửa" sẽ lên sóng 10 tập podcast. So với kho tàng văn học kháng chiến của nước nhà, số lượng có thể vẫn còn khiêm tốn, song giới chuyên môn nhận định, những dự án ý nghĩa dạng này sẽ giúp thế hệ trẻ biết tới nhiều hơn các tác phẩm văn học hấp dẫn về kháng chiến, từ đó trở thành động lực để dần dần tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử dân tộc cũng như xây dựng thói quen đọc sách lành mạnh.
Đặc biệt, nhiều dự án đã đánh dấu hành trình sau đó, thế hệ trẻ tiếp tục có thêm nhiều hoạt động khác để tiếp nối tinh thần yêu văn chương, tự hào dân tộc với nhiều hình thức mới mẻ và sáng tạo hơn.
MAI LỮ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn