Tục ăn uống 'độc nhất vô nhị' của người Ma Coong ở Quảng Bình

Thứ tư - 25/01/2023 11:40
 

Ở giữa đại ngàn Trường Sơn, cuộc sống của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy vậy, họ vẫn giữ cho mình những phong tục độc đáo, trong đó phong tục ăn uống "độc nhất vô nhị" mà đậm chất tình người Ma Coong.

Đói no cùng hưởng, ngọt bùi cùng chia

Những năm trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, đồng bào Ma Coong đã dần tiếp xúc và hòa nhập với "văn minh miền xuôi", đời sống cũng vì thế khấm khá hơn từng ngày. Tuy nhiên chuyện thiếu ăn, đứt bữa hay ăn rau rừng cầm hơi vài ngày cũng không phải hiếm. Điều lạ là dù nghèo đói nhưng khi hết gạo, người Ma Coong cũng nhất quyết không bao giờ đi xin ai.

Cuộc sống của đồng bào người Ma Coong ở xã Thượng Trạch vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn

Hôm chúng tôi vào bản Nịu, đúng lúc có đoàn cứu trợ về phát gạo. Trong bản chỉ có mười mấy hộ được nhận quà do phải chia cho các bản khác. Già làng Đinh Mỳ đang loay hoay chia đôi bao gạo 10kg phần của mình cho nhà Đinh Thiên ở bên kia quả đồi đã hết gạo ăn từ mấy ngày nay.

Năm nay mất mùa lúa rẫy nên hầu như nhà nào cũng hết gạo sớm. Già Đinh Mỳ bảo: "Nhà mình được nhận gạo của những người anh em từ miền xuôi lên cho thì chia cho các nhà khác trong bản. Từ trước đến nay đều thế, nhà có tự giác chia cho nhà không có chứ chẳng ai đi xin ai cả. Tổ tiên người Ma Coong đã răn dạy rồi, có đói bằng mấy cũng không được đi xin ăn, cái ăn là cục tự trọng".

Chia xong gạo, già Đinh Mỳ đưa sang tận nhà và đặt vào góc bếp cho nhà Đinh Thiên rồi ra về. Đinh Thiên chỉ cười vì tối nay cả nhà được no cái bụng, cũng chẳng cần có lời cảm ơn bởi từ xưa đến nay, người Ma Coong vẫn vậy. Đói no cùng hưởng, ngọt bùi cùng chia.

Rượu cần cùng thức ăn của đồng bào người Ma Coong khi đãi khách quý tới nhà

Điều khiến ai cũng rất ấn tượng khi gặp người Ma Coong là họ cực kỳ hiếu khách. Một khi quý ai họ sẽ mời về nhà chơi bằng được và khi khách tới nhà sẽ dùng hũ rượu ngon nhất, thức ăn ngon nhất có trong nhà đãi khách.

Già làng Đinh Ho (75 tuổi - một người có uy tín ở Bản Km61, xã Thượng Trạch) hồ hởi mời chúng tôi về nhà và lấy sẵn hũ rượu cần đãi khách. Ở mỗi gia đình người Ma Coong đều trữ sẵn một hũ rượu cần, ngày thường gia chủ sẽ không uống chỉ dùng để đãi khách quý tới chơi nhà. Trước khi uống rượu, Già Ho quay mặt vào góc nhà, nơi đặt bàn thờ để thông báo với tổ tiên có khách đến chơi nhà.

Tiếng của đồng bào Ma Coong thì tổ tiên, ông bà mình được gọi là "Ma mót". Nhà nào cũng vậy, ở mỗi góc nhà đều được dùng để thờ "Ma mót", mỗi khi có việc lớn, việc nhỏ liên quan đến gia đình, họ cũng báo cáo với tổ tiên trước khi thực hiện. Tiếp đó, Già Ho gỡ ống nứa mỏng cắm trên hũ rượu xuống rồi bẻ gập lại thả xuống chậu nước phía dưới hũ. Theo quan niệm của người Ma Coong, đó là thủ tục mời tổ tiên trước và xin phép được bắt đầu cuộc rượu.

Thường trong hũ rượu cần người Ma Coong sẽ cắm sẵn hai ống hút bằng nứa nhỏ, một dành cho khách và một cho gia chủ. Khách sẽ được mời uống trước và khi hết tuần rượu đầu sẽ trao đổi ống hút để thể hiện tình cảm giữa chủ nhà và khách.

Tránh gây bất hòa... nhịn miệng đãi khách

Uống rượu một hồi, chủ nhà Già Ho dọn cơm lên đãi khách. Bữa cơm là một vò xôi chấm muối và một ít thịt gà rừng nướng. Không nhiều nhưng cũng thuộc hàng "thịnh soạn" của chủ nhà mời khách.

Một bản làng người Ma Coong ở xã Thượng Trạch

Điều kỳ lạ là sau khi mời chúng tôi dùng thịt gà, Già Ho không cùng ăn thịt mà chỉ uống rượu và ăn xôi. Thấy chúng tôi thắc mắc, Già Ho cho biết đây là tục của người Ma Coong, nếu lần đầu tiên mời khách về nhà trong bữa cơm có thịt gà rừng, rùa, rắn, kỳ nhông, chuột núi... mà chủ nhà ăn chung với khách thì sẽ gây bất hòa.

Không chỉ giữa chủ nhà và khách mà theo quan niệm của người Ma Coong con dâu, con rể nếu ăn chung với bố mẹ bên chồng, bên vợ hay anh rể, em (anh) vợ dùng chung sẽ gây mất đoàn kết, vợ chồng không được êm ấm.

"Mấy năm trước, ở các bản khác cũng có nhiều trường hợp phạm điều kiêng cữ mà tổ tiên để lại mà mất tình cảm anh em, vợ chồng rồi nên người Ma Coong rất chú trọng chuyện ăn uống bởi không muốn mất đoàn kết" - Già Ho cho hay.

Người Ma Coong ở Quảng Bình vẫn cho rằng con dâu, con rể nếu ăn chung một số đồ ăn với bố mẹ bên chồng hay bên vợ thì sẽ gây mất đoàn kết

Còn ông Đinh Liễn (61 tuổi – người dân ở Bản Km64) cho biết từ xưa đến nay, các thế hệ người Ma Coong đều phụ thuộc vào núi rừng để mưu sinh. Cuộc sống khó khăn, lạc hậu nhưng người Ma Coong rất trọng tình cảm, sự đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình, trong bản làng đóng vai trò rất quan trọng để cùng tồn tại giữa môi trường tự nhiên khắc nghiệt.

Chính vì vậy, trẻ em người Ma Coong luôn được người lớn răn dạy những việc nên và không nên làm của dân tộc mình. Trong đó, việc kiêng cữ trong ăn uống khi ngồi chung mâm với một số người trong gia đình cũng là một phong tục vô cùng quan trọng.

Dù hiện nay bà con người Ma Coong vẫn giữ thói quen bẫy thú để làm thức ăn, nhưng nếu bắt được những con vật như trên thì bố vợ, anh hoặc em vợ và con rể, con dâu và bố chồng không được ăn chung vì sợ gây mất đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình.

HOÀNG PHÚC

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây