Toàn cảnh đền Hùng trước ngày Giỗ Tổ, đẹp đến nao lòng

Thứ tư - 10/04/2024 12:00
 

Khu Di tích lịch sử đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; là nơi thờ các vua Hùng có công dựng nước, Tổ Tiên của dân tộc Việt Nam. Trong ảnh: Khu vực cổng chính Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Khu vực sân trung tâm lễ hội là khoảng sân rộng lớn, nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, nghệ thuật trong dịp Giỗ Tổ. Như hôm qua, 9-3 (mùng 1 tháng 3 Âm lịch), nơi đây đã tổ chức khai mạc lễ hội đền Hùng 2024, và đến mùng 8 Âm lịch sẽ diễn ra cuộc thi gói bánh chưng, giã bánh giày...

Du khách về đền Hùng hành hương sẽ phải vượt hơn 500 bậc đá để đến được lần lượt đền Hạ, đền Trung và đền Thượng...

Trong ảnh là khuôn viên đền Hạ. Tương truyền đây là nơi Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai, để rồi thành hai từ “đồng bào” ấm áp. Phía sau đền Hạ vẫn còn dấu tích giếng Mắt Rồng, theo truyền thuyết là nơi Mẹ Âu Cơ ấp trứng.

Từ đền Hạ có thể rẽ sang chùa Thiên Quang, với khuôn viên có cây vạn tuế mà các nhà khoa học ước tính đã 800 tuổi. Đây là một trong những cây có tuổi đời cao nhất ở Khu Di tích lịch sử đền Hùng.

Trong ảnh là đền Trung, mà tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và họp bàn việc nước nơi bộ bàn 9 khối đá hình tròn phía trước sân. Nơi đây Vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo vì đã có công làm ra bánh chưng, bánh giầy.

Kế đó là đến đền Thượng, với bốn chữ Kính thiên lĩnh điện (Điện cầu trời). Đền Thượng còn có tên là Cửu trùng tiên điện (Điện giữa chín tầng mây), bên trong có bức đại tự đề Nam Việt triệu tổ (Tổ khai sáng nước Việt Nam). Đền được làm kiểu chữ Vương. Trong ảnh: Du khách chụp ảnh lưu niệm tại đền Thượng trong dịp trước chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương này.

Trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, gần đền Thượng còn có cột đá thề. Theo tích xưa, cột đá thề là tượng trưng cho lời thề của Thục Phán: "Nguyện có trời cao lồng lộng soi xét chẳng sai, nước Nam trường tồn lưu ở miếu vũ Hùng Vương. Ví bằng vua sau nối nghiệp trái ước nhạt thề thì sẽ bị trăng búa gió rìu vùi dập làm cho cô độc!".

Theo lối đi xuống là lăng Hùng Vương, mà tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ nằm ở phía đông Đền Thượng, ở thế đầu đội sơn, chân đạp thủy, mặt quay theo hướng Đông Nam.

Tiếp đó là đến đền Giếng, đền thờ hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con gái của Vua Hùng thứ 18. Hai bà có công dạy dân trồng lúa nước và trị thủy nên được nhân dân lập đền thờ phụng muôn đời. Đền được xây dựng vào thế kỷ XVIII.

Đền Hùng, vào sáng 19-9-1954, không lâu sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc nói chuyện với các cán bộ chỉ huy Đại đoàn quân Tiên Phong, đang trên đường hành quân về tiếp quản Thủ đô. Tại khu vực đền Giếng, Bác nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

70 năm sau, ghi nhớ lời dạy của Bác, Bộ Quốc phòng đã cung tiến bức phù điêu mô tả sự kiện lịch sử này. Bức phù điêu mới khánh thành trước Giỗ Tổ Hùng Vương 10 ngày, với chất liệu đồng thay thế bức phù điêu cũ bằng đá.

Trong dịp này, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn Quân ủy Trung ương đã làm lễ dâng hương, tri ân công đức các Vua Hùng tại Đền Thượng.

Khuôn viên đền Thượng nhìn từ trên cao...

Góc nhìn tổng quan cả ba đền chính trong Khu Di tích lịch sử đền Hùng.

Tại các đền có bố trí bàn ghế đá để người dân nghỉ chân khi lên đền và có quầy phục vụ khách tham quan các loại đồ uống, đồ ăn nhẹ, các sản phẩm làm quà. Trong ảnh: Du khách ngồi nghỉ tại khu vực đền Giếng những ngày trước chính lễ Giỗ Tổ.

Tại các đền, người dân có thể công đức để góp phần xây dựng, cải tạo, tu bổ di tích.

Một trong số những tấm đá lớn trên đền Hùng, mỗi tấm đá khắc nội dung khác nhau nhưng đều nhắc nhớ mỗi người về công ơn tiên tổ.

XUÂN NGUYỄN - TÙNG VY

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây