Thấy gì từ tour du lịch khổ sai, vỗ mông cừu ở Trung Quốc

Thứ hai - 18/11/2024 20:00
 

Một số du khách sẽ được đóng vai lính, dẫn dắt tù binh. Ảnh: Xinwen.

Lấy cảm hứng từ sự kiện lịch sử 1,5 triệu tội nhân bị lưu đày đến thị trấn Ninh Cổ Tháp (khi xưa sở hữu khí hậu khắc nghiệt, hết mưa dầm lại bảo tuyết quanh năm) vào thời nhà Thanh (1644-1911), Sở Du lịch Hắc Long Giang (Trung Quốc) thiết kế tour khổ sai với tên gọi "Lưu đày đến Ninh Cổ Tháp", dự kiến ra mắt vào tháng 12 tới, theo The Beijing Times.

Đúng như tên gọi, du khách sẽ bỏ một số tiền (chưa được tỉnh công bố) để nhập vai tù nhân, trải nghiệm cảnh cơ cực, tay chân đeo xiềng, thậm chí cổ cũng vướng gông và đi bộ trên con đường hướng đến Ninh Cổ Tháp.

Tỉnh còn lồng ghép hoạt động nhảy bungee - một trong những trò chơi mạo hiểm hàng đầu thế giới - để tăng cảm giác tuyệt vọng của phạm nhân, dựa trên cảnh tự sát từ vách đá của người bị lưu đày.

Hút khách bằng mọi cách

Sáng kiến để du khách hóa thân thành tù nhân của tỉnh Hắc Long Giang vấp phải luồng ý kiến trái chiều từ cư dân trong nước. Một số người trẻ tỏ ra hứng thú, mong đến ngày để "được" đi khổ sai. Còn bậc phụ huynh có tuổi lại cho rằng không ai muốn bỏ tiền để bị đối xử như nô lệ.

Trong khi đó, truyền thông nước này cũng có góc nhìn đối lập. People's Daily (Nhân Dân nhật báo) của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lên tiếng ủng hộ sản phẩm du lịch mới lạ để thu hút khách, nhưng không quên nhấn mạnh sự tôn trọng dành cho giá trị lịch sử và mức độ khéo léo trong việc xử lý chủ đề liên quan.

Còn China Daily thì cho biết mức độ độc đáo của tour du lịch trên chưa đủ sức thỏa lấp sự kỳ vọng từ du khách, trái lại là hành động vô cảm khi gợi lại một chương đau thương trong lịch sử nước nhà.

Không riêng sản phẩm mới tại "thiên đường tuyết trắng", một số loại hình du lịch kéo khách ở nước này vẫn nhan nhản dù bị chỉ trích không ít.

Hồi tháng 6, một số người thuộc cộng đồng làm du lịch tại Tân Cương kiếm lời từ tâm lý mệt mỏi với cuộc sống thường ngày của người dân bằng cách tổ chức hoạt động "sờ mông cừu" để giảm căng thẳng.

Những con cừu sẽ được xếp thành hàng ngang đợi khách đến vỗ mông ở Tân Cương. Ảnh: QQ.com, SCMP.

Theo SCMP, vào giờ làm việc, những chú cừu được cột cố định vào một góc chuồng, xếp thành hàng ngang, khoe bờ mông căng tròn hướng về phía du khách. Đám đông người tham gia háo hức đợi vỗ vòng 3 cừu từ sớm, họ mong chờ âm thanh và tiếng cười sau khi đánh.

Dưới một video ghi lại khoảnh khắc trên được đăng trên Xiaohongshu (ứng dụng thay thế Instagram ở Trung Quốc), một người dùng cho biết đã bay 5 tiếng đồng hồ đến Tân Cương chỉ để vỗ mông cừu bởi trải nghiệm này không thể có được ở thành phố.

Thậm chí một số tài khoản còn chia sẻ cách để đạt được cảm giác tốt nhất khi sờ bộ phận này là tìm góc tối ưu, động tác tay, tốc độ và cường độ khi vỗ.

Tour du lịch này được quảng cáo là giúp "chữa lành" cho du khách. Tuy nhiên, không ít người đã lên tiếng bản thân bị tiêu chảy, nôn mửa khi chạm vào cừu, theo SCMP.

Món dâu, sầu riêng xào tỏi ớt thịnh hành ở Trung Quốc hồi tháng 5. Ảnh: D197 Durian Brother Pte. Ltd.

Zhang Yong, nhà tâm lý học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán ( miền trung Trung Quốc), cho biết tour du lịch trên đang mù quáng theo đuổi xu hướng phát triển sản phẩm độc đáo dựa trên tâm lý cố gắng thoát khỏi những ràng buộc trong cuộc sống hàng ngày của giới trẻ Trung Quốc.

"Hành vi trên cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với động vật cũng như con người. Du khách nên tìm kiếm hình thức giải trí khác hợp lý hơn, Yong nói.

Chưa hết, đại lục còn chứng kiến làn sóng "mọi thứ đều có thể nướng" khi chủ quầy hàng chịu sức ép từ hàng kế bên. Đây là một trong số trào lưu được những người kinh doanh Trung Quốc nghĩ ra nhằm thu hút khách.

Theo đó, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2020 ở Trung Quốc ghi nhận một lượng lớn thanh niên thất nghiệp. Khi chính phủ dỡ bỏ lệnh hạn chế, ngành công nghiệp hàng rong trở lại mạnh mẽ hơn.

Nhiều du khách đổ xô về Truy Bác (Zibo, tỉnh Sơn Đông), điểm đến được gọi là thủ phủ thịt nướng ngoài trời ở Trung Quốc, để thưởng thức những món ăn độc lạ, theo CNN.

Đánh vào tính tò mò, thích khám phá điều mới lạ và sở thích ăn đồ nướng, một số chủ quầy hàng đường phố nước này bắt đầu phục vụ "xương rồng nướng", "lựu đạn nướng" (tạo hình từ ớt chuông xanh), "giày cao gót nướng" (từ cà tím), "đá nướng", bên cạnh món thịt xiên nướng truyền thống.

Trào lưu ăn giày cao gót nướng, lựu đạn nướng, xúc xích Peppa Pig nướng ở Trung Quốc. Ảnh: Xiaohongshu.

Thực khách phải bỏ ra số tiền không hề rẻ chẳng hạn 26 tệ/que xương rồng nướng (hơn 90.000 đồng).

Theo CNN, đám đông du khách đổ về địa phương nhiều đến nổi các quan chức du lịch lên tiếng kêu gọi du khách đến nơi khác.

Cơn sốt đồ nướng đến từ ngành bán lẻ, du lịch và ăn uống được cho là góp phần mang về mức tăng trưởng 4,7% GDP trong quý đầu tiên năm 2023. Tuy nhiên, thời điểm đầu năm ngoái, cố thủ tướng Lý Khắc Cường lại không thích những gánh hàng rong này và đã càn quét không ít những cơ sở sử dụng hình thức quảng cáo "thiếu văn minh". Ông kêu gọi người dân mở cửa hàng trên khắp đất nước để hợp vệ sinh hơn.

Cạnh tranh khốc liệt

Ở Trung Quốc, du lịch dần trở thành ngành trụ cột chiến lược khi quốc gia chứng kiến mức độ tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2012.

Trước đó, năm 2011, tổng số khách du lịch trong nước là 2,614 tỷ lượt, thu về tổng doanh thu du lịch là 1,93 nghìn tỷ nhân dân tệ, gấp 8,8 lần so với năm 2010 và 96 lần so với năm 1991, số liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc. Các điểm tham quan du lịch trong nước cũng đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng ở giai đoạn này.

Năm 2012, ngành công nghiệp không khói đại lục như bước sang trang mới với hình thức du lịch toàn diện "5 trong 1". Trong giai đoạn này, trọng tâm đã bắt đầu chuyển từ số lượng sang chất lượng, liên tục có nhiều chính sách cải cách, nâng cao chất lượng tour du lịch cùng với thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội.

Kể từ đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch nội địa bình quân hàng năm (2012-2021) của Trung Quốc ở mức 10,6%, trong khi giai đoạn 2012-2019, số lượng chuyến du lịch nội địa tăng gấp đôi.

Khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng trở lại, nhu cầu vi vu của người dân tăng cao, dịch vụ du lịch nội địa chiếm phân khúc lớn nhất trong ngành, ước tính chiếm 90,8% doanh thu vào năm 2023, theo báo cáo của Bbisworld về các công ty lữ hành tại Trung Quốc trong giai đoạn 2014-2029.

Dữ liệu cũng chỉ ra rằng mức độ cạnh tranh giữa các công ty lữ hành nội địa Trung Quốc trở nên khốc liệt hơn khi doanh nghiệp muốn nhảy vào thị trường phải có số vốn điều lệ không dưới 300.000 nhân dân tệ (khoảng 44.000 USD) và chỉ được phép cung cấp dịch vụ du lịch trong nước cho cư dân địa phương. Chưa kể đến sức ép từ các "ông lớn" đầu ngành cả trong nước và quốc tế.

Các nhà khai thác du lịch chủ yếu cạnh tranh với nhau dựa trên giá dịch vụ. Trong những năm gần đây, chủ doanh nghiệp lữ hành đã buộc giảm giá để thu hút người tiêu dùng và thiết kế những sản phẩm du lịch mới mẻ hơn, độc lạ, thậm chí làm mọi cách bất chấp để hút khách.

Cũng trong báo cáo, Bắc Kinh, Quảng Đông và Thượng Hải là 3 điếm đến chiếm khoảng 42,4% tổng doanh thu du lịch Trung Quốc vào năm 2023.

Tường Vi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây