Người gìn giữ và phát huy nghệ thuật rối cạn Tế Tiêu

Thứ sáu - 19/04/2024 06:40
 

Loại hình sân khấu này chuyên diễn các tích tuồng cổ, kết hợp trò leo dây và ảo thuật nên trong thời gian dài được nhân dân yêu thích. Ngoài rối cạn, phường rối Tế Tiêu cũng học hỏi thêm rối nước và biểu diễn được cả hai loại hình nghệ thuật đặc sắc để đáp ứng nhu cầu của nhân dân làng xã. Trải qua thăng trầm lịch sử, loại hình sân khấu dân gian này tưởng chừng bị mai một, thất truyền, tuy nhiên vào khoảng thập niên 1990, nghề rối cạn làng Tế Tiêu được vực dậy nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của một số nghệ nhân như: Lê Đăng Nhượng, Phạm Văn Bể...

Hiện nay, phường rối của Nghệ nhân Ưu tú Phạm Công Bằng là phường rối gia đình cuối cùng ở làng Tế Tiêu. Theo lời kể của nghệ nhân Phạm Công Bằng thì bố của anh, cụ Phạm Văn Bể bắt đầu gắn bó với nghề vào khoảng năm 1957. Trước nguy cơ mai một nghề cổ truyền của quê hương, những năm sau đó, cụ Bể quyết tâm vực dậy nghề rối và rối Tế Tiêu thực sự được hồi sinh sau thời gian dài gián đoạn, mở ra một giai đoạn phát triển mới. Nghệ nhân Phạm Công Bằng là con trai út, cũng là truyền nhân của cụ Bể, tiếp bước bố trên con đường duy trì nghề rối. Năm 2001, anh Bằng cùng với cụ Phạm Văn Bể được địa phương ủng hộ đất để xây dựng thủy đình biểu diễn phục vụ bà con trong làng cũng như thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến thưởng thức.

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Công Bằng.

Rối cạn là loại hình diễn xướng rất khó, đề cao yếu tố vũ đạo, đặc biệt là động tác chân của nhân vật. Các động tác của mỗi nhân vật lại có đặc trưng riêng. Muốn diễn thành thục phải mất nhiều năm khổ luyện. Dù là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, song cũng giống như nhiều môn nghệ thuật truyền thống khác, rối cạn Tế Tiêu ngày càng ít đất diễn hơn. Xã hội phát triển nên khán giả thường bị cuốn hút bởi những phương tiện giải trí hấp dẫn khác mà ít quan tâm đến những loại hình nghệ thuật truyền thống. Hiện nay, phường rối có 18 thành viên, thù lao từ việc đi diễn không có nên để ổn định cuộc sống, các thành viên trong phường rối đều phải có một nghề riêng để mưu sinh. Vì vậy, để duy trì phường rối cũng gặp nhiều khó khăn.

Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Phạm Công Bằng chia sẻ: “Hiện nay, rối cạn Tế Tiêu đã trở thành hoạt động văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân của làng, đặc biệt trong các dịp hội hè, lễ, tết... Đồng hành với phường rối, chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm, hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối của quê hương. Hiện nay, UBND huyện Mỹ Đức đang đầu tư xây dựng thủy đình mới và ngôi nhà nhỏ làm nơi sinh hoạt, tập luyện cho phường rối. Hằng năm, phường rối Tế Tiêu đều mở các lớp dạy nghề, truyền nghề hay đơn giản hơn là các lớp trải nghiệm múa rối cho học sinh trên địa bàn để tìm người kế cận giữ nghề cho đời sau”.

Bài và ảnh: BÙI LÊ

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây