Măng bói - gọi theo tiếng Tày nghĩa là măng ngọt. Loại tre này thường mọc thành từng cụm lớn trong rừng đất ẩm với những thân cây to, gióng ngắn, thân cứng và chắc. Măng mọc lên từ các bụi tre già, người đào măng chỉ việc gạt qua các lớp lá khô phủ đầy gốc tre là dễ dàng thấy được những búp măng to, măng nhỏ nhú lên nhọn hoắt. Măng bói được người Tày chế biến thành nhiều món ngon như luộc chấm mẻ, hầm xương, xào tỏi. Điều đặc biệt ở măng bói là thời gian chế biến không lâu như những loại măng khác. Các loại khác khi luộc hoặc hầm phải thật kỹ, nếu không sẽ còn vị he, còn măng bói thời gian luộc chỉ mất 10 phút, măng có độ giòn, ngọt tự nhiên, hấp dẫn vị giác.
Ông Phan Văn Chế được coi là người đầu tiên đưa cây măng bói về đất Khánh Yên Thượng. Năm 2007, ông đến nhà một người quen ở Dương Quỳ (Văn Bàn) chơi, được chủ nhà mời ăn món măng bói. Ông Chế xin bằng được một khóm tre về trồng ở góc vườn. Cây hợp với đất thịt pha cát ở vùng Khánh Yên Thượng nên cứ vậy lớn lên mà không cần nhiều công chăm sóc. 3 năm sau, tre bắt đầu ra măng. Có một khóm tre mà cả gia đình ăn không hết, vợ ông Chế đem bớt ra chợ bán thì thấy người mua rồi lần sau lại hỏi mua nữa mà cứ xuýt xoa khen ngon. Vợ chồng ông Chế thấy vậy đã nảy ý tưởng mở rộng diện tích măng bói để bán ra thị trường.
Đến năm 2015, gia đình ông Chế trồng được 200 gốc vẫn không đủ cung cấp măng bói cho thị trường. Cứ dựa vào nhu cầu thị trường dần mở rộng diện tích, đến nay gia đình ông có 6 ha măng bói cho thu hoạch và 4 ha mới trồng. Thấy giá trị kinh tế từ cây măng bói, nhiều gia đình người Tày trong xã đến học tập kinh nghiệm, ông Chế sẵn sàng chia sẻ và cung cấp giống cho người có nhu cầu. Hiện tại, ở Khánh Yên Thượng đã trồng hơn 20 ha măng bói, sản lượng đạt hơn 300 tấn/năm.
Do hợp với thổ nhưỡng cát pha thịt ở vùng Khánh Yên Thượng nên tre nhanh cho thu hoạch măng và đạt năng suất cao, trung bình thời gian thu hoạch được 15 năm. Mùa thu hoạch măng bói kéo dài quanh năm nhưng đạt năng suất cao nhất từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm. Ở Văn Bàn, nhiều xã trồng măng bói nhưng chất lượng ngon nhất là vùng Khánh Yên Thượng do đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng khác biệt. Măng bói Khánh Yên Thượng mềm, không bị cứng, sau khi chế biến măng vẫn giữ độ ngọt tự nhiên và màu trắng đặc trưng.
Tiếng thơm đặc sản đồn xa, những hộ trồng măng bói ở Khánh Yên Thượng có thu nhập ổn định, thậm chí có gia đình đạt thu nhập 300 triệu đồng/năm từ trồng măng bói. Các hộ ở Khánh Yên Thượng còn tạo nguồn thu nhập tăng thêm từ bán giống tre ra thị trường.
Một số địa phương khác ngoài Văn Bàn có khí hậu, thổ nhưỡng tương tự đưa măng bói về trồng thử nghiệm với mong muốn giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định như người trồng măng ở Văn Bàn.
Vân Thảo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn