Hành trình gìn giữ làng nghề tinh hoa hơn 400 năm lịch sử giữa đất Hà Thành

Thứ sáu - 29/11/2024 17:40
 

Video phỏng vấn nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng (sinh năm 1949), một trong hai gia đình cuối cùng còn duy trì nghề tại làng nghề đúc đồng Ngũ Xã:

Làng nghề Đúc đồng truyền thống Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình)

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng nghề đúc đồng Ngũ Xã (Hà Nội) vẫn tồn tại như một minh chứng cho sức sống bền bỉ của những giá trị truyền thống. Đây không chỉ là nơi lưu giữ tinh hoa nghề đúc đồng Việt Nam mà còn là biểu tượng văn hóa độc đáo của đất Thăng Long xưa.

Ở thời kỳ hoàng kim, Ngũ Xã là trường đúc lớn nhất kinh thành, nổi tiếng với các tác phẩm như tượng đồng đen Trấn Vũ tại đền Quán Thánh hay tượng Phật Di Đà đặt tại chùa Thần Quang. Những sản phẩm như trống đồng, chuông đồng, đồ thờ hay tranh đồng tinh xảo từ làng đã trở thành kiệt tác của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa và đời sống tâm linh của người Việt.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống, hiện nay, Ngũ Xã chỉ còn lại duy nhất gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng (sinh năm 1949) bám trụ với nghề. Nghệ nhân Ứng là đời thứ 16.

Hiện tại, xưởng đúc đồng của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng có hơn 30 nhân công làm việc. Đây là những người thợ lành nghề, gắn bó lâu năm với nghề đúc đồng truyền thống. Họ đảm nhiệm từng công đoạn tỉ mỉ, từ nhào đất, tạo khuôn đến chạm khắc, tô màu, đảm bảo chất lượng cao nhất cho từng sản phẩm.

Làng nghề Đúc đồng truyền thống Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) được hình thành từ thế kỷ XVII

Để tạo ra những bức tượng đạt chuẩn, người thợ không chỉ cần kỹ thuật cao mà còn phải dành rất nhiều công sức và thời gian. Có tác phẩm chỉ mất hai tháng để hoàn thành, nhưng cũng có tác phẩm phải mất đến 6 tháng hoặc thậm chí hàng năm trời mới xong. Chính sự tỉ mỉ, công phu và yêu cầu khắt khe này khiến nghề đúc đồng Ngũ Xã trở thành một nghề kén người, đòi hỏi tâm huyết và sự kiên định lớn lao từ những người làm nghề.

Dù vậy, ông Ứng vẫn luôn lạc quan và tự hào vì cả hai người con trai của ông đều quyết định nối nghiệp cha ông. Ông chia sẻ: "Thấy các con tiếp tục giữ nghề, tôi rất vui mừng và tin tưởng rằng, ngọn lửa đam mê với nghề đúc đồng của gia đình sẽ không bao giờ tắt."

Ông Ứng chia sẻ, luật xưa quy định chỉ truyền bí kíp đúc đồng cho con cháu trong làng, nhưng ngày nay, với sự phát triển của xã hội, ít người còn theo nghề. Để duy trì và phát triển nghề truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng sẵn sàng truyền dạy cho những ai thật sự yêu nghề. Tuy nhiên, ông chỉ nhận dạy những người đam mê và tâm huyết với nghề. Khi sinh viên nước ngoài tìm đến, ông thẳng thắn từ chối, vì chỉ muốn truyền nghề cho người Việt, coi đó là di sản quý báu của cha ông.

Được biết, làng nghề đúc đồng Ngũ Xã thường trở nên sôi động nhất vào các dịp lễ, tết hoặc những ngày rằm, mùng một, khi nhu cầu mua sắm đồ thờ cúng và các sản phẩm phong thủy bằng đồng tăng cao. Đặc biệt, các sự kiện văn hóa, lễ hội lớn hoặc các dịp cần đặt chế tác các bức tượng lớn, chuông đồng, trống đồng cũng là thời điểm làng nghề nhộn nhịp hơn hẳn.

Sản phẩm của làng đúc đồng Ngũ Xã không chỉ được bán trực tiếp tại làng, mà còn được phân phối rộng rãi khắp cả nước. Các mặt hàng như tượng đồng, đồ thờ, tranh đồng, chuông đồng thường xuất hiện ở các cửa hàng chuyên đồ thờ cúng, các đền chùa, hoặc những trung tâm nghệ thuật, quà lưu niệm cao cấp. Ngoài ra, một số tác phẩm lớn mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử còn được đặt hàng riêng để trưng bày tại các bảo tàng hoặc công trình tín ngưỡng trên khắp Việt Nam. Với chất lượng và sự tinh xảo, sản phẩm của Ngũ Xã cũng đã được xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần quảng bá nghệ thuật đúc đồng truyền thống của Việt Nam.

Làng nghề Ngũ Xã không chỉ là niềm tự hào của riêng Hà Nội mà còn là biểu tượng cho sức mạnh gìn giữ giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Mong rằng những người thợ tài hoa nơi đây sẽ tiếp tục viết tiếp câu chuyện 400 năm của làng nghề, đưa nghệ thuật đúc đồng vươn xa hơn nữa.

Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại làng nghề đúc đồng Ngũ Xã:

Các tác phẩm nghệ thuật đúc đồng Ngũ Xã đã góp phần duy trì những giá trị tinh thần đời sống nhân dân Việt nhớ về tổ tiên, hướng về cội nguồn, đời sống tâm linh.

Các sản phẩm sau khi đúc xong được người thợ hoàn thiện thủ công qua rất nhiều công đoạn.

Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của người nghệ nhân.

Tới nay, dù nghề đứng trước nguy cơ bị mai một, thế hệ con cháu của dân làng Ngũ Xã vẫn kiên trì học hỏi rèn luyện, kế thừa những tinh hoa của cha ông đã được lưu truyền hơn 400 năm, từ đó, nỗ lực đóng góp những tác phẩm nghệ thuật cho nền văn hóa Việt.

Ông Đinh Văn Bình (70 tuổi), người gắn bó với nghề đúc đồng tại xưởng nhà nghệ nhân Ứng hơn 40 năm, cho hay: "Nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Trung bình, để hoàn thiện một bức tượng đồng, chúng tôi mất gần hai tháng làm việc cật lực. Tuy vất vả nhưng mỗi khi thấy tác phẩm hoàn thiện, tôi cảm thấy rất tự hào."

Ông Bình đang tự tay đánh bóng cho các chi tiết của sản phẩm đồng.

Tượng Bác Hồ được làm từ bàn tay của những nghệ nhân làng nghề Ngũ Xã.

Các chi tiết dù nhỏ nhất cũng đều được các nghệ nhân làm cẩn thận, chỉn chu.

Các sản phẩm đồng Ngũ Xã luôn được coi là hình mẫu về nghệ thuật và chất lượng kỹ thuật.

Một số hình ảnh sản phẩm khác được trưng bày tại nhà triển lãm trên đường Trấn Vũ (phường Trúc Bạch, Ba Đình).

Vũ Hồng Hải

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây