Cây đại thụ trong rừng văn hóa dân gian ngã xuống

Thứ hai - 06/05/2024 00:40
 

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đã về với thế giới người hiền, nhiều hội viên ở trong Nam, ngoài Bắc, Tây Bắc và Tây Nguyên liên tiếp gọi điện hỏi thăm tôi về lịch viếng giáo sư. Theo lịch, lễ viếng GS.TSKH Tô Ngọc Thanh diễn ra từ 7h-9h ngày 6/5, tại Nhà tang lễ Trần Thánh Tông. Để tưởng nhớ đến ông, tôi viết bài này thay cho nén tâm nhang cùng thế hệ hậu sinh dâng lên ông.

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh.

Đại hội 'hồi sinh'

Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thành lập vào ngày 21/11/1966. Nhưng do nhiều nhận thức chưa phù hợp, số phận của hội cũng "ba chìm bảy nổi". Thậm chí có một thời kỳ dài, hội luôn có nguy cơ giải thể. Các hội viên chủ yếu tập trung ở Hà Nội và một số thành phố lớn, còn hầu hết các tỉnh thành đặc biệt là miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long hầu như không có chi hội.

Trước tình hình đó, sau Đại hội II ngày 22-23/12/1989 Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh được bầu làm Tổng Thư ký của hội. Ông cùng với Ban chấp hành đề ra nhiệm vụ trọng tâm là phát triển hội viên, thành lập các chi hội ở địa phương.

Chỉ trong 5 năm, toàn quốc đã có 24 tỉnh thành lập được các chi hội và hội. Nhờ có cơ chế sáng tạo, các chi hội đều trực thuộc các hội văn học nghệ thuật địa phương và được sự hướng dẫn chuyên môn của cấp hội Trung ương; các chi hội đều có nguồn kinh phí hoạt động, được tham dự sinh hoạt khoa học của cấp hội Trung ương.

Ở một số tỉnh, các chi hội còn có sự tham gia của lãnh đạo Sở Văn hóa Thể Thao và Hội Văn học nghệ thuật nên có điều kiện hoạt động mạnh mẽ. Như vậy, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đã có nhiều sáng kiến làm hồi sinh, phát triển Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Người truyền lửa

Tháng 9/2000, ông Đinh Văn Ân - nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian ở Sơn La kể lại: “Tôi cao tuổi nhưng đã sưu tầm được ba tập truyện cổ, hai trường ca là nhờ có GS. Tô Ngọc Thanh thường xuyên động viên trao đổi”.

Có vị giám đốc sở ở một tỉnh miền Trung đã về hưu, sức khỏe không tốt, nhưng trong một chuyến đi xuyên Việt, GS.Tô Ngọc Thanh đến tận nhà động viên ông tích cực nghiên cứu sưu tầm.

Ông cười kể với lớp trẻ: “Khi còn công tác bận việc quản lý, nhưng khi về hưu lại phải tập rèn nâng cao sức khỏe, trở lại các vùng kháng chiến cũ gặp gỡ các già làng sưu tầm di sản văn hóa Chăm, văn hóa Raglai. GS.Tô Ngọc Thanh thường động viên trao đổi về phương pháp, hướng dẫn cách sưu tầm, nhưng quan trọng nhất là làm sống lại trong tôi tình yêu di sản văn hóa các dân tộc anh em”.

Nhờ vậy 15 năm sau cuộc gặp gỡ với GS.Tô Ngọc Thanh, ông đã viết được 10 cuốn sách cùng hàng trăm bộ phim tư liệu về trang phục, lễ hội, phong tục tập quán, dân ca, nhà cửa các dân tộc ở Ninh Thuận và miền Trung. Ông là hội viên cao tuổi nhất nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017.

Không chỉ có các hội viên cao tuổi mà nhiều hội viên trẻ tuổi được GS.TSKH Tô Ngọc Thanh tận tình hướng dẫn trong các lớp tập huấn, trại viết đều có cảm nhận về ngọn lửa ấm, trân quý văn hóa dân gian của giáo sư.

Tiến sĩ Đặng Thị Oanh ở trường Đại học Thái Nguyên kể: “Tôi vốn là giáo viên dạy Văn của trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, năm 2005, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh lên công tác đã gặp gỡ và động viên các bạn trẻ chúng tôi nghiên cứu sưu tầm di sản văn hóa các dân tộc Điện Biên. Tôi nhớ mãi giáo sư căn dặn ở Điện Biên có các dân tộc rất ít người như: Cống, Si La, Kháng, Khơ Mú… nhưng họ đều có kho tàng di sản rất phong phú và quý giá chưa được nhiều người nghiên cứu, đây là vùng đất màu mỡ hy vọng các bạn trẻ sẽ khai phá thành công”.

Nhờ vậy, lớp trẻ Điện Biên đầu thế kỷ 20 đến nay đã xuất hiện nhiều gương mặt xuất sắc, sau này là những hội viên tích cực đạt được giải cao của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam như Tòng Văn Hân, Chu Thùy Liên, Đỗ Thị Tấc, Đặng Thị Oanh…

Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Lào Cai khi mới thành lập chỉ có ba hội viên (vào thập kỷ 90 ở thế kỷ 20). Nhưng sau này phát triển rất nhanh chóng có tới 35 hội viên, trở thành chi hội có hội viên đông nhất các tỉnh miền núi phía Bắc.

Sự phát triển như vậy có nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng là các hội viên (nhất là hội viên trẻ) thường xuyên được gặp gỡ, nhận sự hướng dẫn của các GS Tô Ngọc Thanh, Trần Quốc Vượng, Ngô Đức Thịnh… Ngoài chuyên môn tấm gương của các giáo sư tuổi cao vẫn đi điền dã ở những bản làng Lào Cai luôn tỏa sáng trong tâm hồn của những hội viên trẻ tuổi 20. Do đó, chi hội Lào Cai có đến 10 hội viên được kết nạp khi chưa đến 30 tuổi. Họ mới tốt nghiệp đại học 5-7 năm, mỗi người khi kết nạp cũng có 2-3 đầu sách chuyên khảo về văn hóa dân gian.

Các hội viên lúc đầu chưa phải là những nhà khoa học, một số vấn đề quan trọng, ”bếp núc” thường chưa được trang bị. Khi đi điền dã, sưu tầm tư liệu cũng nảy sinh hàng loạt vấn đề mới. Nhận thức được thực trạng này GS.Tô Ngọc Thanh đã bàn với Ban chấp hành xây dựng các kế hoạch mở trại viết, gắn với mở lớp tập huấn.

Mục đích của trại viết là định hướng cho hội viên xây dựng đề cương nghiên cứu của cả công trình và trực tiếp viết một phần. Mỗi hội viên dự trại viết đều có các chuyên gia hướng dẫn tận tình. Mặt khác, các lớp tập huấn, sinh hoạt khoa học gắn liền với trại viết cũng góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, lòng yêu nghề và cả sáng tạo ra những công trình giá trị.

Hầu hết các hội viên được giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian và các hội chuyên ngành cũng như Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đều trải qua các trại viết và lớp tập huấn. Nhờ có sáng kiến của GS.Tô Ngọc Thanh về trại viết và lớp tập huấn nên các hội viên vừa được trang bị kiến thức, vừa nuôi dưỡng được lòng đam mê nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian.

Đặc biệt là các địa bàn khó khăn hoặc ít hội viên như vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, GS.Tô Ngọc Thanh lại chú trọng mở nhiều lớp tập huấn theo mô hình “liên tỉnh”.

Hiện nay, các bạn hội viên ở Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang thường xuyên nhắc kỷ niệm về các lớp tập huấn. Hình ảnh GS.Tô Ngọc Thanh bước vào lứa tuổi U90 vẫn chống gậy lên lớp, tối về lại chong đèn đọc bản thảo, góp ý cho các tác giả trẻ luôn sống động trong tâm trí của nhiều hội viên.

Giáo sư đã đi về thế giới người hiền, nhưng hội viên ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc… nhớ mãi hình ảnh người “truyền lửa”. Giáo sư ra đi nhưng tấm gương say mê nghiên cứu sưu tầm của các hội viên vẫn ở lại vì ngọn lửa ông trao truyền cho lớp trẻ đến nay vẫn luôn bừng sáng.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn (Nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam)

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây