Trong những năm đầu của hôn nhân, đôi vợ chồng son thường đi đâu cũng có nhau kể cả đi chơi, đi xem, giao lưu với bạn bè hay đi du lịch cùng nhau. Khi ở nhà thì chồng vào bếp nấu ăn cùng vợ và chia sẻ mọi việc trong nhà, chuyện trò ríu rít. Có những cuộc hôn nhân lúc đầu đẹp như mơ.
Nhưng từ khi đứa con sắp ra đời đã làm đảo lộn tất cả cuộc sống của bạn. Mọi thói quen sinh hoạt thay đổi. Cả niềm vui hay nỗi lo lắng quan tâm của bạn cũng thay đổi. Bạn phải đối diện với những khó khăn chưa bao giờ gặp nên không biết giải quyết thế nào vì chưa có kinh nhiệm gì cả.
Ngày nay, nếu hỏi một đôi trai gái đang đưa nhau đến phòng đăng ký kết hôn: “Tại sao anh chị kết hôn?”. Chắc chắn họ trả lời vì chúng tôi yêu nhau muốn được sống cùng nhau. Chẳng ai nói để có con chống gậy trong đám tang hay để nối dõi tông đường như ngày xưa nữa.
Nhưng sự ra đời của đứa con khiến đôi vợ chồng trẻ không còn thời gian và năng lượng để quan tâm đến nhau nữa. Chồng đi biền biệt suốt ngày để kiếm tiền nuôi vợ con vì vợ bận con nhỏ không đi làm được. Đứa con cuốn hút gần như toàn bộ sự quan tâm của cha mẹ với nhau cả về tình cảm lẫn tình dục.
Có những đôi liên tục giận dỗi cãi cọ vì quá mệt mỏi với con không đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của người bạn đời. Và khi điều đó xảy ra, có nghĩa là mục tiêu ban đầu của hôn nhân đã bị lãng quên nếu không muốn nói là thất bại.
Ảnh minh họa
Khi yêu, ai cũng muốn tình yêu sẽ đi theo họ suốt cuộc đời và chính vì thế họ kết hôn. Lúc đó, họ tin rằng tình yêu sẽ sống mãi với thời gian, không gì đe dọa được. Họ vẽ ra viễn cảnh vợ chồng sớm tối đi về có nhau. Ăn cơm xong anh sẽ đọc cho em nghe những bài thơ mà em yêu thích. Em sẽ massage cho anh sau một ngày lao động mệt mỏi. Và anh sẽ đệm đàn cho em hát những ca khúc về tình yêu.
Nhưng ngờ đâu, chính sự ra đời của đứa con đã làm thay đổi tất cả. Khi bạn quá đắm đuối vì con đến không thể đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của người bạn đời thì mối quan hệ bắt đầu đi đến chỗ phiêu lưu, mạo hiểm. Nhưng thông thường người ta không nhìn thấy nguy cơ đó.
Họ nghĩ rằng tình yêu của họ sẽ bền vững bởi cả hai đã "quyết định" yêu nhau đến trọn đời. Biết đâu đó là điều hoang tưởng. Bởi vì ngọn lửa tình yêu cũng cần nhiên liệu như bất cứ ngọn lửa nào. Nó chỉ cháy được khi người này đáp ứng những nhu cầu cảm xúc của người kia. Nếu hai người để mất mối dây liên hệ tình cảm thì thậm chí họ không biết người bạn đời của mình muốn gì.
Khi những đôi vợ chồng có thể ly hôn được chuyên gia tâm lý yêu cầu mỗi người tự liệt kê những mong muốn trước mắt của chồng hay vợ mình, thường họ viết sai hết. Cái mà họ tưởng người kia cần, thực ra họ lại không cần, cho nên họ toàn "gãi không đúng chỗ ngứa". Họ rất mù mờ về điều mà người kia muốn và cùng với nó, họ đánh mất niềm vui được chăm sóc chiều chuộng nhau như họ đã hứa trước khi lên xe hoa.
Do đâu có tình trạng ấy?
Đứa con ra đời trở thành trung tâm mối quan tâm của họ, không còn những khoảnh khắc riêng tư giữa hai người và họ làm sao hiểu được nhau nữa. Áp lực của cuộc sống gia đình làm cạn kiệt dần những tài nguyên có hạn của tình yêu. Khi cơ hội để hai người quan tâm đến nhau không còn thì sự đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của nhau cũng không còn, kết quả là trong môi trường khô hạn như thế, cây tình yêu không thể nào sống nổi.
Thực ra đó có phải là lỗi của đứa con vì có nó mà cha mẹ không quan tâm đến nhau nữa? Đó có phải là lỗi của cha mẹ khi họ tập trung hết vào con mà không dành thời gian cho nhau?
Ảnh minh họa
Đúng ra, họ có thể vừa làm cha mẹ vừa làm vợ chồng nếu biết tổ chức cuộc sống một cách hợp lý. Nó không đòi hỏi những kỹ năng mới mà chỉ cần lặp lại những kỹ năng họ từng có trước đây như âu yếm, trò chuyện thân mật, chia sẻ việc nhà và quan hệ gối chăn. Nhưng làm sao họ có thể thỏa mãn được nhau khi đứa con nhỏ luôn quấn bên người?
Có đôi vợ chồng chờ mãi đứa con hơn 2 tuổi ngủ để có thể âu yếm nhau nhưng nó cứ thức mãi. Một lúc sau thấy con nằm im trong lòng mẹ, chồng ghé tai vợ thì thào: "Con ngủ chưa?". Nào ngờ đứa bé cũng thì thào: "Con chưa ngủ!". Lát sau vợ chồng cũng ngủ nốt.
Lại có đôi khác để hai đứa con lên 4 và 8 tuổi ngủ chung giường. Cha mẹ đang "say sưa" thì đột nhiên thằng bé ngồi dậy nhìn một cách quá lạ lùng. Nó không hiểu đó là chuyện gì? Chồng liền quát khẽ con: "Nằm xuống ngủ đi"! Nhưng vì nó cứ ngồi nhìn nên anh ta nghiến răng: "Bảo có nghe không, bố phạt bây giờ". Bất ngờ có tiếng thằng lớn nói đế vào :"Bố phạt em đi. Cứ nằm xem cũng được còn phải ngồi dậy".
Hai vợ chồng điếng người, từ đó không dám làm “chuyện ấy” trước nửa đêm.
Cho nên việc tập cho con ngủ riêng trong cái nôi của nó ngay từ lúc mới sinh là rất cần thiết và khoa học. Khi con đã có nhận thức, phải dạy nó hiểu rằng bố mẹ cần có những lúc riêng tư và phải tập cho nó thói quen tách khỏi cha mẹ, bởi vì có những chuyện người lớn mà trẻ con không được can dự.
Buổi tối, khi mẹ bảo: "Con ngoan về phòng ngủ đi, để bố mẹ nói chuyện". Đứa con phải đứng dậy đi về phòng mình sau khi chúc bố mẹ ngủ ngon. Đó mới là cách dạy con của các nước văn minh đều thế, chứ không phải lúc nào mẹ con cũng dính vào nhau.
Thực tế cho thấy, khi hai người lớn nói chuyện, có một đứa trẻ ở giữa, lúc nghịch cái này, lúc hỏi cái nọ thì họ không thể nói được câu chuyện có chất lượng vì luôn bị cắt ngang. Những cử chỉ âu yếm càng khó thực hiện do sợ đứa trẻ nhìn thấy. Vì thế, sự giao tiếp giữa vợ chồng trở nên hời hợt, chỉ nói toàn chuyện cơm áo gạo tiền, khó có thể đi vào những ngõ ngách tâm hồn nhau, càng không thể đạt tới những rung động của tình yêu. Và thế là giữa họ dần xuất hiện một khoảng trống, cái khoảng trống mà xưa kia luôn được lấp đầy bởi những lời thì thầm khẽ như hơi thở, những nụ hôn âu yếm nồng nàn, cái khoảng trống có tên gọi tình yêu. Người chồng muốn tìm thấy những cái đó, chắc chỉ có ở bên ngoài gia đình. Có lẽ vì thế mà tỷ lệ những cuộc ngoại tình bắt đầy từ khi vợ sinh con và nuôi con nhỏ rất cao.
Các chuyên gia về gia đình tính rằng, để có một cuộc hôn nhân đầm ấm, thời gian vợ chồng dành riêng cho nhau ít nhất phải 2 giờ mỗi ngày, tức 15 giờ mỗi tuần và rải đều chứ không chỉ tập trung vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Trong thời gian ấy nhất thiết không có trẻ con hay ai khác.
Nếu chúng ta hình dung mối quan hệ vợ chồng và con như ba đỉnh của một tam giác thì đó không phải là tam giác đều mà quan hệ vợ chồng phải chiếm địa vị ưu tiên. Bởi vì nếu nó tan vỡ thì gia đình cũng tan vỡ và đó mới là nỗi bất hạnh lớn nhất của bất cứ đứa trẻ nào. Nếu bạn thực sự thương yêu con thì bạn đừng để điều đó xảy ra.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn