Bạn bè quây quần bên mâm cơm tất niên chiều 29 Tết ở London (Từ phải sang trái: Osborn, Wan Yuang, Lotfy, bé con của Lotfi, Olivia và Hoàng). Ảnh: NVCC.
Tết Canh Ngọ, 1990.
Chiều muộn, trời vẫn còn giá rét. Chúng tôi ngồi bên nhau sau bữa cơm chiều, bỗng có tiếng gõ cửa. Hơi ngỡ ngàng vì trên đất này cuộc viếng thăm không hẹn trước hầu như không có.
- Ôi, Dong Jun, Vui quá, thật là ngạc nhiên!
Dong bước vào nhà, một tay cầm hoa, một tay cầm gói quà hình chữ nhật bọc trong tấm lụa. Dong là anh bạn người Trung Quốc, học trên tôi một khóa. Anh tươi cười đưa hoa cho Hoàng:
- Tặng chị!
Rồi anh kể là dịp nghỉ Noel vừa rồi anh về thăm nhà và sang Hà Nội hai ngày, có đến thăm nhà tôi và cho bé Lan Hương món quà Anh quốc, chú Teddy Bear; đúng lúc ấy bé vừa làm xong cành đào, Dong bảo bé ngồi để chụp ảnh mang sang cho bố mẹ. Bé cười duyên dáng, ngồi nắn nót. Bé còn viết thư nữa đấy.
Dong đưa cho chúng tôi cái khung ảnh. Không chờ một phút, tôi mở gói quà. Hoàng thân mật cám ơn Dong:
- Chúng em đổi tên anh là Xian-xỉ (Tiến Hỉ) nhé.
Dong cầm tay Hoàng lắc lắc:
- Tôi vui lắm.
Sau lời cám ơn Dong, Hoàng liếc nhìn bức ảnh, nén lại một cái nấc đầy nước mắt. Một cuộc trò chuyện ngắn nhưng đậm màu quê hương.
- Tôi có đi một vòng lên Hàng Đào, vẫn nhộn nhịp nhưng chưa phải Tết, lên Hàng Lược, lác đác có người bán hoa đào nhưng chưa nhiều.
Chúng tôi chỉ cần nghe thấy tên đường phố Hà Nội là cảm động rưng rưng rồi. Tiễn Dong về. Vừa đóng cửa lại, Hoàng đã ôm cái ảnh khóc nức nở. Tôi lấy bức thư gài sau khung ảnh đưa cho Hoàng, chỉ có một dòng chữ nguệch ngoạc của đứa trẻ chưa cầm bút thạo:
Bố.
Con nhớ bố, con chỉ muốn làm người hầu của bố thôi.
Hoàng nũng nịu mỉm cười:
- Đấy nó chỉ nhớ bố thôi, không thèm nhớ mẹ.
Đêm hôm đó chúng tôi trằn trọc hơn mọi khi. Nhớ đào Hà Nội, tôi thì thầm:
- Dân Hà Nội truyền thống chỉ thích cành đào cắm lọ lộc bình.
Hoàng như vẫn còn nước mắt, nói:
- Năm nay em chỉ thích cành đào trong tay con bé nhà mình thôi.
Từ mấy năm nay một số người tìm kiếm đào rừng, giống đào mang dáng vẻ phong sương để tạo ra trào lưu mới, nhưng thực ra nó là nét văn hóa kinh kỳ có từ ngàn xưa, hình như từ thời còn quận Giao Chỉ. Không phải chỉ có đào trang điểm cho Hà thành mà bên nó là cái dáng dấp e lệ, kín đáo của người con gái Tràng An khi ra phố với nụ cười giấu đi mà không làm mất nét thanh tao, với những mái tóc thề xúng xính áo quần đi phố sắm Tết cũng làm cho nét son Hà Nội đằm thắm hơn.
Tôi rất yêu bộ áo dài sặc sỡ hay chiếc áo bông giản dị của con gái Tràng An, nó vừa thể hiện nếp sống “có giáo dục”, vừa bộc lộ cái đẹp thầm kín của văn hóa truyền thống. Nó là một nét đẹp của đức hạnh, đó là chữ Dung trong tứ đức của người đàn bà Việt Nam mà mẹ tôi đã để lại trong những lời dạy con.
Ảnh: Hoàng Xuân Tiến.
Tan học, tôi đi thẳng về nhà, Hoàng còn đang lúi húi với bữa cơm chiều, tôi nói:
- Em này, còn mười ngày nữa là Tết rồi đấy, anh chợt muốn mời các bạn ở lớp anh một bữa cơm Tết Việt Nam.
Hoàng dừng lại, mỉm cười thách đố tôi:
- Nếu anh giải quyết được “Nhà xanh lại đóng đố xanh/ Tra đỗ trồng hành thả lợn vào trong”.
- Cái gì?
- Không biết thì chịu thôi, không làm được.
- Anh chịu, nhưng vẫn muốn làm, em ạ.
Hoàng nhoẻn miệng cười tươi tắn:
- Thiếu bánh chưng.
Tôi nhắm mắt rồi mở ra:
- Có cách.
Ngày 29 Tết, ngay từ sáng Wan Yang và Dong Jun sang giúp Hoàng chuẩn bị những mâm cỗ Tết công phu, còn tôi lúc nào cũng chỉ chạy quanh “động viên”. Cả bảy người trong lớp có mặt cùng với vợ chồng thày Brian Hill. Ngồi quanh chiếc bàn đầy các món ăn đặc thù: nào canh măng, canh bóng; nào giò lợn, tôm luộc, và không thể thiếu nem rán, bánh chưng, bánh dày.
Mọi người ăn uống ngon lành, cười nói vui vẻ. Tôi và Hoàng căng óc ra tận dụng tối đa tiếng Anh của mình để giải thích món này món kia là gì, tại sao lại gọi là bánh chưng. Hoàng và Wan Yang phối hợp giải thích cách làm, còn tôi kể sự tích Tiết Liêu được thần báo mộng mách cho cách lấy gạo làm bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho trời tròn đất vuông, lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình cha mẹ sinh thành.
Mọi người đang xuýt xoa về sự tích này thì bỗng nhiên thày Brian hỏi tôi: “Tại sao người Việt gọi là “ăn Tết”, mà không phải “thưởng thức Tết”, có phải vì thích ăn loại bánh này không?”.
Tôi ngẩn người ra trước câu hỏi của thày. Thật may, tôi nhớ đến mấy bài viết về câu nói của ông cha ta: “Đói quanh năm no ba ngày Tết”, nó cứu tôi câu trả lời. Bỗng chuông đồng hồ Big Ben đổ mười tiếng. Chúng tôi lặng đi một phút.
Hoàng quay sang mỉm cười nói với mọi người:
- Quê tôi, đêm nay khi chuông chùa thỉnh mười hai tiếng là bắt đầu vào Đêm trừ tịch (Đêm ba mươi), khoảnh khắc trời đất giao hòa, khoảnh khắc gia đình quần tụ, khoảnh khắc cúng trời lễ đất, và khoảnh khắc rũ bỏ buồn phiền.
Dong Jun tò mò không biết cúng giao thừa chúng tôi làm gì, cúng gì.
- Bọn tôi dọn nhà sạch sẽ và cúng thần linh. Mâm cúng có con gà luộc ngậm một bông hoa hồng đỏ, một bình rượu.
- Sao lại là gà mà không phải con khác, hả Hoàng? Osborn hỏi.
- À, chuyện dài lắm nhưng tóm lại là Đêm trừ tịch, trời tối đen như mực. Chỉ có gà sống là gáy gọi mặt trời về được thôi.
- Hay thật đấy.
Áo dài truyền thống trên miền đất lạ. Ảnh: NVCC.
Cô Susan, phu nhân của thày Brian từ nãy ngồi im lặng nghe, cũng tò mò muốn biết:
- Gà sao lại ngậm bông hoa hồng, hoa khác không được à?
- Thưa cô, hoa hồng tượng trưng cho sự thành công và hoàn thiện. Màu đỏ tượng trưng cho vận may.
Thày cô và các bạn người Anh rất vui nói:
- Thật là tương đồng. Người Anh chúng tôi yêu hoa hồng lắm, vì nó tượng trưng cho tình yêu, sự trung thành, sắc đẹp, tinh tế và nó chứa những điều kỳ bí của thế gian.
- Vâng, hoa hồng ở khoảnh khắc giao thừa cũng giúp chúng em xua đuổi những điều xui xẻo của năm cũ.
Mọi người tò mò, ai cũng nếm đủ các món ăn lạ miệng, Hoàng và Wang Yang cũng sung sướng thỉnh thoảng lại liếc nhìn nhau mỉm cười như thầm nói với nhau: Bõ công chúng mình chuẩn bị nhỉ. Cuối bữa tiệc, khách mời được uống chè Thái Nguyên và ăn mứt Tết. Lại râm ran câu chuyện về các loại mứt. Tôi góp thêm một chuyện vui:
– Tết bọn tôi còn một điều đặc biệt nữa là “xông đất”. Sáng mồng một Tết, chúng tôi chờ đón xem ai là người xông đất, đó là người “hợp tuổi” với nhà mình. Chắc các bạn ở đây không biết “hợp tuổi”, phải không?
Nước chúng tôi coi mỗi tháng có một con vật tương trưng, gọi là 12 con giáp (twelve Zodiacs), trong đó mỗi người theo con giáp của mình sẽ hợp với một nhóm. Người xông đất thường xởi lởi, vui vẻ, mang lại hạnh phúc cho gia đình trong cả năm mới. Dong Jun và Wan Yang đều nói:
Bọn mình cũng thế.
Olivia, người Scotland thủng thẳng nói:
- Bọn mình cũng có tục xông nhà, gọi là First Footing (Đặt bước chân đầu tiên). First Footer (Người xông nhà) thường là người đẹp trai, cao, da ngăm đen, bước vào nhà bằng cửa trước, mang theo một cục than, một lát bánh mỳ và một chai rượu whisky. Anh ta bỏ cục than vào lò sưởi, đặt lát bánh mỳ lên bàn rồi rót rượu mời chủ nhà. Mọi người im lặng, người xông nhà chúc Happy New Year, sau đó anh ta ra bằng cửa sau.
Charles tỏ ra thích thú với các câu chuyện xông nhà, hứng khởi anh chàng nói:
- Hóa ra thế giới rộng lớn nhưng cũng rất gần gũi, các bạn thấy không?
Quả như nhà triết học Mỹ John Searle (sinh 1932) nói: “Anh sẽ không hiểu hết truyền thống của chính anh, nếu anh không biết truyền thống của các nền văn hóa khác”.
Tôi đáp lại:
- Đúng thế Charles ạ, thế giới rộng lớn, miền đất nào cũng có riêng cho mình những điều kỳ diệu. Quê mình có một tục lệ đốt pháo. Nước cậu có không?
- Có, Christmas nào chúng mình cũng được xem pháo hoa rực rỡ đầy trời.
- Không, mình nói pháo nổ cơ. Tết nhà mình năm nào cũng tưng bừng tiếng pháo “đùng...đoàng”. Đúng vào Đêm trừ tịch mọi nhà châm pháo nổ ran, khói mù mịt suốt dãy phố. Sau trận pháo xua đuổi tà ma, bọn trẻ con mình chạy ra “mót” pháo tép còn sót chưa nổ. Tràng pháo đã tắt nhưng tiếng nổ “Tẹt! Tẹt” còn vang lác đác.
- Tuyệt vời!
Chỉ có Yang và Dong là mỉm cười đồng điệu với chúng tôi. Lúc này thày Brian mới lên tiếng:
- Pháo nổ ở Trung Quốc có từ thời cổ đại, phải không, Yang?
- Vâng ạ, từ thời nhà Tần (Qin 221-206 BC) và thông dụng ở thời Đường (Táng Cháo 618-907) ạ.
Hòa vào câu chuyện, Hoàng lặng lẽ đứng dậy lấy trong ngăn kéo của chiếc tủ nhỏ mươi chiếc phong bao mừng tuổi màu đỏ bên ngoài là tranh Đông Hồ tặng cho mọi người làm kỷ niệm.
Hoàng kể chuyện:
- Ngày xưa, sáng Mồng Một Tết, ông bà thường mừng tuổi cho các cháu nhỏ, mỗi đứa được một phong bao đỏ. Bọn trẻ chúng tôi kéo nhau ra ngoài, mở ra thấy tờ một hào, mới cứng. Tục là chỉ mừng tuổi cho trẻ nhỏ thôi. Wan Yang và Dong Jun cùng nói Trung Quốc cũng có tập tục ấy.
Bữa trà chiều ngày giáp Tết. Ảnh: NVCC.
Hoàng gật đầu:
- Có phải là hóng bào qían?... Ngoài ra chúng tôi còn nhiều tập tục về ngày Tết, những do’s and don’ts (điều nên và không nên làm), chẳng hạn không quét nhà, đổ rác hay cắt tóc, gội đầu vào ngày Mồng Một Tết vì như thế là quét sạch của cải, trút bỏ những điều may mắn, tốt lành ra khỏi nhà.
Thầy Brian mỉm cười hỏi:
- Tôi nghe nói người Việt hay đi chùa bẻ cành cây mang về nhà treo, đúng không Hoàng?
- Dạ... Đây là nét văn hóa Tết mà chúng em gọi là hái lộc đầu xuân.
Tôi chen vào, nói rõ hơn:
- Tục này có từ thời vua Hùng cùng hoàng hậu vào rừng hái lộc chia cho các con.
Cô Susan cũng tâm sự:
- Đấy là nét văn hóa đặc thù phương Đông, ngoài ra, vào ngày Tết, văn hóa Đông hay Tây đều có một tư tưởng chung là nhân nghĩa. Vào mùa Christmas chúng tôi hay nhắc nhau: “Hãy quên đi những điều thế giới nợ anh, và hãy nghĩ đến những điều anh nợ thế giới”.
Thày Brian Hill có vẻ quan tâm đến tranh Đông Hồ. Tôi lại dùng hết vốn tiếng Anh của mình để tả về nghệ thuật này.
Lại tiếng chuông Big Ben điểm. Lại một cuộc vui nữa tàn.
Hoàng và tôi ngồi lặng im bên nhau. Bức ảnh Lan Hương với cành đào tặng bố mẹ nằm ngay trên mặt lò sưởi. Lúc này Hoàng ngả đầu vào vai tôi, khe khẽ nói:
- Anh có nhớ tiết trời cuối Đông sang Xuân, nhớ phiên chợ Tết Đông Hồ?
Tôi gật gật đầu. Ắng lặng, nhưng ngoài trời những bông hoa tuyết vẫn lãng đãng rơi để sáng ra đô thành Luân-đôn vẫn giữ được màu trắng êm đềm.
Tôi với tay lên đầu giường tắt đèn chiếu sáng, chỉ còn lại ánh đèn ngủ mờ mờ ở góc nhà. Hoàng nằm nghiêng đầu, mái tóc thề trải lên tay tôi. Bỗng tiếng chuông nhà thờ St Paul rung lên, vang vọng. Tôi thì thầm:
- Giao thừa ở quê nhà đấy.
- Em thương và nhớ bé quá. Chắc bé mong chúng mình về lắm đấy.
Tết quê nhà,... cành đào, tà áo dài truyền thống và những lời chúc tụng An khang, Thịnh vượng. Quê hương và truyền thống thật là thân thương, có sức hút khôn lường, vì trong ngày Tết con cháu thể hiện sự tôn kính đấng sinh thành, nhớ về nguồn cội qua nén hương, những lời nguyện cầu tiễn Thằng Bần năm cũ ra cửa để năm mới bồng Ông Phúc vào nhà.
“Cái đẹp của truyền thông không thể sờ thấy mà chỉ có thể cảm thấy bằng trái tim” (Helen Keller). Vào phút giao hòa này hãy nguyện cầu cho ánh sáng của truyền thống mang lại cho ta sự an bình, ban cho trái tim ta tình yêu thương. Chúng tôi chợp đi lúc nào không biết mơ mơ màng màng trong tiếng chuông chùa, tiếng pháo nổ rền bên cành đào hồng thắm.
Nguyễn Quốc Hùng, MA
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn