Truyện ngắn: Đồng tiền lẻ

Thứ hai - 20/01/2025 14:15
 

Cũng giống vô vàn những bà cụ khác. Ăn xin ư? Ờ, thì đất nước còn nghèo. Còn người ăn xin, tất nhiên! Nhưng…

Đấy, lại “nhưng” rồi. Sao mình nhiều chuyện thế không biết! Cậu ơi, cậu cho già… xin chút tiền lẻ. Trời Phật phù hộ cậu… Một câu nói được lập trình; chỉ thay đại từ nhân xưng (cậu, cô, ông, bà…) cho tương thích với tình huống. Khổ, kẻ phát ngôn lại là bà cụ; một bà cụ quê trạc tám mươi.

Gầy gò kinh điển. Quê mùa toàn diện - nghĩa là từ hình thức đến nội dung đều có thể đem minh họa truyện ngắn Nam Cao khá đắt! Từ bàn tay đen sạm, khô quắt, nhăn nheo (chìa đến đúng lúc cái ví mở ra) - đến cánh tay gầy guộc dính vào tấm thân cũng cõi còm, khô quắt không hơn. Và khuôn mặt. Khuôn mặt hấp háy đôi mắt cập kèm, miệng móm xọm, trán hằn ngang dọc dấu tích phân…

Tất cả đều gợi nhớ đến mẹ. Phải, mẹ. Nhác trông mà giật mình tưởng mẹ - trước khi kịp nhớ ra rằng: mẹ-đã-mất. Mà cũng có thể do liên tưởng, do ấn tượng về mẹ từ trước lúc đến trạm xăng; khi mình cuống quít khấn thầm Bồ Tát lúc kim xăng con ngựa sắt đã gác ngang vạch đỏ mà trạm xăng thì còn hun hút mù khơi.

Mẹ theo đạo Phật. Khi khó khăn, con nhớ niệm Phật, niệm Bồ Tát… Ấy là bài mẹ thường xuyên giáo huấn con cái lúc sinh tiền. Của đáng tội, mình chẳng theo đạo gì, nhưng tin lời mẹ, vẫn thường niệm Phật hoặc Bồ Tát những lúc đụng pha nguy cấp chẳng thể lùi. Như hôm nay…

Cậu ơi, cậu cho già… Sao lại là bà cụ ấy nhỉ? Khó chịu quá. Lại còn giống hệt mẹ mình. Tại sao… Mà… con cháu cụ đâu? Ăn xin, lại là một bà già tuổi 80, thật quá sức!!! Chúng há không biết rằng - như mình đây - khao khát cháy lòng muốn có mẹ để phụng dưỡng mà không biết tìm đâu sao?

Mà mẹ mình cũng thật: Lúc đói nghèo khốn khó thì sống, thì chung lưng đấu cật mà chịu đựng với con; khi dễ thở lại ra đi, không kịp cho con có một ngày báo hiếu. Ấy thật là chuyện chơi gian, không sòng phẳng! Không, mình không dám nói mẹ.

Của tạo hóa. Số mình hẩm hiu nên mới thế. Còn chúng nó, chúng nó (là những đứa nào?) có phúc mà không biết hưởng; mẹ còn sống sờ sờ không lo phụng dưỡng, đợi đến khi mẹ không còn lại trơ mắt ếch…

Tức thật! Sao ngay những chuyện sờ sờ mà người ta cũng không nhận ra cơ chứ? Hay - như tục ngữ thường nói: Chuyện người sáng, chuyện mình quáng. Cũng có khi! Nếu không, mình đây đâu có lâm cảnh bị dày vò, cắn rứt lâu nay?

Cứ nghĩ mẹ còn sống khỏe, sống dai. Thôi, từ từ tính. Làm ăn cái đã. Ai ngờ, thoắt cái, mẹ đã lẳng lặng ra đi trong sự ngỡ ngàng của cháu con. Nghiệt ngã, bàng hoàng - như một vố chơi khăm, một nước cờ sai không phương cứu vãn, hạ thủ bất hoàn…

* * *

Mớ tiền lẻ, mình nhớ rõ lắm: Năm đồng một nghìn, ba đồng hai nghìn, ba hay bốn đồng năm trăm gì đó - rõ ràng hôm qua vẫn còn trong ví, sao hôm nay lại sạch sành sanh; mà lại sạch sành sanh đúng lúc cánh tay bà lão chìa ra???

Thoáng lạnh người, nghĩ đến khả năng mình bị móc túi. Lật nhanh các ngăn ví còn lại. Không, không phải móc túi. Giấy tờ và những đồng bạc lớn vẫn nguyên. Chợt nhớ ra: Ban sáng có vào siêu thị. Mớ tiền lẻ (chẳng đáng bao nhiêu mà) nhét cộm cả ví khiến phát bực.

Móc, thanh toán tại quầy bằng hết, nghĩ bụng: Chẳng mấy chốc lại cộm lên ấy mà! Ma xui quỷ khiến gì mình lại làm thế không biết! Thường nhật, mình vốn cẩn thận: trữ sẵn tiền lẻ để đối phó cùng người ăn xin. Không thể không cho. Nhưng tiền bạc thì hữu hạn, người khổ lại vô cùng, không chia nhỏ đồng tiền ra - lấy đâu “chịu đời” cho thấu?

Mà đội quân ăn xin ấy giờ hùng hậu lắm: Già có, trẻ có, tàn tật có. Thật và giả. Chuyên và bán chuyên. Rối như mớ bòng bong. Dù gì cũng phải cho tất. Mắt phàm làm sao phân biệt thật giả. Miễn cưỡng phân biệt, nhầm ra thì phải tội. Vả chăng ngửa tay đi xin - xét ở phương diện nào - cũng đã là tận cùng bằng số. Thôi…

Cậu ơi, cậu…, cánh tay lại khều khều, đập đập, nài nỉ. Cẩn thận đến thế mà vẫn bị dính đạn. Vô duyên! Lỗi do lâu không gặp người ăn xin nên hóa chủ quan. Làm sao đây? Không cho ư? Coi sao được - nhất là khi mình vừa lên giọng nghiêm khắc (thầm) phê phán đám cháu con vô tình của bà cụ ăn xin.

Mà cho thì… tiền đâu ra? Ngăn ví đựng tiền lẻ trống trơn. Năm trăm, không. Một nghìn, không. Hai nghìn, cũng không! Thật bất nhẫn khi để bàn tay gầy gò, đen nhẻm ấy về không, nhưng quả thật mình bất lực. Việc đang vội, không lẽ phải… gửi xe, tìm chỗ đổi tiền???

Cụ ơi, cháu không sẵn tiền lẻ… Kèm theo một bộ mặt hối lỗi. Thật thành khẩn. Đó là tất cả những gì mình có thể. Cánh tay chợt thõng thượt rớt xuống. Như bị đứt dây treo. Không, đứt lìa hi vọng thì đúng hơn. Cái bóng cõi còm quay mặt. Lại hấp háy đôi mắt cập kèm. Lại lụm cụm chống gậy đến bên một người khách khác. Lại chìa tay, nhẫn nại…

* * *

Đồng tiền lẻ ấy, đồng cắc năm nghìn ấy - có thật mình không thấy? Nói vậy là tự dối. Mình có thấy. Thậm chí, mình còn cố đẩy nó sâu hơn để bà cụ đừng nhận ra. Nhưng đó là một đồng năm nghìn. Nặng trịch. Tròn xoay. Lấp loáng. Không thể gọi đó là “đồng tiền lẻ”.

Nó tương đương hai tờ hai nghìn cộng thêm một nghìn. Nó sánh ngang với 5 tờ một nghìn hoặc 10 tờ năm trăm. Năm nghìn, nó mua được cả tô bún bình dân hoặc ổ bánh mì tương đối. Tiêu chuẩn hành khất không thể xài sang kiểu ấy. Mua gạo về nấu cơm ăn chứ tiền đâu bún bánh ngoài đường? Mình đây còn chả mấy khi (dám) léo chân hàng quán nữa là! Xưa nay mình giúp người chỉ quen năm trăm, một nghìn.

Hai nghìn là hết mức; mà cũng họa hoằn - chỉ dành cho những tình huống “đặc biệt nghiêm trọng”. Lòng tốt nào cũng phải có giới hạn. Quá trớn là hỏng. Cái định mức lòng tốt ấy, mình tự đặt ra từ thời khốn khó và tuân thủ (nghiêm túc) đến giờ. Mình đâu thiếu lòng trắc ẩn.

Đâu phải hẹp hòi. Có điều mình sống có nguyên tắc, không tùy tiện. Phá vỡ nguyên tắc một lần sẽ gây hiệu ứng dây chuyền, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng. Mọi người phải hiểu điều đó. Chuyện này, mình cũng áy náy lắm, nhưng lỗi là do bà cụ xuất hiện không đúng lúc khiến mọi sự thành ra dở ẹc. Giá mà cụ xuất hiện, chìa tay hôm qua, hoặc… ngày mai, thì mọi sự đã ok.

Mà nói đi nói lại, suy xa hơn, nghĩ kĩ hơn, đầu dây mối nhợ chuyện dở òm này vẫn do nơi… đám cháu con bà cụ mà ra! Sao chúng không không hiện diện nơi đây chứng kiến dùm bộ dạng đáng thương của mẹ (hoặc bà) chúng; chứng kiến dùm tình thế loay hoay không lối thoát của mình trước cái đáng thương xuất hiện (rất chi) không nhằm lúc kia?

Mà… kể ra số bà cụ cũng đen thật. Về không chỗ mình còn có lí do chính đáng; chứ thằng cha khách kế tiếp, rõ ràng (mình liếc thấy) trong tay hắn cầm cả mớ tiền lẻ mà cụ cũng có xin được gì đâu? Ngày còn sống, mẹ thường bảo: Ấy là những sinh linh nặng nghiệp nên khốn khổ; không đủ phước để hưởng cả những điều mà ai cũng có thể. Nghĩ vậy cũng hơi yên tâm: ra số bà cụ xui mới gây nên nỗi!!!

Nhưng nói vậy chẳng lẽ… mẹ mình cũng nặng nghiệp? Không sao ngày còn tại thế mẹ cũng lao đao vất vả dữ?? Buồn thật, mẹ khổ mà mình không giúp được gì bởi mình cũng khổ. Hóa ra, mình cũng… nặng nghiệp nốt!

Nhưng nghiệp ấy từ đâu ra? Mẹ một đời hiền lương ăn chay niệm Phật, đói sạch rách thơm không làm gì hại ai. Không chỉ không làm hại, mẹ còn luôn biết thương kẻ bần cùng khốn khó, không bao giờ để một người hành khất ghé nhà phải ra đi tay không. Lá rách ít đùm lá rách nhiều, mẹ luôn làm vậy và dạy con cái làm vậy.

Phải thôi, cả con chó, con mèo vô chủ đến xin ăn mẹ còn chưa nỡ ngoảnh mặt quay lưng nói chi đến con người! Chưa hết, nghe kể, bà ngoại mình xưa kia cũng một đời hiền đức. Ngoại dạy mẹ sống thiện lương. Mẹ dạy mình sống thiện lương. Không ai giàu ba họ không ai khó ba đời sao ba đời nhà mình nghèo miết??. À quên, ấy là nói mình trước kia - chứ mình giờ coi như (cơ bản) thoát nghèo.

Chưa giàu nhưng cũng không còn… quá tệ. Có áo mặc cơm ăn. Nhà cửa, xe cộ. Con cái được học hành và vân vân. Có điều (lạy trời lạy Phật!), cái thoát ấy nào phải do nơi mình hiền đức giống bà giống mẹ. Mình không đi cướp bóc của ai; có điều mình… giữ, giữ chặt những đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi nước mắt, tích cóp được bằng ăn nhịn làm ráng.

Kiến tha lâu đầy tổ không thôi đừng hòng! Hiền đức quá, thởi lởi quá mới là đầu mối của cái nghèo, không có nghiệp ngung gì sất. Bà mình, mẹ mình có cái sai giờ mình tin chắc! Yên tâm nhé, tiền của mình mình giữ, không trộm cắp của ai. Mình không làm gì sai…

Nhưng cảm giác yên tâm (lạ chưa kìa!) sao chỉ yên được mỗi một nửa. Nửa còn lại cứ bồng bềnh, chênh chao không chịu đứng yên. Ruột gan quằn quặn, nôn nao giống hệt say xe. Nhưng mình đang đi xe máy, đâu phải xe đò? Còn nữa, trước mắt cứ chập chờn cái bóng tròn vo loang loáng, quay quay của đồng cắc năm nghìn.

Đồng bạc ấy đảo đồng đảo địa mỗi lúc một nhanh, sau đó là xoay, xoay tít! Ảo giác rồi. Có lẽ là do cái nóng ban trưa - kèm thêm ánh sáng hắt lên từ tấm áo nhựa đường phẳng gương, bóng nhẫy! Và nữa, lại cái dáng hấp háy, cõi còm, móm xọm, lập cập lập cà của bà cụ ăn xin…

Không, không phải bà cụ ăn xin. Đó là mẹ. Thôi rồi, lần này đích thực là mẹ, không nhầm được. Thắng. Quẹo ngoặt. Sang số. Những thao tác hoàn toàn bản năng, không dự liệu. Đó là nơi con đến, phải đến… Mẹ bảo thế.

Ơ, trạm xăng đây mà!!!

Truyện ngắn của Y Nguyên

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây