Thà nghỉ làm chứ không chịu áp lực công sở: Gen Z nuông chiều cảm xúc thái quá?

Thứ bảy - 09/11/2024 12:15
 

Thời gian gần đây khi nhắc đến gen Z, nhiều người cho rằng đây là "thế hệ bông tuyết" (snowflake generation). Khái niệm này xuất hiện trong Từ điển Oxford từ năm 2018, chỉ những người nhạy cảm, dễ bị tổn thương, kích động trước thái độ của người khác. Phải chăng không chịu được áp lực tại nơi làm việc là một trong những biểu hiện đó?

Sếp cứ mắng là nghỉ việc

Dù ra trường sớm, đến nay đã gần 3 năm nhưng Đặng Tuyết Mai (SN 2000, Phú Thọ) vẫn chưa ổn định công việc. Có người cả đời chỉ gắn bó với 1-2 cơ quan, còn Mai trong thời gian ngắn đã thay đổi chỗ làm tới 6 lần.

Nhiều bạn trẻ không chịu được áp lực khi bị sếp mắng. (Ảnh minh họa)

Ngoại trừ 1 lần do công ty phá sản phải đóng cửa, 5 lần còn lại Mai đều nghỉ việc cùng vì một lý do: Sếp mắng. Là con út trong gia đình, từ bé đến lớn được bố mẹ và anh chị nuông chiều, Mai chưa từng bị ai to tiếng. Việc mắng nhiếc, nặng lời hiếm khi xuất hiện trong cuộc đời cô gái này.

Mai cho hay cô có thể chịu vất vả khi lao động chân tay, có thể làm quá giờ, có thể "ôm" nhiều công việc hơn KPI được giao nhưng chỉ có một điều khiến cô gặp rào cản trong công việc là không chịu được áp lực tinh thần.

"Bị sếp chì chiết, em khó chịu vô cùng", cô nói và cho biết có những ngày chỉ vì 1-2 tiếng quát của sếp, Mai bực tức không ăn nổi cơm.

Những lần như vậy, không cần biết có lý hay vô lý, Mai đều không phản biện lại. Thay vào đó, cô âm thầm nộp đơn xin nghỉ việc. Mai cho rằng hành động mắng mỏ nhân viên dù vì lý do gì cũng đều không thể chấp nhận.

Mỗi lần có ý định nộp đơn, Mai đều được đồng nghiệp khuyên nhẫn nhịn, làm dần sẽ quen vì sếp ở đâu cũng vậy, sẽ có những lúc nặng lời, to tiếng. Nhưng bỏ ngoài tai lời khuyên của mọi người, Mai vẫn quyết tâm nghỉ.

"Em còn trẻ, còn nhiều cơ hội việc làm trước mắt. Không làm nơi này thì làm nơi khác, đi làm mà tâm trạng không thoải mái thì không làm được việc", Mai nói.

Không hòa hợp với đồng nghiệp cũng nghỉ việc

Khác với Mai, Trần Thu Uyên (SN 1999, Hải Phòng) lại "nhảy" việc liên tục vì không hòa hợp được với đồng nghiệp.

Uyên kể: "Cách đây 1 năm em làm tại 1 công ty luật. Cả công ty chỉ có em và một bạn nữa là thế hệ gen Z, còn lại toàn các anh chị U40, U50. Từ cách làm việc đến sinh hoạt em đều cảm thấy không thể hòa hợp với mọi người. Mỗi ngày đi làm em đều cảm thấy uể oải và lạc lõng". Nhưng đó chưa phải lý do lớn nhất khiến Uyên nghỉ việc.

Không hòa hợp với đồng nghiệp là nguyên nhân nhiều người nghỉ việc. (Ảnh minh họa)

Ngày nào đến công ty Uyên cũng bị "soi" mặc gì, mặc đơn giản thì bị nói xuề xòa, mặc đẹp thì lại bị nhắc nhở "nơi làm việc không phải sàn diễn thời gian". Thậm chí, Uyên bị "soi" đi gì đi làm, có bạn trai chưa... Những điều này khiến Uyên cảm thấy ngột ngạt. Không quá 3 tháng, Uyên xin nghỉ việc dù đó là môi trường tốt để cô rèn luyện chuyên môn.

Lần thứ hai, Uyên nghỉ việc môi trường làm việc quá cạnh tranh. "Đồng nghiệp mà coi nhau như đối thủ, lúc nào cũng giành giật khách hàng để đủ KPI", áp lực trước cảnh anh chị em cùng công ty ghét bỏ, thậm chí nói xấu nhau, Uyên thấy mệt mỏi, không thể trò chuyện hay chia sẻ với ai.

Lần thứ ba, do đồng nghiệp quá trầm mặc, Uyên cũng chán mà nghỉ làm. Uyên kể, đến công ty nhưng không ai nói với ai câu nào, công ty cả ngày im ắng. Sự xuất hiện của Uyên ở công ty cũng chẳng có ai quan tâm. Uyên thà nghỉ việc chứ không chịu ấm ức khi đi làm.

"Nhảy" việc liên tục nhưng Uyên mãi không tìm được môi trường ưng ý. Chuyển tới công ty nào Uyên cũng gặp một vấn đề chung là đồng nghiệp khiến cô không thoải mái.

Câu chuyện của Mai và Uyên là câu chuyện của rất nhiều bạn trẻ hiện đang loay hoay tìm kiếm công việc ưng ý. Việc các bạn "nhảy" việc liên tục không hẳn nằm ở trình độ, kiến thức chuyên môn mà vấn đề nằm ở tâm lý "không hài lòng" với văn hóa nơi làm việc.

Anh Kyle Nguyễn (Giám đốc công ty truyền thông 5.0) cho hay đã tiếp xúc với nhiều nhân viên thuộc thế hệ gen Z, đa số đều có khả năng chịu đựng áp lực do khối lượng công việc lớn nhưng ít người chấp nhận chịu đựng làm việc trong môi trường toxic (độc hại). Các bạn trẻ hiện nay rất ưu tiên cảm xúc của bản thân, không những tôn trọng mà còn chiều chuộng nó.

Do đó nhiều bạn hướng tới công việc không chỉ đáp ứng về chuyên môn ngành học, thu nhâp mà còn đáp ứng môi trường lành mạnh. Theo anh Kyle Nguyễn, đây là điểm sáng có thể giúp thế hệ trẻ tự tin hơn khi có quyền tìm kiếm công việc tốt phù hợp thay vì chịu nhẫn nhịn, đi làm chỉ để nhận lương.

"Tuy nhiên sự nuông chiều cảm xúc thái quá có thể trở thành điểm yếu của các bạn bất cứ lúc nào. Để kiếm công việc ưng ý, tất cả mọi thứ thuận theo ý mình rất khó. Trong bất cứ môi trường làm việc nào cũng có những điểm tích cực và tiêu cực, nếu các bạn không biết cân bằng cảm xúc để thích nghi mà mãi chạy theo chiều chuộng cảm xúc bản thân sẽ dễ đánh mất nhiều cơ hội", anh Kyle Nguyễn nói.

Theo ThS. Nguyễn Anh Khoa, giảng viên ngành Tâm lý học, việc gen Z dễ tổn thương khi gặp vấn đề tại nơi làm việc cũng có thể là một biểu hiện bất ổn trong tâm lý.

"Giống như cơ thể, tâm hồn của chúng ta cũng cần được chăm sóc mỗi ngày", ThS. Khoa cho biết 2 hoạt động thiết yếu có thể giúp gen Z nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần là tập thể dục và ăn uống điều độ. Tuy đây không phải hoạt động phức tạp nhưng có thể mang đến hiệu quả cao.

Gen Z nên trang bị cho mình một sức khỏe tinh thần tốt để dễ dàng hòa nhập với các kiểu môi trường sống và làm việc bởi thay vì né tránh bằng cách bỏ dở hay trốn chạy, đối diện và thích nghi là cách làm sáng suốt nhất.

Hiểu Lam

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây