Tiến sĩ James Fish là một bác sĩ đa khoa trong Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) tại Vương quốc Anh. Trải qua những kinh nghiệm làm việc quá tải và kiệt sức, Fish nhận ra tầm quan trọng của việc tìm ra những phương pháp thực tập để vượt qua các áp lực và những yếu tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của các bác sĩ như anh, bởi những trạng thái tâm lý tiêu cực có thể làm suy giảm đáng kể chất lượng công việc của họ.
Năm 2016, Fish lập ra tổ chức Still Practising, một nhóm thiền định dành riêng cho các bác sĩ tại Anh. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Fish đã kể về câu chuyện cuộc đời anh, những ảnh hưởng ban đầu của Phật giáo, và lý do vì sao việc chăm sóc sức khỏe tinh thần một cách chủ động lại rất cần thiết trong môi trường y tế.
* Điều gì khiến anh bất ngờ nhất khi nghiên cứu vai trò của chánh niệm và thiền đối với y học?
- Điều đầu tiên thực sự làm tôi bất ngờ là lĩnh vực này đã có số lượng các bài nghiên cứu vô cùng khổng lồ: Chánh niệm đã được nghiên cứu hơn 60 năm nay, và hiện nay, có hơn 17.000 bài báo khoa học về chánh niệm. Nếu bạn tìm từ khóa “mindfulness” trên Google Scholar, bạn sẽ nhận được gần 1,3 triệu kết quả.
Điều bất ngờ tiếp theo mà tôi nhận thấy trong 5 năm gần đây là sự chuyển dịch từ thái độ hoài nghi sang khuyến khích của các tổ chức y tế quốc gia và quốc tế. Các phương pháp can thiệp chánh niệm hiện nay đã nhận được sự ủng hộ nhằm chữa trị nhiều tình trạng bệnh lý, đặc biệt là trầm cảm và lo âu, cũng như hỗ trợ điều trị các bệnh lý thể chất như cao huyết áp. Tại Anh, năm 2022, hướng dẫn quốc gia về sức khỏe nghề nghiệp khuyến nghị mọi nhà tuyển dụng nên tạo điều kiện cho nhân viên của mình tham gia thiền chánh niệm hoặc yoga để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần của họ.
* Có vẻ như thực hành Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong công việc của anh với tư cách là một bác sĩ. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này không?
- Tôi bắt đầu học thiền vào khoảng 15 năm trước, khi tôi còn là một sinh viên ngành tâm lý học tại Đại học Leeds, trong độ tuổi 20. Tôi học thiền cùng tổ chức Friends of the Western Buddhist Order (nay là Triratna). Ban đầu, thiền đối với tôi là một cách để đối phó với căng thẳng thời sinh viên.
Sau đó, sự quan tâm đối với Phật giáo của tôi trở thành một hoạt động mang tính cá nhân nhiều hơn. Các tác giả như Stephen Batchelor và Thích Nhất Hạnh đã giúp tôi hiểu thêm về những tư tưởng Phật giáo. Ngoài ra, các ứng dụng như Buddhify, Ten Percent Happier, và Waking Up cũng hỗ trợ cho việc thực hành của tôi.
Khoảng 3 - 4 năm trước, tôi thành lập một nhóm trực tuyến dành cho bất kỳ nhân viên y tế nào trong NHS muốn thực hành thiền. Tuy nhiên, vì khối lượng công việc quá lớn và khi đó tôi chưa được đào tạo giảng dạy, tôi phải nhờ đến sự hỗ trợ từ những giáo viên khác. 6 tháng qua, tôi và một người bạn là bác sĩ tâm lý đã quyết định cùng điều hành nhóm này; chúng tôi cùng nhau ngồi lại mỗi hai tuần một lần, kéo dài một tiếng rưỡi đồng hồ. Mục tiêu của chúng tôi là mời các nhân viên y tế đến với nhau để ngồi thiền và khám phá những lợi ích mà thiền định mang lại cho cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp.
Theo kinh nghiệm của riêng tôi thì hầu hết các bộ phận trong NHS luôn ở trạng thái phòng thủ để sẵn sàng xử lý các vấn đề khẩn cấp, vì vậy việc chủ động hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho nhân viên và đối phó với căng thẳng chưa thực sự được ưu tiên. Phần lớn các tổ chức chỉ can thiệp khi cá nhân đã rơi vào tình trạng bệnh lý hoặc khủng hoảng nghiêm trọng.
Tôi cố gắng thiền mỗi ngày, dù chỉ là 5 phút trong xe hơi trước khi vào làm việc - bao gồm thực hành chánh niệm, từ bi (metta), và nhận thức về tính không. Vào một ngày nào đó, tôi cũng có thể thực hành chánh niệm suốt cả ngày khi làm việc, nhưng vào những thời điểm khác, nó chỉ đơn thuần là một chiến lược đối phó với những gánh nặng của công việc. Tôi cố gắng không đặt quá nhiều mục tiêu rõ ràng như trước đây, bởi thường thì chính sự gắng sức lại là điều tôi cần phải buông bỏ.
* Phản ứng của bệnh nhân và các bác sĩ khác về thiền chánh niệm như thế nào?
- Cách đây vài tuần, tôi gặp hai phản ứng hoàn toàn trái ngược nhau trong cùng một ngày.
Buổi sáng, một bệnh nhân mắc chứng rối loạn tâm lý phức tạp và đau mãn tính đã kể với tôi rằng chánh niệm đã thay đổi cuộc đời cô ấy mà không cần tôi gợi ý. Cô ấy thiền 30 phút trong giờ nghỉ trưa, nhờ đó cô ấy có thể kiểm soát cơn đau và các vấn đề tâm lý của mình, giúp cô ấy duy trì công việc.
Nhưng ngược lại, khi tôi dạy một nhóm thiền trực tuyến dành cho các bác sĩ, tôi đã nhận được một phản hồi từ một đồng nghiệp rằng họ “thà dùng thìa tự hành hạ bản thân còn hơn”. Tôi không hoàn toàn hiểu phản ứng này, nhưng có lẽ một số người cảm thấy thiền không phù hợp với văn hóa của họ, hoặc ý tưởng “ngồi yên không làm gì cả” khiến họ khó chịu.
* Là một bác sĩ, chánh niệm hỗ trợ công việc của anh như thế nào?
- Công việc của chúng tôi đang làm mang ý nghĩa tích cực và giúp ích cho rất nhiều người. Vì vậy, dù có căng thẳng đi nữa thì việc chăm sóc người khác có thể thực sự là mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng những phẩm chất của tâm, mang lại lợi ích cho bản thân và người khác. Tuy nhiên, khi bạn đang đối mặt trực tiếp với những khó khăn, cảm giác này không phải lúc nào cũng rõ ràng.
Tôi đã nhận được những lợi ích cơ bản của chánh niệm: phương pháp này giúp tôi cải thiện tâm trạng và hỗ trợ tôi đối phó với căng thẳng. Tuy nhiên, điều thay đổi thực sự là chánh niệm giúp tôi hiểu rõ hơn về những nỗi khổ tâm lý của chính mình và phản ứng với chúng một cách tốt hơn. Giờ đây, tôi có thể ngồi cùng với bất kỳ điều gì đang diễn ra trong tâm của mình; cũng như với bệnh nhân, tôi cảm thấy thoải mái – không còn phải liên tục tìm cách giải thích hay xử lý mọi thứ.
* Anh có lời khuyên nào dành cho những người làm trong các ngành nghề chăm sóc khi họ cảm thấy kiệt sức?
- Tôi trở thành bác sĩ tư nhân năm 32 tuổi, bắt đầu làm việc tại một phòng khám phải tiếp nhận khoảng 33 bệnh nhân mỗi ngày, bao gồm cả những chuyến thăm nhà của bệnh nhân. Tôi đã thực sự gặp khó khăn. (Hiệp hội Y khoa Anh khuyến nghị giới hạn chỉ nên là 25 bệnh nhân mỗi ngày.) Tôi còn bị chứng mất ngủ, và khi căng thẳng tăng lên, tôi mất ngủ nhiều hơn. Tôi cảm thấy xa cách với đồng nghiệp và với cả bệnh nhân. Khi bạn cảm thấy mất kết nối như vậy, đó là lúc bạn cần dừng lại và đánh giá lại mọi thứ đang diễn ra.
Có lúc tôi cảm thấy công việc y khoa không còn an toàn với mình. Nhưng nhìn ở một cạnh cực tích cực, chứng mất ngủ đã buộc tôi phải thay đổi cách sống và hành vi của mình.
Điều quan trọng là phải nhận ra rằng kiệt sức, hoài nghi và cảm giác tội lỗi là những phản ứng hoàn toàn dễ hiểu khi bạn làm việc trong hệ thống căng thẳng và không lành mạnh. Tự trách móc bản thân không giúp ích được gì, nhưng tôi hoàn toàn hiểu được tại sao điều đó lại xảy ra. Khi bạn làm việc trong môi trường này, việc chuyển từ chế độ “chữa cháy” và giúp đỡ người khác sang việc đáp ứng nhu cầu của chính mình có thể rất khó khăn, thậm chí còn cảm thấy sai trái hoặc ích kỷ.
Tuy nhiên, tự chăm sóc cho bản thân là điều cần thiết, ngay cả khi mục tiêu chính của bạn là chăm sóc người khác. Tôi thường thấy một mô hình quen thuộc: sự chăm sóc bản thân dần dần bị xói mòn cho đến khi người hành nghề không còn chịu đựng được nữa. Đôi khi, cách duy nhất để đánh giá tình hình là rời khỏi hệ thống đó trong một thời gian. Và thường chỉ khi bạn chạm đến điểm khủng hoảng tâm lý thì mọi thứ mới thực sự thay đổi.
Dĩ nhiên, nếu bạn căng thẳng đến mức độ trầm trọng phải rời bỏ công việc, hoặc đặc biệt khi bạn có những suy nghĩ tiêu cực như muốn tự tử, thì bạn ngay lập tức phải đến tìm gặp chuyên gia tư vấn tâm lý. Bởi ngay cả những người làm nghề chăm sóc người khác cũng không thể miễn nhiễm với các vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Khi tôi kiệt sức, nhờ vào sự thực hành chánh niệm đã có sẵn, tôi hồi phục chỉ trong vài tuần. Dù nó không thể ngăn tôi kiệt sức hoàn toàn, nhưng quá trình phục hồi diễn ra nhanh hơn và ít sự tự trách hơn so với trước đây. Trải nghiệm này đã giúp tôi trưởng thành hơn ở một số cạnh, và tôi tin rằng mình đã trở thành một bác sĩ tốt hơn vì hiểu được giới hạn của bản thân và biết cách hành nghề y khoa một cách an toàn hơn.
Phổ Tịnh dịch/Báo Giác Ngộ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn