Cái nắng gay gắt dội xuống hành lang bệnh viện, chị Ninh Thị Diễm (SN 1995, ngụ tại Bình Phước) mệt mỏi ngồi trên chiếc xe lăn, được chồng đẩy ra từ phòng truyền thuốc. Khi được hỏi thăm bệnh tình, chị lặng lẽ rơi nước mắt.
Năm 2022, trong lần đi khám sức khỏe vì mong con, chị Diễm nghe lời bác sĩ khuyên đi khám chuyên sâu về phổi. Những tưởng chỉ là viêm phổi hoặc di chứng hậu Covid-19 như lúc trước, vợ chồng trẻ chợt điếng người khi nhận được chẩn đoán ung thư phổi.
Chị Diễm đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Vốn là người yêu mến trẻ nhỏ, mong mỏi có con, chị Diễm phải cất giấu niềm ao ước ấy để bước vào hành trình điều trị căn bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện Ung bướu
TP. HCM.
Bác sĩ xác định bệnh của chị đã ở giai đoạn cuối, phải đánh thuốc hóa chất phối hợp với xạ trị. Những cơn đau hành hạ cả ngày đêm, thêm tác dụng phụ của thuốc khiến chị kiệt quệ. Thế nhưng, điều làm chị suy sụp nhất là nỗi lo tiền bạc và cảm giác áy náy với nhà chồng.
Có những đợt điều trị, dù được bảo hiểm y tế chi trả 95% (thuộc hộ cận nghèo), nhưng chi phí ngoài danh mục của chị vẫn lên tới gần 60 triệu đồng. Chỉ trong 2 năm, gia đình đã vay mượn khoảng 400 triệu đồng.
“Tôi buồn lắm, lấy chồng từ năm 2021, còn chưa làm tròn nghĩa vụ của người vợ, người con dâu thì đã đổ bệnh. Gia đình 2 bên vốn khó khăn, giờ lại chật vật vì tôi. Có hôm bắt gặp chồng lén khóc ở ngoài hành lang, tôi đau lòng, vài lần khuyên anh ly hôn để có một gia đình trọn vẹn nhưng anh không đồng ý”, chị Diễm nghẹn ngào.
Phát bệnh hiểm nghèo chỉ sau 1 năm kết hôn, vợ chồng trẻ lao đao tìm đường chạy chữa.
Ở quê, vợ chồng chị chưa có nhà cửa, cũng chẳng có phương tiện canh tác. Trước đây, chị Diễm làm sơn móng tay tại nhà, công việc bấp bênh. Còn anh Nguyễn Văn Đồng (SN 1994) đi làm mướn, chủ yếu làm vườn, làm rẫy cho người ta. Ngày nào được nhiều thì khoảng 500 nghìn đồng/ngày, nhưng cũng có ngày cả 2 vợ chồng đều “ế”.
Mỗi tháng, sau khi trừ tiền thuê trọ, sinh hoạt, họ cũng chẳng dành dụm được nhiều. Đến lúc chị Diễm phát bệnh, họ chỉ có cách vay mượn, thậm chí phải nhờ người thân đứng ra vay giúp.
Có thời điểm, thấy anh Đồng vay mượn mãi không được tiền, chị Diễm định bỏ cuộc. Sau nhờ bác sĩ, chồng chị và người thân động viên, chị mới có động lực tiếp tục đi viện. Người phụ nữ tội nghiệp chưa đầy 30 tuổi, dù vẫn khao khát sống nhưng sợ bản thân trở thành gánh nặng cho gia đình.
Dù có bảo hiểm y tế hỗ trợ 95% nhưng có nhiều đợt, chị vẫn tốn gần 60 triệu đồng viện phí.
"Tôi từng khuyên ly hôn nhưng anh không đồng ý", chị Diễm đau lòng nói.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Trưởng thôn 5 (xã Đường 10, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) chia sẻ, gia đình chị Diễm thuộc hộ cận nghèo ở địa phương. Chị còn trẻ, mới lấy chồng chưa được bao lâu đã đổ bệnh nặng. Kinh tế chủ yếu dựa vào đồng lương làm thuê, làm mướn của người chồng, giờ lại càng khó khăn hơn.
Thông qua Báo VietNamNet, ông mong sẽ có nhiều nhà hảo tâm thương giúp, để chị Diễm có kinh phí tiếp tục điều trị, vượt qua mặc cảm bệnh tật.
Khánh Hòa
Lê Nhung
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn