1. Những ngày xa mẹ, tôi thường tự mình trở dậy từ 4 giờ rưỡi sáng mà không cần đồng hồ báo thức. Một mình trong thinh lặng, tôi rửa những chiếc ly đã dùng của ngày hôm qua, dọn sạch chiếc bàn ăn mà sau một ngày luôn bừa bộn những đồ lặt vặt, chuẩn bị đồ cho con đi học, chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình. Rồi phơi đồ, gấp đồ, quét nhà, tưới cây.
Nếu còn thời gian, tôi sẽ trải tấm thảm ra tập vài động tác yoga cơ bản hoặc mở máy tính học bài một chút. Chỉ chừng đó công việc nhỏ nhặt thôi mà cũng tốn thời gian lắm và đôi khi nó làm tôi thấy mệt. Nhất là những hôm trong người không được khỏe, khi tôi lo lắng bồn chồn việc gì đó hay có công việc cần hoàn thành gấp.
Mẹ đến, tự nguyện ghé vai san sẻ cho tôi việc nhà, một cách vui vẻ nhẹ nhàng, như muốn bù đắp cho con cháu. Mẹ chơi với cháu vui vẻ hàng giờ liền trong lúc tôi còng lưng chạy “deadline”, xuýt xoa nói làm việc ở nhà mà cũng căng thẳng quá ha con. Mẹ nhìn thấu sự vất vả luôn tay luôn chân của tôi, nên muốn giúp. Ba tôi mất rồi, nên có lẽ trên đời này chỉ còn duy nhất một mình mẹ tôi xót xa kiểu vậy khi thấy tôi cặm cụi.
2. Nhà tôi ở miền Trung. Một cuộc ly hương đột ngột cách đây 12 năm đưa tôi vào TPHCM rồi neo lại đây luôn. Khi tôi tạo dựng được một mái nhà, mẹ mới vào thăm, ở lại có một tháng mà ngày nào mẹ cũng ngồi nhìn ra cửa than nhớ quê. Bà chưa khi nào đi xa, đi lâu như vậy. Rồi tôi có con, bà lại lặn lội vào với cháu, ở được nửa năm. Lần này, cháu lớn đi học mẫu giáo rồi, “chẳng còn việc gì mà làm”, nên năn nỉ mãi mẹ mới chịu vào chơi một tháng.
Hạnh phúc là khi còn có mẹ bên mình. Ảnh: NSNA BÙI QUỐC
Vì “chẳng còn việc gì mà làm”, nên lần thăm này tôi và mẹ đều thảnh thơi hơn. Tôi quan sát mẹ nhiều hơn. Nhìn mẹ lui cui dọn dẹp, một cách tỉ mỉ, cần mẫn và yên lặng, tôi thấy như bóng dáng của chính mình. Hình như tôi giống mẹ nhiều hơn trước giờ mình vẫn nghĩ. Giống từ cái dáng hình cặm cụi, từ cách ăn ở sạch sẽ đến mức cầu toàn, từ cái tính cách hay lo hay nghĩ, hay buồn…
Vậy mà trước nay tôi luôn nghĩ mình giống bố nhiều hơn. Bố gần gũi, khéo léo và dạy tôi nhiều thứ hơn là mẹ. Nhưng hóa ra, càng lớn lên, làm mẹ rồi, tôi dần cảm thấy mình giống mẹ như một bản sao. Nhìn mẹ, tôi hình dung ra mình sau hơn 30 năm nữa. Chỉ hơn 30 năm nữa thôi. 30 năm là dài hay ngắn?
3. Tôi có mơ ước được đưa mẹ đi đây đi đó để ngắm nhìn cảnh đẹp quê hương, mở mang tầm mắt. Rất nhiều người cùng trang lứa với tôi đã đưa mẹ đi du lịch khắp nơi, đi cả nước ngoài, nhìn mà thích. Nhưng mẹ tôi thì mới nghe chuyện đi đây đi đó, đã trào nước mắt. Mẹ bị say xe, đến mức bước ra đường thôi, thấy xe chạy qua chạy lại, mùi khói xăng đã làm bà chóng mặt, buồn nôn rồi. Mẹ năn nỉ tôi trong những ngày ở đây chơi cứ cho mẹ được… ở nhà, cùng lắm đi loanh quanh trong bán kính vài kilômét thôi.
Tôi cố gắng sắp xếp công việc để ở nhà với mẹ nhiều hơn, nấu cho mẹ vài món thanh đạm, nghe mẹ kể linh tinh hết chuyện này đến chuyện khác. Từ chuyện từng nhà trong xóm, trong dòng họ, chuyện những đứa bạn thời thơ ấu của tôi bây giờ ra sao, đến những chuyện kỳ quái mẹ đọc được trên mạng…
Thôi thì, sẽ có những chuyện không thể như ý mình được. Mẹ sẽ không đi du lịch. Mẹ sẽ ngồi ăn cơm với nước tương mà nhất quyết không đụng vào mâm cơm tôi kỳ công chuẩn bị cho mẹ, chỉ vì những món đó mẹ ăn không quen. Mẹ sẽ “phán” những câu lạc quẻ dưới góc nhìn của một bà cụ gần 70 năm ít rời khỏi lũy tre làng. Mẹ của tôi chính là như thế.
Thiệt tình mà nói, đã có những lúc tôi thấy bực bội khi mẹ không chịu nghe mình, những lúc năn nỉ hết lời mà mẹ vẫn không chịu nếm thử một miếng ăn. Có lúc tôi muốn la um lên khi mẹ cơm không chịu ăn, lại xuống tay mấy triệu đồng mua thực phẩm chức năng vì nghe mấy anh chị tiếp thị bùi tai quá, còn khuyến mãi cho hẳn bộ ly uống trà đẹp…
Nhưng đến giờ, tôi đã thành công vượt qua cảm giác không dễ chịu đó. Một vài nhịp thở sâu giúp tôi trấn tĩnh, hiểu rằng đó là mẹ mình, với những hạn chế và những ưu điểm vốn có của mẹ. Nếu không thể thay đổi được, tôi nên chung sống hòa bình. Bởi những ngày bên mẹ đâu còn nhiều. Trong những ngày đó, chỉ cần mẹ thấy vui, thấy hạnh phúc là đủ rồi. Mẹ không chê đứa con tầm thường - là tôi -thì cớ gì tôi lại buồn lòng vì những hạn chế nhỏ của mẹ.
Khi tôi viết những dòng này, mẹ đang ngồi giữa phòng khách khâu lại cho tôi chiếc áo bị bung chỉ ở tay. Dù mắt đã kém đi nhiều, nhưng mẹ vẫn thích khâu vá, chỉ bằng cây kim sợi chỉ mà làm rất khéo chẳng khác gì thợ may chuyên nghiệp. Khâu xong, mẹ ngồi đọc tiếp cuốn sách tôi mới mua, mẹ khen sách hay, in chữ dễ coi. Khung cảnh êm đềm này, có lẽ phải có phước phần nhiều lắm mới được hưởng. Đó là cảnh êm đềm, hạnh phúc khi còn có mẹ bên đời.
THỦY LIÊM
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn