Tôi có thói quen từ rất nhiều năm nay, cứ sáng sớm ba mươi Tết là chạy một vòng xe quanh thành phố, qua các chợ. Thường thì tôi không chủ định sẽ mua gì vì tất cả mọi thứ đã xong xuôi từ 29 Tết: Bánh tét, nồi thịt kho tàu, kho măng, cá, thịt, rau… Tôi cũng mua hoa sớm, với chục chậu vạn thọ để trước sân, hoa cắm trong nhà mua về ngâm trong thùng nước, thời khắc đón chờ giao thừa, tôi thong thả lấy hoa ra cắm vào các bình. Tuy là vậy, nhưng một vòng lượn qua các chợ sáng cuối năm, tôi cũng hay mua mỗi thứ một ít về nhà.
Hồi xưa nhà cũ của tôi ở gần chợ Xóm Mới, sau khi dạo qua chợ, ngắm hoa, ngắm hàng hóa Tết còn nhiều hay ít, tôi ra chợ Đầm. Sáng ba mươi, ngay ở mặt tiền chợ là không khí vội vã bán mua mà hầu hết là hoa và trái cây. Hoa Đà Lạt về chuyến muộn nhất từ chiều hôm trước, sáng ba mươi bán vét. Thể nào tôi cũng đứng lại bên những hàng hoa, nghe người bán mời mua giọng có chút buồn, tôi lại mang thêm về nhà bình lay ơn, một bó cúc vàng… Bó hoa đó tôi sẽ mang qua nhà má, hay nhà em gái, nói má, nói em cắm thêm bình nữa cho rộn thêm sắc xuân trong nhà.
Chợ Đầm ba mươi Tết.
Những khi đó, trong tâm trí tôi luôn luôn hiện lên những ngày Tết cũ. Hầu như bất cứ ai ở Nha Trang nhiều lớp tuổi xưa đều có những ký ức được cha mẹ dẫn đi coi hoa Tết ở chợ Đầm và sau này đến phiên mình đưa con cái đi chơi. Hồi đó, hoa tập trung hết ở chợ Đầm làm thành chợ hoa, là nơi mua bán hoa, nơi vui chơi, ngắm hoa, chụp hình kỷ niệm của những gia đình vào dịp gần Tết.
Với riêng tôi, một kỷ niệm không quên ngày Tết năm 1984, tôi từ Sài Gòn trở về, má cùng tôi đi xe lam từ Thành xuống Nha Trang đi chợ Tết ở chợ Đầm. Ghé tiệm vàng Ngọc Mai, má mua cho tôi chiếc nhẫn vàng tây 5 phân 6, chạm khắc con rồng rất đẹp. Giá chiếc nhẫn khi ấy là 2.600 đồng, bằng giá tiền một cái quần jeans, hàng Mỹ gửi về. Tuổi trẻ vô tâm, tôi nhận món quà từ má mà không thắc mắc sao má có số tiền lớn như vậy để mua cho tôi. Tôi cũng không chú ý nét mặt ngời ngời hạnh phúc của má khi tôi đeo chiếc nhẫn vào tay. Tôi chỉ biết ngắm nghía bàn tay mình cùng chiếc nhẫn và vui trong lòng khi mình có một thứ thật giá trị ở tuổi đôi mươi mà nhiều người trang lứa tôi chưa chắc đã có. Rồi tôi lập gia đình, ra ở riêng, có con cái… Đồng lương công chức, bao nhiêu năm khó khăn, túng quẫn, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ bán đi chiếc nhẫn kỷ vật này của má. Chiếc nhẫn còn có một kỷ niệm đẹp nữa với C., một đồng nghiệp cũ. Hồi đó nhà C. có tiệm vàng, chiếc nhẫn bị “lung lay” cái hột, tôi nhờ C. mang về làm lại cho chắc chắn. C. thấy cái hột bị trầy, thay cho tôi cái hột mới thật đẹp, và nó vẫn đẹp đến bây giờ.
Rồi những năm con tôi bắt đầu lớn, từ khi có cổng chợ Tết và sau đó là những gian hàng bánh mứt, trò chơi dựng lên, cứ vài chiều, cơm nước xong xuôi, tôi đưa các con đi chợ Tết. Khi thì mua bánh mứt, khi thì chơi trò chơi… Đủ các thứ trò chơi cho trẻ con và người lớn như phóng mũi tên, lô tô…
Thời gian dần trôi, chợ hoa Tết ở chợ Đầm và những gian hàng bánh mứt, trò chơi ngày càng ít đi. Tết bây giờ ở Nha Trang có nhiều nơi để đi chơi, hội chợ có trò chơi phong phú hơn. Trai thanh gái lịch có nhiều điểm check-in chụp hình, cha mẹ đưa con đi chơi, ngắm hoa Tết ở Công viên Yến Phi, hoa trang trí trên đường biển, trong các công viên, chỗ nào cũng đẹp và chụp hình đẹp. Hoa trải dài trên những con đường chính… khiến tôi có cảm giác hoa Tết tràn khắp Nha Trang vào những ngày Tết.
Thế hệ nào cũng vậy, Tết luôn là kỷ niệm cho bất cứ ai, là hành trang của thời thơ ấu mang theo vào đời! Cha mẹ đưa con đi chơi Tết nay để con có kỷ niệm Tết xưa.
ĐÀO THỊ THANH TUYỀN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn