Lòng hiếu khách của người Tây Nguyên xưa

Thứ năm - 20/06/2024 21:15
 

Sự thân thiết, giao hảo giữa các làng của người Tây Nguyên xưa thường được khởi nguồn từ những cuộc thăm hỏi, dự lễ của các gia đình trong dòng họ hay dịp hội làng. Trong các cuộc ấy, người ta thường mang theo rượu ghè, heo, gà, gạo nếp… để đóng góp, cũng là cách đỡ gánh vất vả cho chủ nhà, chủ làng. Gạo nếp thì nướng cơm ống lồ ô mà ăn. Rượu ghè thì mời nhau, uống qua uống lại. Heo thì giết thịt chia phần gói lá, làm đồ nhậu mời nhau…

Một ngôi nhà dài nhuốm màu thời gian của người Jrai tại buôn Du, xã Chư RCăm, huyện Krông Pa. Ảnh: P.V

Ngày xưa, giao thông đi lại rất khó khăn. Vì nhiều yếu tố, các làng có mối tương giao thân thiết lại rất xa nhau. Như con trai được con gái làng khác bắt chồng, lúc nhàn rỗi, khi nhớ người thân hoặc gia đình có việc, họ thường chân trần đi bộ về làng cũ. Đường đi nhiều khi hàng chục cây số. Trong điều kiện như vậy, mỗi chuyến đi thường xác định phải ở lại chục ngày. Cho nên, người đến làng cứ việc thăm thú, ăn uống, nghỉ ngơi hết nhà này sang nhà khác; chủ yếu là trong cùng dòng họ (theo họ mẹ-mẫu hệ).

Xưa kia, người Tây Nguyên có tục: Người dù xa lạ nhưng hễ cùng họ thì coi nhau như anh em ruột thịt, đến làng khác chẳng bao giờ lo thiếu đói. Họ cứ mặc nhiên tìm đến những gia đình cùng họ nhận anh em mà tá túc.

Bên ghè rượu cần. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Thời trước, người Tây Nguyên thường ở trong các căn nhà dài. Thường thì mỗi gian là một gia đình nhỏ. Tùy theo tộc người, có nơi, các gia đình có ngăn bằng liếp tre, có nơi chỉ phân biệt với nhau bằng hàng cột kèo và bếp lửa.

Mỗi gian nhà dài thường có một gian đầu gắn với cầu thang lớn làm gian khách, là nơi tiếp khách và treo dựng các vật dụng của toàn đại gia đình như cồng chiêng, ghè ché…; gian cuối gắn với cầu thang nhỏ cho các con gái chưa bắt chồng quây quần nằm ngủ (con trai chưa lập gia đình thì ngủ ở nhà rông).

Khi con gái lớn “bắt chồng”, cưới trai làng hoặc “bắt” trai làng khác về nhà mình làm chồng thì các ông chồng bắt buộc phải mang họ khác (tránh loạn luân). Vì thế, trong một nhà dài, đàn ông (chồng, cha, ông) có thể mang nhiều họ khác nhau. Tuy nhiên, con cháu thì mang họ mẹ. Mỗi dòng họ thường làm những dãy nhà dài liền nhau, nối tiếp nhau, 1-2 dãy chạy dài. Những chàng rể khi nhớ đến họ hàng thì phải về nhà cũ, làng cũ của mình mà thăm chơi.

Thời bao cấp, có những kỹ sư nông nghiệp khi được tăng cường về các làng Tây Nguyên để làm công tác phòng-chống dịch bệnh, họ có thể đi đến nửa năm, không cần mang theo bất cứ thứ gì. Về làng, cứ tìm đến những dãy nhà có họ cùng với mình, thế là đương nhiên được coi là anh em ruột rà, là bà con gần gũi.

Lòng hiếu khách của người Tây Nguyên có yếu tố cộng đồng, có yếu tố dòng họ. Trong đó, người cùng họ, bất kỳ ở đâu, gặp nhau là coi nhau như bà con, anh em thân gần ruột thịt; có thể nhờ nhau, giúp nhau trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây