1. Mẹ tôi năm nay 67 tuổi, nhưng ai nhìn cũng tưởng gần 80. Tóc mẹ bạc trắng, hói một mảng giữa trán. Mẹ vốn có khung xương lớn nên khi ốm đi, cái trán nhô ra đằng trước, mặt hóp lại khiến hai gò má như cao lên, trông hom hem hốc hác. Cộng thêm cái dáng đi hơi còng, thành ra trông mẹ già hơn tuổi.
Nhưng cái sự già của vẻ ngoài không khiến tôi bối rối bằng sự thay đổi bên trong con người mẹ. Mẹ bắt đầu có những suy nghĩ và hành vi kỳ lạ so với trước. Như việc mẹ luôn ám ảnh chuyện sẽ phải… đi ăn xin vì không có thu nhập, nhà toàn con gái sau này phải lo việc nhà chồng, sẽ bỏ rơi mẹ. Các chị em chúng tôi phải tốn rất nhiều thời gian tâm sự, chia sẻ mới dần dần giúp mẹ bỏ đi cái suy nghĩ kỳ lạ đó. Vừa xong cái này lại đến cái khác, mẹ chuyển qua lo rằng mai này mất đi, các con vì bận công việc, gia đình riêng nên sẽ không có ai thờ cúng… Chúng tôi lại phải bước vào một cuộc thuyết phục mà chưa biết khi nào mới kết thúc.
Việc lo lắng những chuyện đâu đâu của mẹ còn kéo theo hệ lụy về sức khỏe. Đợt vừa rồi mẹ tôi đã phải nhập viện cấp cứu vì suy dinh dưỡng, nghe thì cứ tưởng chuyện đùa khi gia cảnh không hề khó khăn. Bác sĩ hỏi, mẹ bảo ở quê mẹ tự trồng rau quanh vườn, bốn mùa chỉ hái rau vào luộc ăn, chấm thêm chút nước tương. Ăn như vậy lâu dài, thiếu chất là điều dễ hiểu. Mẹ bảo là phải tiết kiệm vì mẹ không làm ra tiền; tiền của các con gửi về có phải tiền mình đâu mà tiêu. Bất đắc dĩ lắm mới phải dùng, như những khi có đám hiếu hỉ của bà con làng xóm, hay tiền điện, tiền nước hàng tháng. Ngay cả chuyện ăn mặc, mẹ cũng chỉ có 2-3 bộ quần áo thay qua thay lại. Thế rồi sau đó, cứ mỗi dịp về thăm mẹ, chị em chúng tôi lại phải nỗ lực thuyết phục mẹ ăn cái này, uống cái kia cho có sức.
Ấy thế nhưng mẹ lại rất dễ bị thuyết phục bởi những người bán các loại thực phẩm chức năng. Thỉnh thoảng lại có nhóm về quê tôi tổ chức “hội thảo”, giới thiệu các loại thực phẩm kiểu bổ gan, thận, củng cố xương khớp… Tuy nhịn ăn nhịn mặc nhưng mẹ lại sẵn sàng chi vài triệu đồng để mua uống, dù mãi không thấy hiệu quả đâu. Có lẽ là do những người này “đánh” đúng tâm lý của người già chăng?
Hạnh phúc đôi khi chỉ là những ngày tháng đơn giản, êm đềm bên mẹ
2. Mẹ chồng tôi từ quê lên TPHCM khám bệnh. Bệnh viện dưới huyện phát hiện mẹ có mấy u hạch nên đề nghị mẹ lên thành phố, nơi có trang thiết bị kỹ thuật tốt hơn, để xác định chính xác lành tính hay ác tính.
Bệnh viện quá đông, bác sĩ hẹn mẹ tới đầu giờ chiều mới trả kết quả. Em chồng tôi định đưa mẹ vào một nhà hàng cạnh bệnh viện để ngồi chờ. Còn tôi sợ mẹ ngồi lâu ở chỗ đông người, dễ mệt mỏi, nên chạy xe lên đón mẹ về nghỉ ngơi tạm ở chỗ làm việc. Nhưng mẹ nhất quyết không chịu phương án nào.
Mẹ chồng tôi là mẫu người phụ nữ hiện đại, tuy lớn tuổi nhưng trẻ trung từ suy nghĩ đến cách ăn mặc bề ngoài, luôn thấu tình. Bất kể việc gì, chỉ cần chúng tôi trình bày thấy hợp tình hợp lý, thuận tiện là mẹ chấp nhận ngay, dù ban đầu ý định của mẹ là khác. Thế nhưng lần này, dù đề nghị của tôi đưa ra, cô em chồng cũng thấy có lý, nhưng mẹ lại nhất quyết không nghe. Thậm chí khi chúng tôi nài nỉ quá thì mẹ ngồi khóc và muốn chúng tôi để mẹ yên. Mãi một lúc sau, có lẽ đã bình tâm lại, mẹ chồng tôi mới đồng ý ăn một chút cơm trưa. May sao, kết quả khám cho thấy chỉ là u hạch lành tính, mẹ như trút được gánh nặng tâm lý, mở lòng trở lại.
3. Tôi không biết khi đến tuổi già, mình có suy nghĩ và hành động kỳ lạ như hai người mẹ của mình bây giờ không. Nhưng tôi hiểu rằng, tuổi già là giai đoạn mà con người trở nên mong manh hơn cả về thể chất lẫn tinh thần. Những lo lắng hay hành vi khó hiểu đôi khi chỉ là cách họ đối diện với sự bất an và cảm giác phụ thuộc. Điều này khiến tôi nhận ra một bài học quý giá: người già không chỉ cần sự chăm sóc mà còn cần sự đồng cảm và yêu thương sâu sắc từ con cái.
Trong hành trình chăm sóc các đấng sinh thành, tôi dần hiểu bản thân mình phải giữ được sự bình tâm và kiên nhẫn, ở một góc độ nào đó cũng giống như cách dỗ dành những đứa trẻ. Bởi chỉ có được sự bình tĩnh, ổn định, chúng tôi mới có thể truyền cho các bậc cha mẹ lớn tuổi của mình sự an yên, thể hiện là chỗ dựa vững chắc cho cha mẹ. Những lúc mẹ có suy nghĩ kỳ quái hay ám ảnh về tương lai, tôi không cố tranh luận hay phản bác mà tìm những cách nhẹ nhàng, hiệu quả hơn. Dù không thể thay đổi hoàn toàn, nhưng chỉ cần cha mẹ có thể giảm bớt lo âu và cởi mở hơn một chút, tôi đã cảm thấy đây là thành quả đáng quý.
TRẦN TIỂU MUỘI
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn