Ngoài niềm vui đoàn tụ gia đình và không khí vui tươi, ngày Tết khiến không ít bạn trẻ cảm thấy áp lực trước những câu hỏi gây khó xử, thậm chí khó chịu của họ hàng, làng xóm như “Bao giờ lập gia đình?”, “Lương tháng bao nhiêu?”, “Sao chưa có người yêu?”... Những câu hỏi này thường khiến họ bối rối, thậm chí bực bội. Trả lời thế nào để giữ gìn không khí vui vẻ ngày xuân mà không làm khó chính mình là điều không dễ.
Một số bạn trẻ giàu kinh nghiệm mách nước rằng, cách đối phó hiệu quả nhất với những câu hỏi tế nhị là chuẩn bị sẵn câu trả lời hài hước. Thay vì tỏ ra khó chịu hay căng thẳng, bạn có thể biến tấu thành một trò đùa để cả hai bên cùng cười vui.
Đừng xem những câu hỏi này là sự soi mói, hãy tận dụng để tạo ra một cuộc trò chuyện ý nghĩa hơn, như chủ động chia sẻ những mục tiêu, dự định cá nhân mà bạn cảm thấy thoải mái khi nói và phù hợp với người hỏi. Đây cũng có thể là dịp để người thân hiểu hơn về quan điểm và kỳ vọng của bạn.
Ngoài ra, bạn có thể khéo léo chia sẻ những thành tựu, sở thích hoặc dự án mà bạn đang theo đuổi để chuyển sự chú ý và có thể nhận được những góp ý hữu ích hay lời động viên. Nếu cảm thấy không thoải mái, bạn có thể khéo léo từ chối trả lời bằng cách chuyển chủ đề. Sự tự nhiên và nhẹ nhàng sẽ giúp bạn tránh khỏi áp lực mà vẫn giữ được không khí vui tươi.
Một số bạn trẻ chọn cách đáp lại bằng những câu hỏi quan tâm về sức khỏe, niềm vui của người lớn tuổi hoặc những lần đón Tết xưa. Điều này không chỉ giúp bạn chuyển hướng cuộc trò chuyện mà còn thể hiện sự quan tâm, khiến người đối diện cảm thấy được tôn trọng và yêu thương.
Giới trẻ mách cách ứng phó với những câu hỏi Tết nào cũng nghe. (Ảnh minh họa)
Dưới đây là một vài gợi ý để bạn ứng phó với những câu hỏi Tết nào cũng nghe.
Bao giờ lấy chồng/vợ?
Đây có lẽ là câu hỏi phổ biến nhất mà những người độc thân thường gặp phải. Cách tốt nhất để trả lời là giữ thái độ nhẹ nhàng và hài hước. Bạn có thể nói: "Cháu/con đang tìm kiếm người đặc biệt ạ, chắc phải chờ cái duyên đến thôi!" hoặc "Cháu cũng thích lấy rồi, đang xem người bên cạnh có đồng ý không đấy ạ!".
Một số phương án khác: “Con vẫn đang chờ giải Nobel mới tính tới chuyện đó ạ!”; "30 Tết ạ" (vì phải đến gần chục năm nữa mới mới có ngày 30 Tết); “Chuyện này con chưa nghĩ tới nhiều lắm, nhưng mà năm nay nhà mình có trồng thêm loài hoa mới không ạ?”.
Sao chưa có em bé?
Nếu bạn đã kết hôn nhưng chưa có em bé, câu hỏi này sẽ thường xuyên xuất hiện. Hãy kiên nhẫn giải thích rằng bạn đang chờ một thời điểm thích hợp. Bạn có thể nói: "Chúng cháu đang tận hưởng thời gian riêng tư một chút nữa trước khi có thêm thành viên mới".
Lương tháng bao nhiêu rồi?
Câu hỏi về lương thưởng đôi khi là sự quan tâm đối với sự nghiệp của bạn chứ không phải tọc mạch, nhưng đôi khi cũng gây khó chịu. Hãy trả lời một cách khéo léo mà không cần tiết lộ con số cụ thể: "Cũng đủ sống tốt ạ, cháu đang cố gắng để thăng tiến nhiều hơn trong công việc".
Bao giờ mới mua nhà/mua xe?
Với những câu hỏi về tài chính và tài sản, hãy giữ bình tĩnh và giải thích rằng bạn đang có kế hoạch lâu dài: “Cháu đang lên kế hoạch tiết kiệm và đầu tư, hy vọng sớm đạt được mục tiêu".
Dạo này có béo lên không?
Thay vì cảm thấy tự ti với những câu hỏi về ngoại hình, bạn nên biến nó thành động lực: “Cháu đang tập trung chăm sóc sức khỏe và thể hình hơn. Tết này ăn uống lành mạnh hơn thôi ạ!”.
Học hành thế nào?
Nếu bạn vẫn đang trong quá trình học tập, hãy cho thấy sự nghiêm túc và đam mê của bạn với ngành học: “Dạ, cháu đang cố gắng để đạt kết quả tốt nhất và thật sự hiểu sâu về lĩnh vực mình đang học".
Dù câu hỏi có thể khó xử, hãy nhớ rằng mục đích đằng sau những câu hỏi này thường là sự quan tâm và mong muốn thấy bạn hạnh phúc. Quan trọng nhất là biết cách trả lời sao cho nhẹ nhàng và vui vẻ để giữ không khí Tết thật êm ấm.
Nhật Thùy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn