Thấm thía nỗi buồn tảo hôn
Trời sẩm tối, đi làm vế, H’Lân (thôn Ngo Rông, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) nhanh tay chuẩn bị cơm nước cho 3 mẹ con. H’Lân năm nay 28 tuổi, cô lấy chồng ở tuổi 16, sinh con ở tuổi 17 và ly hôn khi ngoài 20. Một mình nuôi hai con nhỏ, cuộc sống mưu sinh vô cùng vất vả nhưng H’Lân nhất định "bằng mọi giá nuôi con ăn học, có cái chữ, có sự hiểu biết để không lặp lại bước chân sai lầm của mẹ".
H’Lân kể, cô sinh ra trong gia đình có 10 anh chị em. Bố mẹ mất sớm, đứa lớn đùm đứa bé, anh chị em cô sống nhờ vào sự cưu mang của họ hàng, làng xóm. H’Lân có 2 người em nhỏ phải vào ở trong cô nhi viện. Cũng bởi nhà nghèo, nên anh chị em H’ Lân đều tảo hôn, lập gia đình sớm. H’Lân hạnh phúc trắc trở, làm mẹ đơn thân nhưng anh chị em cũng đều nghèo, không đỡ đần được cô về kinh tế.
H’Lân cho biết, lấy chồng sớm, vợ chồng trẻ con nên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Khi có thêm đứa con thứ 2, hai vợ chồng không công ăn việc làm, chồng lại không chăm chỉ làm ăn nên nghèo khó chất chồng.
"Em luôn cảm thấy cuộc sống bế tắc. Không tìm được tiếng nói chung của chồng nên cách đây mấy năm, em quyết định ly hôn, một mình nuôi 2 con. Vì tảo hôn, không có giấy hôn thú nên khi bỏ nhau, chúng em chẳng có gì ràng buộc. Anh ấy cũng không có trách nhiệm gì với con", H’Lân chia sẻ.
H'Lân (bìa phải) tích cực tham gia hoạt động trong Tổ truyền thông cộng đồng thôn Ngo Rông
Sau khi ly hôn, tay trắng, không nhà cửa, H’Lân mang 2 con đi ở nhờ nhà người thân. Cô quyết tâm làm thuê làm mướn, vay mượn thêm và dựng được căn nhà tôn nhỏ trên mảnh đất của nhà ngoại để 3 mẹ con trú mưa trú nắng. Căn nhà nhỏ nền đất của 3 mẹ con H’Lân còn tuềnh toàng, chẳng có vật gì đáng giá nhưng sạch sẽ, ngăn nắp. Nói về tương lai, H’Lân bảo, cuộc sống khó khăn mấy cô cũng sẽ cố gắng đi làm thuê để nuôi 2 con ăn học.
"Bản thân em đối diện với hậu quả tảo hôn, lại ly hôn sớm nên em thấu hiểu hơn hết sự thiệt thòi, vất vả của người phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo nuôi con. Đây cũng chính là động lực để em tích cực tham gia công tác Hội phụ nữ ở thôn, tích cực sinh hoạt trong Tổ truyền thông cộng đồng, sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của mình làm bài học tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho các bạn trẻ trong làng", H’Lân cho biết.
Cùng xã Ia Krêl, H’Tiên (SN 2006) kể, 13 tuổi cô bỏ học vào Bình Dương làm công nhân, gặp và yêu người chồng hiện tại. Vì trót có bầu nên sau đó, cả hai dẫn nhau về quê sống chung. Đúng thời điểm đó, mẹ H’Tiên bị bệnh mất nên hai nhà không tổ chức làm đám cưới. Cái thai sau đó bị sẩy, H’Tiên tiếp tục mang thai con thứ hai. Lần này cô lại sinh non, đứa con chào đời được 2 tuần thì mất. Ở tuổi 17, trải qua hai lần mang thai và mất con, H’ Tiên gầy rộc, hốc hác, già đi cả chục tuổi.
Hôm gặp H’Tiên, cô khóc rất nhiều. Cả hai vợ chồng không có công ăn việc làm ổn định, đời sống bấp bênh, ngoài mấy sào rẫy, chồng H’Tiên đi làm thuê để nuôi gia đình. H’Tiên bày tỏ nỗi niềm ân hận muộn màng: "Giá như em có kiến thức về sức khỏe sinh sản, mang thai và sinh con; nếu em biết được rằng, lấy chồng và mang thai sớm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe như thế nào thì em đã không mắc sai lầm. Thi thoảng, em vẫn mơ thấy con em. Nghĩ lại những gì đã trải qua, em rất sợ. Qua hai bận mang thai và sinh non, em mới thấm thía nỗi mất mát tinh thần là hậu quả của tảo hôn. Rút kinh nghiệm, vợ chồng em sẽ kế hoạch để kinh tế ổn định rồi mới sinh con. Lần mang thai sau em sẽ cẩn thận, học hỏi kiến thức làm mẹ. Vợ chồng em sẽ chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm để lo cho cuộc sống của mình và gia đình sau này. Các con em sau này sẽ không bỏ học, không tảo hôn như em".
H'Tiên chia sẻ, qua hai bận mang thai và sinh non, em mới đã thấm thía nỗi mất mát tinh thần là hậu quả của tảo hôn
Giọt nước mắt của H’Lân, H’Tiên có thể muộn màng nhưng tôi tin, bài học từ thực tế họ đã trải qua sẽ là bài học thức tỉnh những cho những cô gái trẻ ở Ia Krêl. Tuy nhiên, để họ sớm nhận ra hậu quả khôn lường của tảo hôn ảnh hưởng đến tâm sinh lý, đời sống, tương lai, cần có nhận thức và chung tay giáo dục từ gia đình cho đến tuyên truyền, vận động của các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội địa phương.
Để lạc hậu không bó mãi cái nghèo
Qua tìm hiểu được biêt, thôn Ngo Rông thuộc 1 trong 4 thôn, làng đặc biệt khó khăn của xã Ia Krêl. Cả làng có 230 hộ với 655 khẩu (hầu hết là dân tộc Gia rai, chỉ có 7 hộ người kinh với 26 nhân khẩu, chiếm 5,3%); hiện trong thôn vẫn còn 39 hộ nghèo, 40 hộ cận nghèo.
Nói về cái nghèo, làn lạc hậu ở địa phương, già làng Rơ Châm Dêl cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đói nghèo, đứt bữa trong các hộ gia đình ở Ngo Rông nói riêng, trong xã nói chung. Trong đó, phải kể đến các nguyên nhân hàng đầu là tảo hôn, đẻ nhiều và không chăm chỉ lao động. Nhiều cặp vợ chồng lấy nhau khi mới 13, 14, 15 tuổi, không có công ăn việc làm, không có ruộng rẫy canh tác, sống nhờ vào cha mẹ, đi làm thuê làm mướn, nguồn thu nhập không ổn định nên khó khăn chồng chất khó khăn. Phụ nữ dân tộc Gia rai sau khi lấy chồng thường chỉ ở nhà trông con, việc nương rẫy, kiếm tiền phụ thuộc vào lao động chính là người đàn ông. Nhiều hộ gia đình, nhà 5, 6 miệng ăn đều trông chờ cả vào thu nhập bấp bênh của người chồng, nên chuyện bữa đói, bữa no xảy ra thường xuyên.
Nhiều hoạt động truyền thông cộng đồng được Hội LHPN xã Ia Krêl triển khai để phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Trước thực tế trên, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và Hội LHPN xã Ia Krêl đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các mô hình "Qỹ Đồng hành cùng phụ nữ nghèo", "Hũ gạo tiết kiệm của Bác", "Quỹ xoay vòng", "Hộ hội viên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu vươn lên thoát nghèo bền vững"; câu lạc bộ "Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5 - 10 triệu đồng", "Tổ truyền thông cộng đồng" phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được duy trì, nhân rộng ở nhiều thôn, làng nhằm hỗ trợ hội viên, phụ nữ tiến bộ, vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Chị Rơ Mah H’Huy, Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Krêl, cho biết, do nhận thức và trình độ còn hạn chế nên nhiều bà con còn trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước và xã hội. Nhiều chị em trong độ tuổi lao động chưa chăm chỉ, sống phụ thuộc vào thu nhập của chồng nên chưa tự chủ kinh tế. Vì vậy, để thoát nghèo, cùng với việc tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng tảo hôn, sinh đẻ nhiều, Hội LHPN xã cùng các chi tổ phụ nữ ở các thôn tịch cực vận động chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo thói quen yêu lao động, gia tăng sản xuất, trồng trọt chăn nuôi. Qua đó, giúp chị em phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số ở Ia Krêl ngày một tiến bộ, thoát nghèo bền vững, từng bước thay đổi làng quê.
Nhật An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn