'Con đường chuyển hóa': Lời nói không mang lại lợi ích thì đừng nói dù đó là sự thật

Thứ năm - 28/11/2024 12:15
 

Phải chi bà nói ra vàng ra bạc

Ngày xưa có một cô gái có nhan sắc, nhưng cô lại có bệnh nói nhiều. Cổ nói từ sáng tới tối không ngưng, mà người chịu khổ nhiều nhất là cha mẹ của cổ, vì phải nghe cổ nói suốt ngày. Bạn bè của cổ cũng giữ khoảng cách, thậm chí không dám gặp cổ vì không ai kiên nhẫn nghe cổ nói.

Cứ thử hình dung, không ai hỏi mà cổ cũng nói, huống chi hỏi một câu thì cổ còn nói dữ nữa, giống như bấm nút vậy đó. Cho nên không ai dám nói chuyện với cổ, ngay cả khi họ rất muốn hỏi cổ chuyện gì đó. Vì họ biết hễ “dò trúng đài” là cái “đài” này sẽ nói liên tu bất tận.

“Bệnh” của cổ không chữa được nên cuối cùng cha mẹ cổ chịu hết nổi mới đuổi cổ đi. Trong cơn buồn tủi, cổ đi lang thang đến một bờ biển và ngồi khóc. Không biết làm sao tiếng khóc của cổ đã chạm tới một anh chàng làm nghề chài lưới ở gần đó. Anh này tìm tới làm quen, hỏi chuyện và cuối cùng mới biết sự tình là cô này bị cha mẹ đuổi đi vì nói nhiều.

Anh này động lòng muốn cưới cổ làm vợ, vì thứ nhất là cô này cũng đẹp, thứ hai là nói chuyện khá dễ thương, tại vì lần đầu ảnh nghe cổ nói chuyện mà. Bị đuổi đi, đang không có chỗ ở mà bây giờ gặp một người chịu cưới mình thì tốt quá rồi, nhưng cổ vẫn hỏi lại ảnh: “Anh có chịu nổi tui không? Tui nói nhiều lắm đó”. Anh này nói: “Không sao, anh mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Cuộc sống của anh trước giờ buồn lắm, chỉ có tiếng sóng biển tâm sự với anh thôi. Bây giờ có em về, em nói rỉ rả vậy cũng vui cửa vui nhà”.

Sau đám cưới, vừa hết tuần trăng mật là anh này bắt đầu hết nghe cổ nói nổi. Nhưng biết làm sao được, lỡ cưới rồi. Bây giờ ảnh chỉ ước được trở về những ngày tháng tĩnh lặng của kiếp độc thân. Tự nhiên rước người về nhà làm chi, để bây giờ đi làm mệt mỏi mà về nhà còn phải nghe cổ nói suốt. Đã vậy, cổ toàn nói những chuyện không đâu, chẳng nói gì ra hồn mà nói suốt ngày.

Một ngày nọ, ảnh vô tình lưới được một con cá thần. Đó là một bà tiên, và bà tiên cho ảnh một viên ngọc và một điều ước. Ảnh chưa kịp nghĩ ra điều ước nên để viên ngọc trong túi đem về. Ảnh vừa về tới nhà thì cô vợ chạy ra đón. Như mọi lần, cổ nói huyên thiên hết chuyện này đến chuyện kia. Ảnh nghe mệt mỏi quá nên nói: “Trời ơi, bà làm ơn nín giùm tui được không? Phải chi bà nói ra vàng ra bạc thì tui cũng mừng”. Anh chồng vừa nói dứt câu thì nghe “lẻng kẻng, lẻng kẻng” – tiếng của những đồng tiền rơi ra liên tục. Vì viên ngọc ước đã ở sẵn trong túi áo, cho nên điều ước của ảnh ứng nghiệm liền.

Vừa hối hả nhặt những đồng tiền lên, cô vợ vừa hỏi “Chuyện gì xảy ra?”, mà cổ cứ nói là tiền cứ tiếp tục rơi ra vậy đó. Cái nhà bây giờ không còn chỗ đi vì tiền chất đầy mọi chỗ. Kế đó, tiền “dâng” lên tới trên giường và làm sập luôn cái giường, không còn chỗ ngủ.

Thấy không ổn, anh chồng vội chạy ra chỗ bờ biển, gọi: “Tiên ơi tiên, làm ơn giúp con. Bây giờ ngoài tiếng vợ của con, con còn nghe tiếng lẻng kẻng của tiền. Nghe cả hai tiếng ồn, chắc con chết mất. Xin tiên cho con điều ước khác”. Suy nghĩ một hồi, bà tiên nói: “Con cứ về đi. Bây giờ vợ con nói dăm ba câu mới rơi ra một đồng”.

Nhưng chỉ khoảng một tuần sau, anh chồng lại chạy ra tìm bà tiên: “Không được tiên ơi, dăm ba câu mới rơi ra một đồng mà tiền cũng đã chất đầy nhà rồi, vì vợ con nói liên tu bất tận. Thế là bà tiên sửa lại: “Bây giờ vợ con phải nhịn nói vào ban ngày, đến chiều khi con về, vợ con nói câu nào có nghĩa mới rơi ra một đồng”.

Chừng hai tuần lễ sau, anh chồng lại chạy ra gặp bà tiên: “Tiên ơi, bây giờ con khổ quá, vợ con nhịn nói, bị ứ nên bệnh rồi. Bây giờ người nó phù hết trơn, không nói nổi, cũng không nhúc nhích được, đến ăn còn phải đút”. Nghĩ một hồi lâu, cuối cùng bà tiên nói: “Thôi bây giờ, con về nói với vợ là khi nào vợ con nói ra một câu hay và có ý nghĩa thì mới rơi ra một đồng”.

Quý vị cũng biết, để nói một câu hay và có ý nghĩa, chúng ta cần có thời gian để suy nghĩ, phải không? Và phải biết lắng nghe điều người khác muốn nói. Nếu không lắng thì không thể nào nghe. Cho nên từ “lắng nghe” trong tiếng Việt cũng có ý nhắc nhở chúng ta: phải lắng xuống thì mới nghe được thấu đáo. Vì vậy mình thường nói: “Nè, hãy lắng nghe tôi nói”, vì ồn như cái chợ thì làm sao mà nghe, mà hiểu hết được. Cho nên cô vợ trong câu chuyện này cũng vậy, muốn phát ra lời nói hay thì phải có một khoảng thời gian lắng xuống để suy tư.

Ít nói không phải là người nói ít

Người Việt mình có câu “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Tại sao uốn ba lần chưa đủ? Vì chúng ta phải có ý nghĩ rồi mới nói ra được. Cuối cùng, cô vợ trong câu chuyện thỉnh thoảng mới làm rơi ra được một đồng, rồi sau một tuần hay mười ngày, hai vợ chồng mới gom được một số tiền. Nhờ vậy, họ sống rất êm ấm. Vì bây giờ họ không còn phải lo tiền chất đầy nhà, và hằng ngày anh chồng cũng không phải nghe những chuyện không đâu nữa.

Cho nên người xưa có câu: “Người ít nói không phải là người nói ít, mà không nói những lời vô ích”. Vì mình thường nói nhiều mà những lời nói đó đa phần là vô ích, vô nghĩa. Giống như khi quý vị thọ Thập thiện, tức là mười điều lành để mình ứng dụng trong tu tập, thì về miệng, mình có bốn lỗi là nói dối (dựng chuyện nói dối cho người, tức là chuyện có nói không), ác khẩu (giận lên thì chửi rủa người ta), lưỡng thiệt (thêu dệt, đâm thọc cho người ta gây gổ), và cái thứ tư là ỷ ngữ (nói những lời mê hoặc, dụ dỗ người, hoặc nói những lời không có ích lợi gì cho ai hết).

Nếu lời mình nói không mang lại những lợi ích cho người thì mình nên có chánh niệm, đừng nói. Mặc dù đó là sự thật, nhưng sự thật đó nếu chưa đúng lúc để nói ra thì chúng ta cũng không nên nói.

Ngày xưa, đức Phật ở trong rừng với các thầy đệ tử. Một hôm, Phật cầm một nắm lá lên và hỏi các thầy: “Nắm lá trong tay tôi nhiều, hay nắm lá trong rừng này nhiều?”. Các vị trả lời: “Nắm lá trong tay của đức Thế Tôn so với nắm lá trong rừng thì chẳng là bao nhiêu hết”. Đúng như vậy, lá trong rừng thì quá nhiều mà lá trong tay Phật thì quá ít. Phật nói: “Cũng như thế, những gì tôi biết như lá trong rừng, còn những điều tôi cần nói cho quý vị nghe để quý vị hiểu, ứng dụng, và tu tập thì chỉ như lá trong tay tôi thôi”. Tại vì có những điều chúng ta không cần phải bàn thảo, không cần phải nói. Mình chỉ nên nói những gì thiết thực và gần gũi ngay trong hiện tại, ngay bây giờ.

Trong cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng vậy. Ví dụ, mình biết rất nhiều về một người nào đó, gia cảnh, thân thế, cha mẹ, dòng tộc nội ngoại của họ ra sao, mình biết hết, nhưng trong hiện tại người đó sống không đúng với những gì mình biết về họ. Vậy mình có nên nói ra sự thật về họ không? Mình không nói thì cũng đâu có gây tác hại gì tới ai, nên thôi mình không nói. Vì sao? Vì lời nói của mình cũng không mang lại lợi ích gì. Còn về việc người đó không tốt, không lành, đừng lo, ai cũng có mắt nhìn, ai cũng có nhận định riêng. Nếu người đó sống không đúng thì trước sau gì người ta cũng tự biết.

Còn ví dụ như ở đây, không phải là mình không nên nói nhiều, mà phải xem lời nói đó có mang lại lợi ích gì cho ai hay không. Nếu không thì mình cũng không nên nói. Ngoài ra, nếu mình nói mà biết dừng đúng lúc thì lời nói đó có giá trị. Ví dụ, mình nói xong một ý, mình biết nói bấy nhiêu đó là đủ. Thậm chí, người ta còn có câu “nói ít hiểu nhiều” để nhắc nhở mình, vì đôi khi mình nói nhiều mà người ta không hiểu. Tại sao? Vì nghe nhiều, người ta quên hết trơn. Giống như tụi nhỏ bây giờ vậy đó, mình nói nhiều nó không nghe đâu, phải không? Mình nói ít và thỉnh thoảng nói thì nó nghe.

Cho nên mình phải biết căn tánh của mỗi người và tùy theo sự việc để mình có thể ứng dụng lời nói cho phù hợp. Nói nhiều không bằng nói đúng. Mình nói nhiều mà nó không đúng đâu vào đâu hết thì không bằng nói ít mà đúng. Đó là ý của câu kinh, của lời nhắc nhở này.

Hạ Vĩ

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây