Minh họa: BH
Đợi đám cưới xong xuôi, chị kêu các con ngồi lại, chưa nói được câu nào mà nước mắt đã tuôn giọt ngắn dài. Đứa con gái út đã mấy lần theo chân chị đi bắt ghen, nhìn chị ráo hoảnh:
- Mẹ còn tiếc gì mà không bỏ được ổng? Khổ vầy chưa đủ hay sao?
- Ba mẹ ly hôn, ảnh hưởng đến sự nghiệp của anh chị mày, mẹ biết tính sao?
- Ai làm người ấy chịu, mắc mớ gì mà ảnh hưởng tới con?, thằng Vinh đanh giọng đáp.
- Cha mẹ chia đôi, mọi thứ cũng đều chia đôi, căn nhà này ai đi ai ở?, chị nghẹn ngào.
Cuộc đối thoại của mấy mẹ con chỉ toàn là câu hỏi, bế tắc và suy sụp. Chị từng nghĩ, cho con gái đi bắt ghen là cho chồng cơ hội tỉnh ngộ, để anh sợ ê chề, xấu hổ trước các con mà dằn lại mình. Nhưng chị đã lầm. Anh như con ngựa hoang đã quen đời sống phóng túng, hoang dã, chị càng chạy theo anh càng hung hăng muốn vượt thoát. Càng theo dấu, bắt ghen, thì anh lại càng muốn cho chị thấy điều ngược chướng. Anh khiêu khích, dằn vặt tâm can chị bằng những hớn hở vui cười khi trò chuyện với người đàn bà khác. Vì muốn giữ tròn vẹn hai tiếng gia đình cho các con đủ đầy cha mẹ, chị cứ hết lần này tới lần khác chọn bao dung tha thứ. Nhưng anh cũng vẫn hết lần này tới lần khác lang chạ rồi đánh đập, ruồng rẫy chị. Chị đâu phải là gỗ đá? Con gái mới chớm tuổi dậy thì, không ít lần phải chứng kiến hành vi ngoại tình và bạo lực của anh với chị, tâm tính nó dần trở nên bất cần, nói năng đốp chát. Còn thằng Vinh, lấy vợ và cũng sắp làm cha, tự lúc nào cũng bê bết rượu chè, bừa phứa cẩu thả. Đi đám tiệc, thấy nó uống rượu tờm tợp, người ta buột miệng bảo “cha nào con nấy”. Chị biết, nó cũng biết đó nào phải lời khen, mà là lời châm chọc, mỉa mai đấy thôi. Nghe sao mà đắng đót.
Chị sắp xếp một cuộc họp gia đình. Mẹ và em trai anh có mặt, mẹ con chị em gặp nhau, những hỏi han không dưng cũng lạnh lòng xa cách. Xem xong đoạn video chị bắt tại trận anh “mèo mả” trong khách sạn, mẹ chồng cúi đầu, nén tiếng thở dài:
- Bao năm rồi ba sắp nhỏ vẫn cứ vậy, mẹ cũng đành thua thôi con dâu à!
- Anh Hai hồi nào giờ vậy rồi, chị dâu thôi thì gắng vì các cháu. Chứ sắp lên ông lên bà mà còn lục đục ly hôn coi sao đặng? chú em lên tiếng.
- Nếu ổng có lòng tu tỉnh, tui cũng đâu làm tới mức này chi chú Ba?
Chồng chị nãy giờ ngồi vắt chân khểnh khảng trên ghế, mắt không rời chiếc điện thoại. Mẹ và vợ nói gì dường như anh chẳng để tâm.
- Ly hôn thì ly hôn, nói nhiều làm gì? - Anh tỏ thái độ.
- Tôi có đủ bằng chứng anh ngoại tình, đánh đập tôi. Anh sẽ phải chịu ra đi tay trắng - chị đanh thép.
- Đây cóc cần. Thằng này lương hưu xông xênh sống, nhá!
Xác quyết ly hôn rồi, nhưng chị vẫn không đừng được việc theo dõi chồng. Dẫu biết việc ngấm ngầm theo dõi ấy, nói lý ra thì là chị đang xâm phạm đời tư, làm thế là sai quấy lắm. Nhưng chị cứ u mê thể nào chẳng rõ, ghét bỏ đấy mà vẫn muốn nắm níu và cứu vớt hạnh phúc. Từ lâu, điện thoại anh đã được chị thuê người cài đặt định vị và nghe lén, nên bất kể anh đi đâu, làm gì, ai gọi... chị đều nắm rõ. Chị biết tường tận từng “nhỏ bồ” mà anh quen. Chị không nhớ nổi đã có bao nhiêu cuộc gặp gỡ “đối tác” của chồng. Người thì chị ngoa ngoắt dằn mặt bằng vũ lực, kẻ lại được chị ngọt nhạt tâm sự đâm xỉa móc máy. Chị cố gắng chăm chút chuyện gối chăn với chồng, nhưng... chị đã vào độ tàn phai, còn anh thì như con ngựa đua đang gia tăng tốc lực về đích. Chị cứ nuôi hy vọng về sự hồi tâm chuyển ý nơi anh, rằng đến một độ tuổi nào đó, khi tính dục hao mòn, anh sẽ không còn sống bản năng, vô định nữa.
Chị chờ đợi ngày ra tòa trong mớ cảm xúc hỗn độn. Khi thì bình thản tĩnh lặng như nước, lúc lại hoang mang lào xào như gió. Chị và anh đi về như hai chiếc bóng, không còn những hỏi han truy vấn, chẳng có những hờn trách cay nghiệt nơi chị. Mỗi ngày đi làm về, chị rỉ rả chuyện trò, chợ búa cơm nước cùng con dâu, xóa tiệt đi ranh giới mẹ chồng nàng dâu mà thủ thỉ chuyện lớn chuyện nhỏ. Chị gỡ bỏ cài đặt, không còn lén nghe hay đọc tin nhắn từ các tài khoản mạng xã hội của chồng. Mắt không thấy, tai không nghe, thì tim không đau nữa. Những chuyến công tác liên miên kéo anh ngày thêm xa chị. Cơ quan anh chị quen thân hết ráo, chị sống đầy đặn với mọi người nên ai cũng thương quý. Trước đây, trong mỗi chuyến công tác của anh, chị thường gọi điện hỏi dò người này người kia, xem anh có đi đâu khác, gặp ai, làm điều gì ám muội. Nhưng giờ tuyệt nhiên chị không làm vậy nữa. Chị nhận ra khi làm vậy, chuyện rối rắm trong nhà chị dù không kể ra mà ai cũng biết, lại thêm phần phiền nhiễu họ. Anh thì vẫn vậy, luôn tranh thủ những ngày không phải đi xa là tụ tập chén chú chén anh. Nhậu sáng qua trưa, lân sang cả tối, say sưa đến mềm nhũn xác thân và nhiều đêm bồ bịch không về nhà. Thẻ lương của anh, trước chị vẫn cầm. Ngày còn muốn ràng níu nhau, cứ căn ngày anh có lương là chị ra rút cạn, chỉ để lại cho anh khoản nhỏ tiêu vặt cà phê, xăng xe khi cần. Chị làm thế vì nghĩ khi không có tiền, anh sẽ bớt đàn đúm, lăng nhăng. Nhưng anh bí quá hóa liều, không ít lần đã làm khống hóa đơn các chi phí xe cộ của cơ quan. Họp hành, kiểm điểm đủ cả, suýt thì bị cho thôi việc. Chị lại phải đứng ra đi cầu cạnh, bồi hoàn thay chồng. Song cứ nghĩ đến hình ảnh anh và những người đàn bà hồi xuân hớ hênh ấp ôm trong quán nhậu, cuồng nhiệt trong nhà nghỉ, chị lại muốn cho anh sạch ví. Giờ thì, chị trả thẻ lương cho anh. Anh đi đâu, làm gì, về nhà khi nào chị cũng chẳng bận tâm. Nhà cửa rộng rãi, vợ chồng ngủ riêng từ lâu, gối chăn nguội lạnh nên nào phải ai chờ đợi ai. Con trai, con dâu đều nhờ chị tác động các mối quan hệ quen thân mà có công việc ổn định suôn sẻ. Lương của chị thoải mái lo cho con út học hành và tiết kiệm. Nhà cửa, đất đai mang tiếng hai vợ chồng gây dựng, nhưng thực chất chỉ một tay chị vun vén mà nên. Lúc tính ly hôn, chị cay cú muốn cho anh ra đi tay trắng, nhưng thẳm sâu tâm ý chị nào có thể cạn tình thế được. Chị tính bán đi miếng đất ở ngoại thành, rồi thêm khoản tiền chia đôi khi bán căn nhà này để mua một căn nhà khác cũng tương đối đàng hoàng, mấy mẹ con bà cháu sống với nhau. Còn anh, muốn sống sao thì tùy.
***
Chồng chị được người ta đưa vào viện cấp cứu lúc nửa đêm, vụ tai nạn xảy ra sau khi anh đã “tắm” mình trong bia rượu cả ngày. Mạng sống trong cơn thập tử nhất sinh vì nhiều tổn thương như gãy hai xương đùi và hai xương cẳng chân, tổn thương phần mềm, giập gan, tràn dịch trong. Cả tháng trời anh nằm đó như cái xác không hồn. Người ra vào bệnh viện, lo từng thìa cơm miếng nước, lau rửa, vệ sinh... là chị. Chiếc điện thoại của anh những ngày này cũng nằm im lìm như chủ nhân của nó. Những cuộc gọi, những tin nhắn, những vồ vập hỏi han của bạn bè và tình nhân thoáng qua rồi trôi tuột đâu cả. Chị chẳng bận tâm, cũng không nói với anh lời ai oán nào. Nếu là trước kia, chị sẽ gào lên trách cứ, sẽ chì chiết, hằn học anh rằng đấy là nhân là quả. Nhưng giờ chị im lặng, làm tròn bổn phận của mình. Anh nằm đó rệu rã như tàu lá úa ngậm nước, những lúc đau nhức chỉ thều thào yếu ớt, nước mắt ứa trào ướt má. Hai tháng sau thì anh chống nạng tập đi. Các bác sĩ hết sức vui mừng và ngạc nhiên, họ nói anh được cứu sống và hồi phục như kỳ tích. Anh nhìn chị, hai mắt ầng ậng nước, mãi mới nói được mấy lời đầy day dứt:
- Xin lỗi mẹ bọn nhỏ. Từng tuổi này tôi còn làm khổ em!
- Giờ ba mới thấy ba có lỗi hả? - thằng Vinh vừa hay đi làm về ghé viện, nghe anh nói thì trách.
- Tội nghiệp của ba với mẹ bây, sang tận kiếp sau cũng chưa trả hết.
- Nếu ba còn muốn trăng hoa vui thú bên ngoài, thì cũng đến lúc nên nghiêm túc tìm lấy một mối mà tựa nhau về già. Giải thoát cho mẹ, là cách tốt nhất để ba trả nghiệp!
Chị vội kéo tay Vinh, ra hiệu muốn con ngừng nói. Anh ngồi ngả ra ghế, giọng nói lớt phớt như gió bay:
- Đời ba giờ coi như tàn rồi. Còn chi mà vui thú.
- Mấy nữa lại khỏe như vâm, lại chả chạy như... - Vinh vẫn bức xúc đáp lại.
- Thôi nào, không được hỗn! - Chị nghiêm mặt nhìn con.
- Mẹ có từng nghe câu “cha mẹ không chịu đọc, làm sao con thích sách” chưa?
Nói rồi Vinh chớp mắt nhìn chị như đứa trẻ mắc lỗi, vội đặt túi đồ ăn xuống bàn và bỏ ra ngoài. Chị nghĩ đến điều con hỏi mà nghẹn ứ trong lồng ngực. Hết tình thì còn nghĩa. Anh còn 3 năm nữa thì đúng tuổi hưu, nhưng vì bị thương quá nặng chẳng thể đảm đương được công việc tài xế nữa, đành phải xin nghỉ hưu non. Bảy tháng sau thì anh bỏ được nạng và chỉ chống gậy, khoảng 9 tháng thì chiếc gậy chỉ để nhận biết là anh bị gãy chân. Các bác sĩ mỗi lần thăm khám cho anh vẫn chưa hết ngỡ ngàng, họ tếu táo bảo anh là thánh nhân trong các loại phục hồi. Qua một năm, các tổn thương của anh dần lành lại bình thường. Quãng thời gian đó, có lẽ anh đã sống một cuộc sống buồn tẻ nhất trong bấy nhiêu năm cuộc đời. Nhưng chị lại cảm nhận thâm tâm anh nhẹ nhõm, an yên hơn trước. Dường như sau lần chạm vào cửa tử ấy, anh đã tỉnh táo suy xét lại bản thân mà đổi khác. Trong bữa cơm khi các con vắng nhà, như sực nhớ ra điều gì, anh hỏi giật chị:
- Mẹ bọn nhỏ à, tòa có gửi giấy gọi cho tôi rồi, phải không?
- Có rồi, đã gọi đủ 2 lần.
- Vậy là... tòa ra quyết định rồi. Tôi... tôi với em... - giọng anh hoảng hốt.
- Nhưng tôi... đã dành cho anh và cuộc hôn nhân này một cơ hội cuối cùng.
Anh nắm chặt đôi bàn tay gầy xanh của chị, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống. Lần đầu tiên sau mấy mươi năm làm vợ chồng, chị mới thấy anh khóc. Nghe anh nấc nghẹn rưng rức, chị bất giác nhoẻn cười. Cái nghĩa vợ chồng sâu nặng qua nghịch cảnh mà thấm thía, đã khiến chị quên tờ giấy ly hôn đó từ lâu rồi!
Truyện ngắn của MAI ĐÌNH (CTV)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn