Những ngày tháng khủng khiếp được miêu tả trong cuốn sách này đã trôi qua từ hơn bảy mươi năm trước. Câu chuyện về hành trình sống sót của gia đình tôi, về những cuộc đời đã mất và được giải cứu là câu chuyện chung của tất cả những người có mối liên hệ tới giai đoạn đó, những người đã phải trải qua sự giam hãm, mất mát người thân, hoặc những người vừa đủ may mắn để thoát được khỏi chế độ Đức Quốc xã. Nó là đại diện cho tất cả những người đã phải chịu đựng mà vượt qua những tháng ngày đó, và do đó không bao giờ được phép lãng quên.
Những gì mà cha và anh tôi đã trải qua trong suốt sáu năm ở năm trại tập trung khác nhau là những bằng chứng sống cho những gì đã thực sự xảy ra trong thảm họa diệt chủng Holocaust. Ý chí sinh tồn của họ, sợi dây gắn kết giữa cha và con, lòng dũng cảm, cũng như sự may mắn của họ là điều mà không một ai hiện còn đang sống có thể hiểu được, ấy thế nhưng lại là những thứ giúp họ sống sót mà vượt qua toàn bộ cái thử thách khủng khiếp đó.
Ảnh minh họa. Nguồn: Freepik.
Mẹ của tôi đã cảm nhận thấy mối nguy hiểm mà chúng tôi đang gặp phải ngay khi Hitler thôn tính nước Áo. Mẹ đã giúp đỡ và cổ vũ chị gái lớn của tôi trốn sang Anh vào năm 1939. Tôi sống dưới sự cai trị của Đức Quốc xã tại Vienna trong ba năm cho tới khi mẹ tìm được cách đưa tôi sang Mỹ vào tháng 2 năm 1941.
Việc này không chỉ cứu lấy tính mạng tôi mà còn đưa tôi tới với một gia đình tràn đầy tình thương, những người đã đối xử với tôi như người thân ruột thịt của họ. Chị gái thứ hai của tôi thì không được may mắn như thế. Cả chị và mẹ sau cùng đã bị bắt giữ và cùng với hàng nghìn người Do Thái khác bị đưa tới một trại tử thần ở gần Minsk.
Suốt hàng chục năm nay tôi vẫn biết mẹ và chị đã bị sát hại ở đó, và tôi thậm chí đã từng tới thăm địa điểm xa xôi nơi cuộc hành quyết đó diễn ra, nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng xúc động, mà nói đúng hơn là cực kỳ đau đớn, khi lần đầu tiên, thông qua cuốn sách này, đọc được sự kiện đó cụ thể diễn ra như thế nào.
Cha và anh tôi đã sống sót vượt qua thử thách gian khổ của họ như thế nào đã được miêu tả chi tiết một cách phi thường trong cuốn sách này. Tôi được đoàn tụ với họ khi tham gia phục vụ trong quân đội vào năm 1953, đó là khi tôi quay trở lại Vienna mười lăm năm sau ngày rời đi.
Trong những năm sau đó, vợ tôi Diane đã tới thăm Vienna rất nhiều lần cùng với tôi và các con trai của chúng tôi, chúng đã được gặp ông và bác của mình. Vẹn nguyên sau những chia ly và vụ thảm sát Holocaust là một mối quan hệ gia đình gắn bó và vẫn được duy trì mãi kể từ đó tới nay.
Mặc dù tôi không giữ nỗi ám ảnh đau thương hay sự thù hận đối với Vienna hay nước Áo, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi có thể hoàn toàn tha thứ hay lãng quên đi quá khứ đã qua của nước Áo.
Năm 1966, cha và mẹ kế đã tới thăm tôi và chị gái ở Mỹ. Bên cạnh giới thiệu cho họ những điều diệu kỳ ở quê hương mới của chúng tôi, đó còn là cơ hội để họ gặp gỡ gia đình đã nhận nuôi tôi ở Massachusetts. Cuộc đoàn tụ vui vẻ và tràn đầy lòng biết ơn là dịp hội ngộ của những người thân yêu đối với tôi, những người mang tôi đến với cuộc đời và những người đã giúp cho tôi được sống sót.
Cùng cha tới Auschwitz là một câu chuyện viết về gia đình của tôi, nhạy cảm, sinh động nhưng lại rất cảm động và được nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng. Thật khó để tôi có thể miêu tả được lòng biết ơn của mình đối với Jeremy Dronfield khi đã chắp nối và viết nên cuốn sách này.
Cuốn sách được viết rất hay, xen lẫn những kỷ niệm của tôi và chị gái với câu chuyện của cha và anh tôi trong các trại tập trung. Tôi rất biết ơn và cảm kích khi câu chuyện của gia đình tôi trong cuộc thảm sát Holocaust đã được đến với công chúng và sẽ không bao giờ bị lãng quên.
Kurt Kleinmann Tháng 8 năm 2018
Jeremy Dronfield/Bách Việt Books & NXB Văn học
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn