Với nhà thơ Phạm Quang Nghị thì ngược lại. Thi sĩ tặng vợ bài thơ “Thương lắm mình ơi” khi ông đã làm rất nhiều thơ và bài thơ tặng vợ khi ông bà đã có con, có cháu. Bốn mươi năm sau ngày cưới mới có bài thơ “Thương lắm mình ơi”. Theo tôi, đó là một bài thơ hay vì nó chân thật. Chân thật là gốc của nghệ thuật.
Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và phu nhân trước trụ sở Báo Hànôịmới nhân dịp đồng chí được nhận danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” tháng 10-2024. Ảnh: Hà Vũ
Sâu đằm, ngọt bùi, cay đắng... và rất nhiều nếm trải. Thế nên bài thơ này là có tính chiêm nghiệm. Nguyên văn bài thơ như sau:
“Mình vừa là chị, là em
Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời” (1)
Mình là, chỉ có mình thôi
Để anh trao gửi cuộc đời cho em
Mình là một đóa hoa sen
Sắc hương dịu nhẹ mà thơm vô ngần
Đời anh mang nặng ân tình
Đã vay mượn của người mình yêu thương
Cùng anh đi suốt dặm trường
Ngọt bùi, cay đắng, nhịn nhường có nhau
Từ ngày têm đĩa trầu cau
Đến nay tóc đã nhuộm màu thời gian
Khi nghèo, em chẳng thở than
Lúc thong dong cũng không màng lợi danh
Từ ngày em bén duyên anh
Chia nhau gánh nặng mình giành phần hơn
Thương chồng, thương cháu, thương con
Thương cha, thương mẹ sớm hôm đèo bòng
Ơn em anh giữ trong lòng
Yêu mình, yêu đến tận cùng mai sau”.
Nhà thơ Thanh Thảo viết: "Những dòng thơ chân thật như thế xuất phát từ tâm can. Nó bình dị mà có thể khiến ta rơi nước mắt...".
Ngoài bài thơ của Hồ Dzếnh viết để tặng vợ mà như “kính vợ đắc thọ” (“Mình vừa là chị, là em”), tôi còn nhớ nhà thơ Nguyễn Bính có bài thơ “Gửi vợ miền Nam”, có câu: “Trời còn có lúc sao quên mọc/ Anh chẳng đêm nào không nhớ em”. Câu thơ hay tuyệt nhưng thực ra thì Nguyễn Bính có nhiều người tình mà sau này mới biết...
Còn Phạm Quang Nghị, ông chỉ có một người yêu, một người vợ. Sâu sắc là chỗ đó. Phạm Quang Nghị nói được cái hay ở chỗ đó. Nó chân thật, được kiểm chứng qua thời gian. Thời gian đã ủng hộ ông để tạo ra cái hay cái đẹp, cái chân thực, cái chung thủy, không đa đoan, không nói một đằng làm một nẻo. Với Phạm Quang Nghị bài thơ này cũng là một lần nữa, minh chứng cho triết lý "quang minh chính đại" mà ông luôn tâm niệm.
“Mình là, chỉ có mình thôi/ Để anh trao gửi cuộc đời cho em” - câu thơ này đã qua thử thách của thời gian và thử thách của tình yêu. Phạm Quang Nghị viết: “Mình là một đóa hoa sen/ Sắc hương dịu nhẹ mà thơm vô ngần”. Việt Nam có hoa sen mà nhiều người coi là quốc hoa. Hoa sen được người miền Nam ví với mối tình thơm thảo của người chồng với người vợ. Hoa sen - thứ hoa được đặt vào những nơi linh thiêng, cao quý. Phạm Quang Nghị ví hoa sen với hình ảnh người vợ yêu quý của mình là điều rất trân trọng.
“Cùng anh đi suốt dặm trường/ Ngọt bùi, cay đắng, nhịn nhường có nhau” cũng là sự khẳng định tình yêu đã được thử thách, được kiểm chứng qua thời gian. Những năm tháng bao cấp khó khăn, thiếu thốn, lương thực, thực phẩm phải mua theo chế độ tem phiếu, bà vẫn chịu phần thiệt hơn, nhường nhịn cho chồng. Phạm Quang Nghị từng là Phó Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, rồi Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, Bí thư Thành ủy Hà Nội và ngay cả khi ông đã là Ủy viên Bộ Chính trị, vợ ông cũng không đi nhờ xe ông. Bà tự học lái xe để đi du ngoạn với con cháu.
Kết thúc bài thơ ông nói: “Ơn em anh giữ trong lòng/ Yêu mình yêu đến tận cùng mai sau”.
Bài thơ này là chiêm nghiệm nhưng cũng là tiên đoán. Đời ông cũng đã bên kia dốc, mọi thành đạt, mọi đắng cay cũng đã qua.
Ông nói điều này không hề là khách sáo mà là chân thật, là bức thư gửi lại mai sau cho con, cháu, chắt và những người có học, những người có đạo đức, những người có tư cách nhà văn nhà giáo..., những người thân yêu của ông ở Hà thành phồn hoa đô hội cũng như những người ở quê hương ông xứ Thanh biết ông đã từng sống như thế nào, đáng yêu như thế nào.
Trước đây khi chưa đọc Phạm Quang Nghị, tôi cứ nghĩ ông là một chính trị gia theo đúng nghĩa. Tôi không nghĩ rằng ông đã từng làm thơ nhiều thế, từ những năm sinh viên, những năm là lính, nhưng bây giờ đọc lại Phạm Quang Nghị tôi mới hiểu rằng ông đã nén lại trong lòng rất nhiều điều khi ông đang còn công tác... Có người nói xong rồi vi phạm kỷ luật, còn ông sau khi an bài ông mới nói, mới viết. Bài thơ “Thương lắm mình ơi” hay ở chỗ nó chân thật, nó đơn giản, đúng như Karl Marx nói: “Cái vĩ đại là cái đơn giản”.
-------------
(1) Thơ Hồ Dzếnh
Lê Tuấn Lộc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn