Cách để nhanh quên người yêu cũ

Thứ bảy - 18/03/2023 21:15
 

Quá trình thoát khỏi cảm giác trống rỗng sau chia tay cần thời gian và sự kiên nhẫn. Ảnh: Ana Maria Moroz/Pexels.

Việc chấm dứt mối quan hệ yêu đương với nửa kia thường khiến cả hai cảm thấy kiệt quệ. Đó là lý do nhiều người cảm thấy trống rỗng sau khi chia tay, theo Bonobology.

Tất cả cảm xúc như đau lòng, cảm giác mất mát hay nuối tiếc đều bắt nguồn từ khoảng trống được tạo ra do sự vắng mặt của người chúng ta từng gắn kết mật thiết.

Quá trình vượt qua cảm giác tù túng, bó buộc tâm hồn này có vẻ khó khăn, phức tạp và thường kéo dài.

Trên thực tế, từng bước khắc phục nhỏ nhưng đi đúng hướng là điều cần thiết để hàn gắn và vượt qua giai đoạn cô đơn này.

Cảm giác trống rỗng sau khi một mối quan hệ kết thúc xuất phát từ việc ai đó nhận ra rằng cuộc sống mà họ biết đã thay đổi rất nhiều. Việc chấp nhận rằng cả hai giờ đã chia xa không phải là điều dễ dàng.

Nếu không được kiểm soát, cảm xúc này có thể dẫn đến cách nhìn tiêu cực lâu dài đối với cuộc sống. Do đó, ta bắt buộc phải biết cách đối phó và kiểm soát nó.

Cách đối mặt

Việc để bản thân luôn ở trạng thái tủi thân và tuyệt vọng sẽ khiến sức khỏe tinh thần ngày càng tồi tệ. Khám phá và tìm kiếm phương pháp chữa lành có thể giúp ta trở thành một người tốt hơn và hiểu rõ hơn về chính mình.

Đây là những lời khuyên giúp vượt qua sự trống rỗng sau chia tay:

Cho bản thân thời gian nghỉ ngơi: Lý do chính đằng sau cảm giác trống rỗng hậu chia tay là mọi thứ xung quanh đều gợi nhớ về người cũ. Do đó, ta cần thay đổi thói quen và bối cảnh. Một kỳ nghỉ có thể giúp ích cho việc phục hồi.

Phục hồi sau chia tay cần có thời gian và là hành trình khác nhau đối với mỗi cá nhân. Đừng ấn định giới hạn thời gian cho việc phải “hoàn toàn thoát khỏi” cảm giác trống rỗng.

Trước khi buộc mình phải mạnh mẽ, điều quan trọng là cho phép bản thân có thời gian để đau buồn. Tránh những cảm xúc tiêu cực nếu quá trình phục hồi không nhanh như chúng ta dự kiến.

Duy trì cảm xúc trống rỗng có thể dẫn đến cái nhìn tiêu cực về cuộc sống. Ảnh: jcomp/Freepik.

Xây dựng thói quen tập thể dục: Nếu mọi người đang phải đấu tranh với những suy nghĩ tiêu cực, hãy thử tập yoga và thiền. Các bộ môn này giúp chúng ta tập trung và kết nối với chính mình.

Các nghiên cứu cũng cho thấy chỉ cần 10 phút tập thể dục cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ dopamine và tạo ra cảm thấy dễ chịu.

Nếu cảm thấy bế tắc sau khi chia tay, hãy làm những điều khiến ta cảm thấy mình đang sống. Sử dụng thời gian với các hoạt động tích cực giúp mang lại niềm vui và lãng quên nỗi buồn. Cuối cùng, những khoảng trống gợi lên suy nghĩ đau thương sẽ biến mất.

Kết nối với những người xung quanh: Các nghiên cứu chỉ ra rằng có ai đó để trò chuyện sẽ giúp một người đối phó với căng thẳng và cảm giác cô đơn dễ dàng hơn.

Cảm giác trống rỗng sau khi chia tay có thể được giải quyết nếu ta sẵn sàng chia sẻ những gì mình đang trải qua với bạn bè. Đừng ngại dựa vào những người thân thiết để được hỗ trợ và chia sẻ tâm trạng với họ.

Dành thời gian cho thú cưng hay trẻ em cũng có thể là một biện pháp giải tỏa căng thẳng tuyệt vời.

Phát triển kỹ năng mới hoặc cũ: Điều này nghe có vẻ sáo rỗng nhưng lại là một cách hiệu quả để ngăn cản cảm giác trống rỗng sau khi chia tay. Làm điều gì đó chúng ta yêu thích và đam mê có thể trở thành nguồn vui, mang lại cảm giác mới mẻ về mục đích sống.

Hãy thử dành nhiều thời gian hơn để nuôi dưỡng sở thích. Nếu chưa có, hãy khám phá xem bản thân muốn làm gì. Chúng ta chỉ cần đảm bảo đó là thứ tốt cho sức khỏe của mình.

Có người để chia sẻ sẽ giúp ta đối mặt với cô đơn dễ dàng hơn. Ảnh: Kool shooters/Pexels.

Làm việc để cải thiện bản thân: Sau chia tay, tất cả điều chúng ta muốn là cuộn tròn trên giường và ngủ cả ngày. Tuy nhiên, điều đó chỉ làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Phương thuốc tốt nhất là tạo ra một phiên bản mới của chính mình.

Đó là lý do giai đoạn hậu chia tay là thời điểm thích hợp để đăng ký các khóa học mới hoặc tham gia các kỳ thi, tập trung hơn vào công việc. Hãy bước ra khỏi vùng an toàn của việc không muốn làm bất cứ điều gì và thử sức mình với mọi dự định.

Nếu cảm thấy mình là kẻ thua cuộc sau khi chia tay, cách duy nhất để cảm thấy tốt hơn về bản thân là tự mình nỗ lực. Tuy nhiên, đừng buồn nếu chúng ta không tiến bộ với tốc độ mà mình mong đợi.

Đón nhận sự cô đơn: Khi mới kết thúc một mối quan hệ, sự cô đơn dường như chiếm lấy toàn bộ cuộc sống. Để đối phó với nó, ta cần thay đổi quan điểm của mình. Thay vì chiến đấu với sự cô đơn hay mong muốn nó biến mất, hãy đón nhận.

Đôi khi kẻ thù hóa ra lại là đồng minh tốt nhất. Hãy thực tế và cố gắng sử dụng “khoảng thời gian dành cho bản thân” để làm bất cứ điều gì trái tim mình mong muốn. Đối mặt với sự cô đơn rất quan trọng để giúp bản thân tránh xa việc bắt đầu những mối quan hệ mới chỉ vì mục đích lấp đầy khoảng trống.

Mỗi người đều có thể vượt qua cảm giác trống rỗng sau chia tay nếu cho phép mình làm như vậy.

Trên thực tế, đôi khi ta nhìn lại giai đoạn này và tự hỏi vấn đề bây giờ không là gì tại sao khi ấy lại khó vượt qua đến vậy. “Chuyện gì rồi cũng sẽ qua” có vẻ chỉ là câu an ủi nhưng đó là thực tế của cuộc sống. Thực hiện từng bước một cách chủ động sẽ giúp quá trình phục hồi diễn ra nhanh, suôn sẻ và ít đau đớn hơn.

Thùy Trang

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây