Tên tuổi của PGS-TS-Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Trần Hữu Tá tôi được nghe từ khi còn là sinh viên năm thứ 4 Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Thế nhưng mãi đến năm 1988, sau khi tôi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô về mới được gặp anh.
Anh coi tôi như đứa em trai trong nhà và đối xử như người anh đối với người em còn nhiều vụng dại trong cuộc sống. Do đó, tôi thường giãi bày tâm sự với anh và anh luôn cho những lời khuyên chí tình, đúng mực. Tôi đã sống, học tập và làm việc ở miền Bắc 20 năm, nên khi gặp anh đôi ba lần là nhìn ra tính cách người Hà Nội ở anh chứ không phải giống như những người "làm dáng tính cách". Đó là sự tế nhị, khéo léo, pha đôi chút khách sáo.
Từ trái qua: PGS-TS Đặng Ngọc Lệ, PGS-TS Trần Hữu Tá, PGS-TS Đỗ Ngọc Thống. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Anh và gia đình đã chuyển vào sống và làm việc ở mảnh đất TP HCM sôi động, bộc trực hơn 40 năm, thế nhưng tính cách con người Tràng An nơi anh vẫn đong đầy, chẳng phai nhạt chút nào. Điều dễ thấy nhất là bộ ấm chén "hiếm có".
Ở miền Nam chỉ có mùa khô và mùa mưa. Mưa cũng không dầm dề, rét buốt như xứ Bắc, còn mùa khô thì nắng nóng. Món trà đá là đặc sản của Sài Gòn. Thế nhưng, ai tới nhà anh dù sáng sớm hay tối mịt cũng được cùng anh ngồi bên ấm chén ấy. Trời Sài Gòn nắng nóng, uống cả ly cối trà đá vẫn chưa thấy đã khát, vậy mà anh vẫn cho chút trà nóng vào cái chén con con, uống những… năm chục chén như thế chưa chắc đã giải được cơn khát. Khi anh chưa nằm một chỗ sống đời thực vật thì vẫn... chén trà nóng con con như thế.
Nhắc tới chuyện này, nhiều anh em quen thân cho là anh "bảo thủ", bởi bây giờ ở đây không còn mấy người "ôm" bộ ấm chén như anh. Nhưng với tôi, đó mới là Trần Hữu Tá, bởi với anh, cái gì cũng nhẹ nhàng; trong việc nói năng, cư xử không bao giờ to tiếng và nặng lời với bất kỳ ai. Khi nói hoặc viết về một vấn đề nào đó, anh cũng rào trước đón sau để lập luận của mình không có chỗ sơ hở.
Trong cuộc sống gia đình của tôi, anh không chỉ là người chủ hôn mà quý nhất là người trực tiếp cho tôi những lời khuyên đúng đắn trong cuộc sống gia đình. Nhìn lại, tôi thấy anh là người sắc sảo trong cuộc sống chứ không chỉ có tế nhị, nhẹ nhàng, khéo léo… trong cách ứng xử hằng ngày. Điều này, tôi muốn học anh, song dường như… đã trễ và chắc anh cũng không thích, vì có thế mới ra chú em này.
Những ngày này, tôi đang công tác ở Hà Nội, không thể về tiễn anh, chỉ biết khóc thương, nuốt lệ vào lòng. Vĩnh biệt anh, anh Tá của tôi!
PGS-TS Đặng Ngọc Lệ, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP HCM
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn