52 năm sống trên đời thì có đến 47 năm anh Thái Tấn Sơn đau đáu về cội nguồn, đau đáu một câu hỏi “tại sao mẹ lại bỏ mình?”.
Trong ký ức của người đàn ông đã bước sang mé bên kia con dốc cuộc đời, tất cả hình ảnh anh nhớ được trước khi lạc mẹ là tiếng còi tàu, ruộng lúa, nhà máy, bàn tay một người phụ nữ thả trứng vào chậu nước để xem trứng chìm hay nổi.
Anh cũng không quên hình ảnh người mình gọi là “má” – người dặn anh cứ ngồi ở ga tàu rồi bà quay lại đón. Nhưng cậu bé 5 tuổi cứ ngồi mãi từ sáng tới chiều, không thấy ai quay trở lại. Anh không nhớ bến tàu đó ở đâu, tên gì.
47 năm, anh Thái Tấn Sơn đau đáu về cội nguồn, đau đáu một câu hỏi “tại sao mẹ lại bỏ mình?”.
Sơn, 5 tuổi, lạc mẹ
Cũng vào ngày Sơn ngồi đợi mẹ, bà Mười An lên Sài Gòn lấy cá mắm về quê Cà Ná, Ninh Thuận của mình để bán như mọi khi. Ở Sài Gòn, bà được một người phụ nữ gửi đứa bé trai, nói lát quay lại đón. Nhưng người phụ nữ không quay lại như đã hẹn.
Bà Mười An dắt cậu bé tên Sơn về quê và dặn người bán nước ở khu vực đó: “Nếu có ai quay lại đón đứa bé thì báo bà trả lại”. Nửa tháng, rồi 1 tháng trôi qua, không có ai đến nhận Sơn.
Bà Mười An ra chính quyền làm giấy nhận nuôi nhưng chồng bà không đồng ý. Bà đưa qua cho vợ chồng người cháu nuôi giùm. Từ đó, Sơn trở thành con nuôi của ông Thái Tấn Phúc và bà Nguyễn Thị Thận. Họ và tên đệm của anh lấy theo bố nuôi vì tất cả những gì anh nhớ là mình tên Sơn.
Ông Phúc, bà Thận khi đó có 7 người con, lại nuôi thêm mấy đứa cháu. Cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả nhưng vẫn gắng gượng nuôi Sơn thành người.
Anh Sơn lớn lên cùng những người anh em không cùng máu mủ. Từ năm 25 tuổi, anh làm nghề đi biển đánh cá cho đến bây giờ. Cả cuộc đời mình, anh luôn nghĩ mình thật may mắn khi được ba mẹ nhận nuôi, cho ăn cho mặc.
Điều không may mắn nhất trong cuộc đời anh là không biết mẹ ruột là ai.
Nhưng anh luôn thầm nhủ với lòng mình rằng dù mẹ có bỏ anh thật, anh cũng không sân hận. Anh chỉ mong có ngày được mẹ ôm vào lòng nếu mẹ còn sống, mong có ngày 4 đứa con của anh biết cội nguồn, máu mủ.
Bà Mười An đưa cậu bé Sơn về Cà Ná, Ninh Thuận
Người phụ nữ thả trứng vào chậu nước
Cách Ninh Thuận 300km, ở chợ Phạm Thế Hiển (quận 8, TPHCM), bà Lan là chủ một sạp hàng bán gạo và trứng vịt lộn gần 50 năm để nuôi 4 người con. Từ hồi có dịch Covid-19, bà mới nghỉ bán.
Bà Lan năm nay ngoài 90 tuổi, quê gốc Long An. Bà là vợ đầu của ông Lâm Văn Sáng. Bà sinh xong đứa út thì ông Sáng bỏ đi, theo người đàn bà khác. Bà Lan và 4 người con sống trên mảnh đất bố mẹ chồng chia cho từ hồi vợ chồng mới lấy nhau.
Ông Sáng bỏ đi, quen bà Phạm Thị Chiến - khi đó là gái mới lớn, từ Cần Đước, Long An lên Sài Gòn phụ quán cơm. Ông hỏi cưới bà, theo bà về Cần Đước làm đám cưới. Hai người sống với nhau và sinh được 3 người con. Anh Sơn là con thứ hai.
Mãi đến khi ông Sáng bị tai nạn, phải vào viện, anh chị em tới thăm nuôi, bà Chiến mới biết ông đã có vợ và 4 đứa con. Gia đình nội có mặt trong đám cưới của bà là người được ông Sáng thuê đóng giả.
Mọi sự đã rồi, ông dẫn bà Chiến và các con về ra mắt gia đình ở Phạm Thế Hiển. Hai bà vợ đối xử, trò chuyện với nhau văn minh, cam chịu số phận an bài.
Hình ảnh người phụ nữ thả trứng vào chậu nước là bà Lan - vợ đầu của bố anh Sơn, người đã chăm sóc anh một thời gian
Một thời gian sau, bà Chiến và ông Sáng chia tay vì ông vẫn thói trăng hoa, lại đi theo người đàn bà khác. Bà ôm 3 con về Cần Đước sinh sống. Nhưng về quê, mẹ bà bị bệnh nhiều. Bà phải chăm sóc mẹ, không làm ăn được gì để nuôi con.
Nhân một lần ông Sáng về thăm con, bà trả 3 đứa cho nhà nội nuôi. Nhưng ông không đưa con cho bố mẹ, mà đưa về cho người vợ đầu. Bà Lan nhận nuôi 3 đứa trẻ một thời gian thì gửi trả lại đứa út là Tuấn. Bà nuôi Hùng và Sơn.
Hình ảnh bàn tay người phụ nữ thả trứng vào chậu nước để kiểm tra trứng chìm hay nổi trong ký ức anh Sơn chính là bà Lan – người vợ đầu của ba, người đã nuôi anh mấy tháng cho đến khi anh bị lạc.
Lạc mất con
Một lần bà Chiến lên Đồng Nai có việc, ghé thăm 2 con ở chỗ bà Lan. Sơn quấn mẹ, khóc đòi đi theo. Bà Chiến đành dắt con theo. Đến nhà ga xe lửa Bến Thành, bà dặn Sơn ngồi một chỗ để bà vào mua vé. Mua vé xong ra, bà không thấy con đâu.
Người bán nước nói có một người phụ nữ đã dắt Sơn đi, tưởng là mẹ cậu bé. Bà Chiến mang nỗi đau mất con về quê. Năm sau, bà lại lên Sài Gòn làm nghề bán gạo dạo với hi vọng vừa đi bán vừa đi tìm con.
Hễ thấy đứa trẻ nào trạc tuổi Sơn, bà lại nhìn thật kỹ xem có phải con mình. Có ngày bà đi thâu đêm suốt sáng, đêm ngủ ngoài đường, sáng lại đi tiếp. Có lần thấy bà lả đi, người ta phải dìu bà về nhà cho ăn uống.
Cuộc tìm con của bà Chiến rơi vào vô vọng. Suốt 47 năm qua, bà luôn nhớ tới đứa con thất lạc và cầu nguyện cho con được sống hạnh phúc, no đủ. “Mênh mông trời đất biết đâu mà tìm” – bà thốt lên trong tuyệt vọng khi nghĩ về Sơn.
Bà Chiến vừa đi bán gạo vừa tìm con ở Sài Gòn suốt nhiều năm
Gặp nhau trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, được xem những thước phim về cuộc đời nhau suốt 47 năm thất lạc, bà Chiến và anh Sơn ôm chầm lấy nhau trong nước mắt.
Anh Sơn giờ đã có lời giải đáp cho câu hỏi đau đáu suốt mấy chục năm qua: “Tại sao mẹ lại bỏ mình?”. Bà Chiến khóc mếu giải thích với đứa con thất lạc: “Má nhớ con lắm! Má không có bỏ con! Má đẻ con ra mà, má không bỏ con…”.
Anh Sơn gặp lại mẹ ruột trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly
Ảnh: NCHCCCL
Nguyễn Thảo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn