Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại nhà ga trung tâm của thủ đô Kiev, Ukraine ngày 21/3. (Nguồn: AP)
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga nêu tên các nước không thể làm trung gian về vấn đề Ukraine: Ngày 21/3, liên quan đề xuất của cựu Chủ tịch An ninh Munich Wolfgang Ischinger về nhóm liên lạc Ukraine gồm Mỹ, Anh, Pháp và Đức, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: “Về mặt chính thức, chúng tôi không biết gì về sáng kiến này... Tuy nhiên, ý tưởng của ông Ischinger đặt ra những câu hỏi chính đáng. Trước hết, bởi vì cả bốn nước được đề cập đều tham gia xung đột với Nga trên lãnh thổ Ukraine…
Các quốc gia đó áp đặt các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp chống Nga, phong tỏa tài sản nước ngoài của Nga, yêu cầu thành lập tòa án để trừng phạt lãnh đạo Nga. Họ ủng hộ các đề xuất giả mạo sáng kiến hòa bình của ông Zelensky mà thực chất là những tối hậu thư xa rời thực tế yêu cầu đất nước chúng ta đầu hàng”.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng những nước này “đã tự đánh mất uy tín bằng việc ủng hộ cuộc đảo chính vi hiến ở Maidan và dung túng để Kiev phá hoại Thỏa thuận Minsk. Do đó, Mỹ, Anh, Pháp và Đức không thể đóng vai trò trung gian hòa giải để khởi động tiến trình hòa bình. Họ không quan tâm đến giải quyết khủng hoảng mà đang làm mọi cách để kéo dài cuộc đối đầu đến mức tối đa”. (Reuters)
* Ukraine tuyên bố cản bước quân Nga tiến vào trung tâm Bakhmut: Viết trên Telegram ngày 21/3, Thượng tướng Oleksandr Syrskyi, Tư lệnh Lực lượng Lục quân Ukraine cho biết: “Các nhóm tấn công của đối thủ đang cố gắng tiến công từ ngoại ô vào trung tâm thành phố nhưng lực lượng phòng thủ của chúng tôi đang hoạt động và hạ gục họ 24/7”. Ông cho hay đã xảy ra các cuộc giao tranh dữ dội dọc theo chiến tuyến phía Đông. (Reuters)
* Ukraine đợi xác nhận về điện đàm cấp lãnh đạo với Trung Quốc: Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Corriere della Sera (Italy) ngày 21/3 về điện đàm giữa ông Volodymyr Zelensky và ông Tập Cận Bình, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk nói: “Tôi không biết, chúng tôi đang đợi xác nhận”. Quan chức này cũng cho biết thêm rằng đó sẽ là một động thái rất quan trọng và tín hiệu cho thấy hai nhà lãnh đạo “có nhiều điều để thảo luận với nhau”. (Reuters)
* Thủ tướng Nhật Bản đến Kiev: Truyền thông Nhật Bản đưa tin ngày 21/3, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã đến Kiev. Theo đài NHK (Nhật Bản), có người đã nhìn thấy ông Kishida “xuống tàu tại một nhà ga ở trung tâm Kiev”, nơi ông dự kiến sẽ gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky. Kyodo (Nhật Bản) xác nhận ông Kishida đã đến Kiev. Đáng chú ý, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nhật Bản tới Ukraine diễn ra trong lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm ba ngày tới Nga.
Cùng ngày, viết trên Twitter, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Ukraine, bà Emine Dzheppar cho biết: “Chuyến thăm lịch sử này là dấu hiệu của sự đoàn kết và hợp tác mạnh mẽ giữa (Ukraine và Nhật Bản). Chúng tôi rất biết ơn Nhật Bản vì sự hỗ trợ mạnh mẽ và đóng góp cho chiến thắng trong tương lai của chúng tôi”. (AFP/Kyodo)
Nga-Mỹ
* Nga: Mỹ đang tham gia trực tiếp vàoxung đột Ukraine: Phát biểu với hãng thông tấn TASS (Nga) ngày 21/3, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev nhận định: “Theo đuổi mục tiêu đánh bại Nga, Mỹ và một số nước đã tiếp tục bơm vũ khí cho chính quyền Ukraine và trên thực tế, đã là những bên tham gia xung đột”. Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chỉ trích Mỹ đang can dự ngày càng sâu vào tình hình Ukraine, bất chấp cam kết từ Washington rằng binh sĩ nước này sẽ không đóng vai trò gì trong xung đột. (TASS)
Nga-Trung
* Chủ tịch Tập Cận Bình mời Tổng thống Putin thăm Trung Quốc: RIA Novosti (Nga) ngày 21/3 cho biết trong khuôn khổ thảo luận tại Moscow, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mời Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Trung Quốc trong năm nay. Hai bên cũng đã thảo luận về việc thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương và kế hoạch của Trung Quốc nhằm giải quyết tình hình tại Ukraine. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã gặp Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin.
Phát biểu trong các cuộc gặp này, ông khẳng định Bắc Kinh sẽ “tiếp tục ưu tiên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Nga”. Các hãng tin của Nga dẫn lời nhà lãnh đạo Trung Quốc trong cuộc gặp với Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin nêu rõ: “Chúng ta là những cường quốc láng giềng lớn”. (AFP/Reuters)
* Báo Nhật: Căng thẳng vềvấn đề Đài Loan đã đẩy Bắc Kinh về phía Moscow: Nikkei (Nhật Bản) ngày 21/3 nhận định: “Căng thẳng leo thang trong quan hệ với Mỹ về vấn đề Đài Loan là một trong những yếu tố khiến hai nước láng giềng xích lại gần nhau hơn. Tại Nga, ông Tập Cận Bình đã tìm cách giành được sự ủng hộ của Moscow về vấn đề này trước sức ép đến từ Washington”.
Bài báo nhận định rằng khác với các nước châu Âu và Mỹ, vốn đã áp đặt các lệnh trừng phạt Nga do xung đột tại Ukraine, Trung Quốc đã thúc đẩy hợp tác với Nga, với kim ngạch thương mại năm 2022 tăng khoảng 30% lên 190,3 tỷ USD. Bài báo lưu ý: “Trung Quốc cũng đã chỉ trích việc Tòa án hình sự quốc tế (ICC) ở The Hague ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống (Nga Vladimir) Putin. Cùng ngày, Bắc Kinh cũng phát đi tín hiệu về lập trường cứng rắn đối với Washington, khi công bố báo cáo của Bộ Ngoại giao về tình hình dân chủ ở Mỹ”. (TASS)
Đông Nam Á
* Indonesia lên kế hoạch công bố Covid-19 là bệnh đặc hữu: Ngày 20/3, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin đã lên kế hoạch gặp Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus vào cuối tháng này để thảo luận về việc chuyển tình trạng Covid-19 từ đại dịch sang bệnh đặc hữu.
Trong khi đó, ông Iwan Ariawan, thành viên Nhóm khảo sát huyết thanh thuộc Bộ Y tế Indonesia, khẳng định rằng theo kết quả đánh giá dịch tễ học, nước này có thể thu hồi Nghị định số 11/2020 của Tổng thống về tình trạng khẩn cấp y tế công cộng do Covid-19: “Quy định ở Indonesia chưa bao giờ tuyên bố Covid-19 là đại dịch, mà chỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Quy định này hiện vẫn có hiệu lực, dù chính sách hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) đã được hủy bỏ”. Tuy nhiên, theo ông, chính phủ phải xem xét tác động của việc bãi bỏ nghị định trên đối với các khía cạnh khác, chẳng hạn như nền kinh tế và xử lý Covid-19, dù rằng các nhà dịch tễ học đã nhận định nghị định có thể được bãi bỏ.
Quan chức này giải thích: “Khi Covid-19 được tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, chính quyền trung ương phải chịu trách nhiệm xử lý và tài trợ để giảm thiểu Covid-19. Tuy nhiên, khi nghị định được bãi bỏ, đây sẽ là trách nhiệm của chính quyền huyện/thành phố”. Ông Iwan cho hay tình trạng Covid-19 là đại dịch hay bệnh đặc hữu đều do chính phủ quyết định. Vì vậy, điều quan trọng là mỗi quốc gia phải thảo luận vấn đề này với WHO trước khi tiến hành.
Trước đó, Indonesia đã tham vấn với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, những nước đang có kế hoạch tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu trong năm. Ngày 17/3, Tổng giám đốc WHO cũng bày tỏ hy vọng dịch Covid-19 sẽ kết thúc trong năm nay. (TTXVN)
Đông Bắc Á
* Trung Quốc trao công hàm phản đối quan chức Đức tới đảo Đài Loan: Ngày 21/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trao công hàm tới Berlin phản đối chuyến thăm đảo Đài Loan của Bộ trưởng Giáo dục Đức Bettina Stark-Watzinger.
Trước đó cùng ngày, quan chức này đã bày tỏ sự vinh dự khi được “đối tác đáng quý trọng” Đài Loan (Trung Quốc). Phát biểu tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác công nghệ với người đứng đầu ngành khoa học và công nghệ Đài Loan Wu Tsung-tsong, chính trị gia đảng Dân chủ Tự do (FDP) lưu ý: “Điều cực kỳ quan trọng đối với Bộ của tôi và tôi là thúc đẩy hợp tác với đối tác cùng chí hướng”. Bà nói: “Thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác trên cơ sở các giá trị dân chủ, minh bạch, cởi mở, có đi có lại và tự do khoa học... Tôi rất vui và vinh dự khi được trở thành bộ trưởng đầu tiên đứng đầu một cơ quan chuyên môn của chính phủ đến thăm đảo Đài Loan sau 26 năm... Đảo Đài Loan, nơi có các cơ quan nghiên cứu xuất sắc, là đối tác đáng quý trọng”.
Tuy nhiên, chính trị gia này cũng nhấn mạnh chuyến đi này không liên quan đến chiến lược Trung Quốc của Berlin. (Reuters)
* Mỹ: Việc bà Thái Anh Văn quá cảnh là bình thường: Trả lời báo giới qua điện thoại đêm 20/3, một quan chức Mỹ khẳng định bất kỳ nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) nào cũng đã quá cảnh qua Mỹ. Trong đó, bà Thái Anh Văn từng làm điều đó 6 lần kể từ khi nhậm chức năm 2016. Quan chức nêu trên nhấn mạnh: “Việc bà Thái Anh Văn quá cảnh ở Mỹ, vốn phù hợp với chính sách lâu dài của Washington, không nên bị lợi dụng như cái cớ để tăng cường bất kỳ hoạt động gây hấn nào xung quanh eo biển Đài Loan. Theo người này, phái Washington đã liên lạc và trao đổi với Bắc Kinh rằng các điểm dừng chân của bà Thái Anh Văn phù hợp với tiền lệ và “không có gì mới từ quan điểm của chúng tôi”.
Theo kế hoạch, trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Mỹ, bà Thái Anh Văn sẽ quá cảnh qua New York và Los Angeles. Các nguồn tin cho hay Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy có ý định gặp Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn trong chặng dừng chân tại bang California của bà. (Reuters)
* Hàn Quốc thúc đẩy chuyến thămcủa Thủ tướng Nhật Bản trong năm nay: Ngày 21/3, phát biểu tại quốc hội, Ngoại trưởng Park Jin cho biết nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động ngoại giao con thoi, bao gồm chuyến thăm đáp lại của Thủ tướng Kishida Fumio trong năm nay và tăng cường trao đổi, liên lạc cấp cao”. (Yonhap)
* Máy bay ném bom chiến lược Nga đến gần Nhật Bản: Ngày 21/3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết 2 máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-95MS của nước này đã bay trên Biển Nhật Bản trong hơn 7 giờ. Moscow cho biết đây là “chuyến bay theo kế hoạch” và có sự hộ tống của máy bay chiến đấu. Bộ Quốc phòng Nga cho biết hoạt động này được tiến hành tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế và được thực hiện trên vùng biển trung lập.
Máy bay ném bom chiến lược Tupolev TU-95MS thường được Moscow triển khai bay qua vùng biển quốc tế ở Bắc Cực, Bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương để phô trương sức mạnh. Đáng chú ý, hoạt động quân sự này của Bộ Quốc phòng Nga diễn ra ngay trước thềm chuyến thăm Ukraine bất ngờ của Thủ tướng Kishida Fumio sau khi rời Ấn Độ. (Reuters)
Châu Âu
* Qũy đổi mới sáng tạo của NATO sẽ đặt tại Hà Lan: Ngày 21/3, Bộ Các vấn đề kinh tế Hà Lan mới đây cho biết nước này sẽ là nơi đặt trụ sở của quỹ dành cho đổi mới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mới thành lập hồi năm ngoái với trị giá 1 tỷ Euro (1,07 tỷ USD) và chính thức ra mắt tại hội nghị thượng đỉnh thường niên NATO tháng 7 tới. Quỹ này sẽ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp châu Âu phát triển công nghệ với ứng dụng quân sự hoặc quốc phòng tiềm năng. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi hy vọng rằng quỹ này sẽ giúp các công ty khởi nghiệp về đổi mới sáng tạo của Hà Lan tìm ra cách tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, kích thích các giải pháp cho các vấn đề cả xã hội và quân sự”.
Năm 2022, NATO tuyên bố quỹ sẽ giúp đưa các chính phủ, lĩnh vực tư nhân, giới học thuật xích lại gần nhau để tăng cường ưu thế công nghệ của khối. (Reuters)
* Anh tăng cường quan hệ công nghệ, thương mại và an ninh với Israel: Ngày 21/3, Bộ Ngoại giao Anh đã ra thông báo cáo chí cho biết Ngoại trưởng James Cleverly và người đồng cấp Israel Eli Cohen sẽ sớm ký kết tại London thỏa thuận “Lộ trình quan hệ song phương Anh-Israel đến năm 2030” nhằm tăng cường quan hệ công nghệ, an ninh và kinh tế giữa hai nước.
Bộ này cũng nhấn mạnh dựa trên 75 năm quan hệ chặt chẽ giữa hai nước, “Lộ trình quan hệ song phương Vương quốc Anh-Israel đến năm 2030” khẳng định Anh và Israel cam kết xây dựng một mối quan hệ hiện đại, đổi mới và hướng tới tương lai, tiếp tục tập trung vào các ưu tiên chung vì lợi ích chung. Đồng thời, qua cách tiếp cận theo chủ đề, lộ trình bao gồm cam kết chi tiết nhằm tăng cường hợp tác trên toàn diện mối quan hệ song phương gồm thương mại, mạng, khoa học và công nghệ, nghiên cứu và phát triển, an ninh, y tế, khí hậu và giới tính.
Lộ trình sẽ bao gồm các chương trình hợp tác mới trị giá nhiều triệu bảng Anh, bao gồm 20 triệu bảng Anh cam kết tài trợ chung cho công nghệ và đổi mới để giúp cả hai quốc gia luôn đi đầu trong cuộc cách mạng công nghệ. Anh cũng cam kết hợp tác chặt chẽ với Israel để giải quyết tai họa của chủ nghĩa bài Do Thái. (TTXVN)
Châu Mỹ
* Nga triệu đại biện Canada để phản đối tuyên bố của Ngoại trưởng Joly: ngày 21/3, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trước đó một ngày, cơ quan này đã triệu ông Brian Ebel, Đại biện lâm thời Canada tại Moscow để phản đối liên quan tới những bình luận của Ngoại trưởng Canada Melanie Joly về “sự thay đổi chế độ” ở Nga. Bộ trên nhấn mạnh rằng những bình luận của bà Joly là không thể chấp nhận được. Tuyên bố chỉ trích “cuộc tấn công chống người Nga” và nói rằng điều đó sẽ gây hậu quả nghiêm trọng với các mối quan hệ. Nga bảo lưu quyền thực hiện “các biện pháp đối phó thích hợp” tùy thuộc vào bước tiếp theo của Ottawa. (Reuters)
Trung Đông-Châu Phi
* EU hoan nghênh kết quả từ cuộc họp Sharm El Sheikh: Ngày 21/3, Liên minh châu Âu (EU) đã hoan nghênh kết quả của cuộc họp ngày 19/3 của các quan chức chính trị và an ninh cấp cao của Ai Cập, Jordan, Israel, Palestine và Mỹ tại Sharm El Sheikh. Theo EU, cuộc họp đã mang lại sự hiểu biết về cách thức để giảm căng thẳng trên thực địa và hướng tới giải pháp hòa bình giữa người Israel và người Palestine, nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra “chân trời chính trị”.
Đồng thời, EU cũng hoan nghênh vai trò của Ai Cập, Jordan và Mỹ với tư cách là những nước kêu gọi nỗ lực này, dựa trên cuộc họp Aqaba hồi tháng Hai vừa qua. Brussels ủng hộ thông cáo chung đã được thông qua giữa các bên và việc thực hiện nó một cách thiện chí, đồng thời sẵn sàng đóng góp cho những nỗ lực này. Khối này cũng đánh giá cao các cam kết được đưa ra, đặc biệt là việc ngừng hành động đơn phương, tôn trọng thỏa thuận hiện có và thiết lập một cơ chế giảm thiểu bạo lực và kích động. Liên minh này cũng đánh giá cao những nỗ lực nhằm cải thiện nền kinh tế Palestine và cam kết tôn trọng hiện trạng của các thánh địa.
EU cho rằng một cuộc đối thoại trực tiếp liên tục giữa các bên vẫn sẽ rất quan trọng và do đó EU hoan nghênh cam kết nối lại các cuộc đàm phán vào tháng Tư. (TTXVN)
Minh Vương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn