Với Kathleen Skelcy, mùa hè của bà và nhiều người ủng hộ đảng Dân chủ bắt đầu với niềm vui khi cựu Tổng thống Donald Trump bị kết án với 34 tội danh. Tuy nhiên, niềm vui này kéo dài chẳng bao lâu, và mùa hè đã nhanh chóng chuyển thành “cơn ác mộng”.
Ông Joe Biden đối mặt với những lời kêu gọi rời bỏ vị trí ứng viên tổng thống sau cuộc tranh luận bị đánh giá là thảm họa. Cơ hội ông Trump quay lại Nhà Trắng dường như tăng lên từng ngày. Tiếp đó, Tòa án tối cao Mỹ ra phán quyết về quyền miễn trừ truy tố hình sự với “các hành vi chính thức” của tổng thống, làm dấy lên nỗi sợ hãi lớn nhất của bà Skelcy: ông Trump trúng cử nhiệm kỳ thứ 2.
“Tôi cảm thấy mình như diễn viên quần chúng trong một bộ phim kinh dị”, bà viết hôm 4/7, ví von cảm giác lo lắng tột độ của bản thân khi linh cảm điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra.
Tình tiết trong “bộ phim kinh dị” này ngày càng gay cấn những ngày sau đó. Một tay súng tìm cách ám sát ông Trump. Ông Biden tuyên bố rút khỏi cuộc chạy đua vào tháng 11 tới.
Theo Washington Post, thời điểm hiện tại - giai đoạn thường gây ra cảm giác chán chường trong năm bầu cử - đột nhiên trở thành một chương đáng chú ý trong lịch sử nước Mỹ. Những diễn biến mới thu hút sự chú ý của cử tri cả hai đảng và khiến họ lo lắng tự hỏi: Điều gì có thể xảy ra tiếp theo?
“Chúng ta như trải qua một chuyến tàu lượn siêu tốc kỳ lạ”, bà Skelcy nói.
Mang sắc thái của năm 1968
Nhiều cử tri trước đó cảm thấy chán chường trước cuộc tái đấu giữa ông Trump và ông Biden. Dẫu vậy, cảm xúc này đã không còn, nhường chỗ cho một giai đoạn mới mà các từ như “đặc biệt” hay “gây sốc” dường như là không đủ để mô tả những gì đang diễn ra.
Đảng Cộng hòa chứng kiến ứng viên của họ không lung lay trước các bản án, né tránh được các cáo buộc và sống sót sau một vụ ám sát. Đảng Dân chủ lo lắng về cơ hội giành chiến thắng tới mức đổi ứng viên trước Đại hội toàn quốc của đảng chỉ vài tuần, ủng hộ một phó tổng thống mà một số người từ lâu không coi trọng.
Hiện tại, một cảm giác bất ổn mới bao trùm cuộc đua, khiến các nhà sử học nhớ tới tình hình chính trị hỗn loạn của nước Mỹ năm 1968. 1968 là một năm bầu cử bị rung chuyển bởi biến động và bạo lực.
Tháng 3/1968, ông Lyndon B. Johnson tuyên bố không tái tranh cử trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ xuống thấp. Tháng 4/1968, nhà hoạt động dân quyền nổi tiếng Martin Luther King Jr bị ám sát. Chỉ hai tháng sau đó, ứng cử viên đảng Dân chủ hàng đầu thay thế ông Johnson, Robert F. Kennedy, cũng bị ám sát. Đại hội đảng Dân chủ ở Chicago rơi vào cảnh hỗn loạn khi cảnh sát đụng độ dữ dội với người biểu tình.
Michael Cohen - tác giả cuốn “American Maelstrom: The 1968 Election and the Politics of Division” - từng nghĩ cuộc bầu cử năm 2024 “khá nhàm chán”, vì phần lớn cử tri đã có cái nhìn riêng của họ về các ứng viên. Cảm giác đó tan biến cách đây khoảng một tháng sau cuộc tranh luận giữa ông Biden và ông Trump.
Người dân xem ông Trump và ông Biden tranh luận. Ảnh: Washington Post.
Diễn biến của cuộc đối đầu này bình bình trong nhiều tháng, ngay cả khi ông Trump đối mặt với phiên tòa hình sự. Dẫu vậy, khả năng của ông Biden đã bị đặt dấu hỏi và trở thành tâm điểm bàn luận chỉ sau một đêm.
Nội bộ đảng Dân chủ bắt đầu có những ý kiến trái chiều. Ban đầu, ông Biden tuyên bố không rút lui. Tuy nhiên, trước các cuộc thăm dò ảm đạm, vị tổng thống 81 tuổi đã dừng lại và chuyển sự ủng hộ sang bà Kamala Harris. Đảng Dân chủ sau đó cũng ủng hộ nhiệt thành ứng viên mới này.
Hiện tại, cuộc đối đầu giữa ông Trump và bà Harris ngày càng quyết liệt. Chiến dịch của phó tổng thống đã thu hút hơn 200 triệu USD tiền ủng hộ trong vòng chưa đầy một tuần. Các số liệu thăm dò dư luận cũng cho thấy bà Harris đã thu hẹp khoảng cách với ông Trump so với khi ông Biden còn là ứng viên.
Dẫu vậy, ông Trump cùng các đồng minh cũng tìm cách bới móc điểm yếu của bà, và một số thành viên đảng Dân chủ lo lắng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính sẽ gây bất lợi cho phó tổng thống.
Ông Cohen cho biết lịch sử nước Mỹ chưa có tiền lệ một ứng viên rút lui khi nhận được đề cử của đảng và vào thời điểm sát ngày bầu cử, như ông Biden. Và cũng chưa từng có một ứng viên của đảng lớn bị kết trọng tội, như ông Trump.
“Đây không phải điều bình thường”
Bà Patricia Poprik - chủ tịch Ủy ban đảng Cộng hòa quận Bucks - cho biết những sự kiện chấn động như vụ ông Trump bị ám sát hụt đã tiếp thêm năng lượng cho cử tri và khiến một số người vốn thờ ơ quan tâm hơn. Hình ảnh ông Trump giơ nắm đấm ngay sau khi bị bắn xuất hiện khắp mọi nơi.
"Những người ở trụ sở của chúng tôi rất tức giận”, bà nói, cho biết thêm những người ủng hộ “muốn làm nhiều hơn nữa”. Thậm chí, một số người bà không quá thân thiết cũng đã liên lạc và hỏi làm thế nào để con họ có thể bỏ phiếu qua thư khi đang đi học đại học.
"Điều này không bình thường chút nào”, bà nói.
Vụ ám sát “lớn tới mức kể cả những người phớt lờ chính trị cũng phải chú ý”, Sam DeMarco - Chủ tịch Ủy ban đảng Cộng hòa tại quận Allegheny, Pennsylvania - đồng tình.
Chiến dịch của bà Harris có khởi đầu thuận lợi. Ảnh: New York Times.
Những người theo đảng Dân chủ cũng cho hay việc bà Harris - người phụ nữ da màu trẻ trung hơn ông Biden và sẽ làm nên lịch sử nếu thắng cử - đang giúp tăng nhiệt.
John Brady - Chủ tịch Philadelphia Young Democrats - cho biết ông từng nhận được khoảng 20 cuộc điện thoại trong một buổi sáng, chủ yếu là người Mỹ gốc Phi phấn khích trước thông tin về bà Harris.
“Họ muốn biết họ có thể làm gì và khi nào họ có thể bắt đầu, và họ có thể bắt đầu ngay bây giờ không”, ông nói.
Các cuộc bầu cử Mỹ trong thế kỷ XXI đã chứng kiến nhiều sự kiện gây xáo trộn lớn và không tuân theo quy tắc thường thấy, từ một doanh nhân nổi tiếng bước vào giới chính trị và có nhiều bê bối cá nhân, tới việc một đại dịch hoành hành khắp cả nước và khiến tổng thống phải nhập viện vài tuần trước ngày bầu cử. Dẫu vậy, năm 2024 vẫn là một năm đáng nhớ với những ai từ lâu đã theo dõi chính trị Mỹ.
“Tôi cho rằng đây là chương trình truyền hình thực tế điên rồ nhất mà bạn từng xem”, Ben Burnett, người dẫn chương trình và thường bình luận về bầu cử, nói.
Phương Linh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn