Tên lửa ATACMS trong một vụ phóng thử nghiệm. Ảnh: ESD.
Trong khi phương Tây còn đang tranh luận về vấn đề này, Nga đã có thời gian để chuẩn bị trong khi Ukraine phải chống đỡ các cuộc tấn công với một tay bị trói. Ngay cả hiện tại, Ukraine vẫn phải chịu một số hạn chế trong việc sử dụng vũ khí tầm xa.
"Đã quá muộn, muộn nhiều năm rồi. Có một sự thật hiển nhiên là Ukraine cần có khả năng tấn công hậu phương của Nga trong suốt nhiều năm", George Barros, một nhà phân tích về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) ở Mỹ, nói với hãng Business Insider.
Mục tiêu đã được di chuyển
Ukraine đã sử dụng ATACMS MGM-140, vũ khí của Lockheed Martin với tầm bắn tối đa khoảng 290 dặm (466 km), để tấn công Nga lần đầu tiên trong tháng này. Sau đó là tên lửa Storm Shadows của Anh. Đòn đánh đã được thực hiện, nhưng giới phân tích cho rằng quyết định tấn công tầm xa sẽ có hiệu quả cao hơn nếu được đưa ra từ sớm.
Matthew Savill, cựu nhà phân tích tình báo của Bộ Quốc phòng Anh, hiện là chuyên gia quân sự tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI), nói rằng "nhiều mục tiêu tốt nhất - máy bay trực thăng và máy bay trang bị bom lượn tấn công các thành phố và quân đội Ukraine ở phía bắc hoặc ở Kursk – phần lớn đã được Nga chuyển đến các căn cứ không quân nằm ngoài tầm bắn của ATACMS”.
Máy bay chiến đấu Nga mang bom lượn. Ảnh: IISS.
Quân đội Ukraine từng cố gắng tấn công các mục tiêu quan trọng đó – như kho đạn dược, sân bay và máy bay ném bom chiến đấu – bằng máy bay không người lái tầm xa được sản xuất trong nước để hạn chế các cuộc tấn công bằng bom lượn của Nga, nhưng tên lửa tầm xa chắc chắn sẽ có tác dụng lớn hơn.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói với hãng Politico vào tháng 8 rằng Nga đã di chuyển 90% số máy bay ném bom lượn ra khỏi phạm vi tấn công của ATACMS. Và một quan chức quốc phòng Trung Âu nói với Reuters trong tháng này rằng Nga đã di chuyển nhiều khí tài trên không của mình ra khỏi tầm bắn của vũ khí phương Tây.
Michael Bohnert, chuyên gia chiến tranh tại RAND Corporation, nói rằng sự thay đổi của chính quyền Biden không phải chỉ “muộn đôi chút” mà là “sự chậm trễ làm giảm thiểu hiệu quả của các cuộc tấn công bằng ATACMS”.
“Nếu Ukraine có thể tiêu diệt một số phi đội máy bay chiến đấu Su-34 và Su-35 vào đầu năm này, thì khả năng sử dụng bom lượn của họ nhằm vào Ukraine sẽ giảm đáng kể”, ông nói. Ukraine đã bị tấn công bởi hàng nghìn quả bom lượn dẫn đường trong suốt năm qua.
Đầu năm nay, ISW đã công bố bản đồ xác định gần 250 mục tiêu mà tên lửa ATACMS có thể tấn công bên trong lãnh thổ Nga. Hiện tại, nhiều trong số đó có thể không còn là mục tiêu khả thi.
Sự viện trợ muộn màng
Mỹ và các đồng minh khác đã nhiều lần bị chỉ trích vì sự chậm trễ và do dự trong việc cấp phép và viện trợ cho Ukraine.
Các binh sĩ ở Ukraine cho biết viện trợ của phương Tây đến theo dạng "mảnh vụn" khiến cho họ không thể lập kế hoạch dài hạn, không biết điều gì sẽ đến và khi nào. Một binh sĩ đang chiến đấu ở Ukraine nói rằng "có vẻ như mọi thứ chúng tôi có được đều đã quá muộn hoặc chỉ đủ để cầm cự".
Chiến đấu cơ F-16 được phương Tây viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Bloomberg.
Ukraine thường cuối cùng cũng nhận được những gì họ cần, nhưng hiếm khi nhận được ngay tại thời điểm họ thực sự cần. Và các loại vũ khí, chẳng hạn như máy bay F-16 và xe tăng tiên tiến, thường được cung cấp với số lượng nhỏ đến mức chúng không thể tạo ra sự khác biệt đáng kể. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng từng nói tương tự, phù hợp với đánh giá của các nhà phân tích.
Người đứng đầu NATO cũng chỉ trích các nước thành viên, nói rằng họ có thể làm nhiều hơn để giúp Ukraine. Sự do dự xuất phát từ nỗi sợ leo thang.
Nhà phân tích Barros lập luận rằng "Các lằn ranh đỏ mà Nga đưa ra là một phần trong nỗ lực của nước này nhằm tìm cách kiểm soát phản ứng của Mỹ và các đối tác, nhằm đáp ứng lợi ích của Nga".
Tấn công vào lãnh thổ Nga
Quyết định của Tổng thống Biden có thể muộn và tác động có thể bị hạn chế. Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ không có tác dụng.
Chuyên gia phân tích Bohnert nói rằng Ukraine hiện có thể sử dụng vũ khí phương Tây để cố gắng "làm gián đoạn hậu cần và khả năng di chuyển của các lực lượng Nga và Triều Tiên phản công ở Kursk", giúp lực lượng Ukraine tự do di chuyển hơn.
Ukraine đã tiến vào khu vực Kursk của Nga vào tháng 8, nơi quân đội của họ hiện đang chiến đấu với quân đội Nga và Triều Tiên.
Chuyên gia Savill nói rằng quyết định của ông Biden "vẫn để lại nhiều cơ hội tấn công các trụ sở quân sự và đạn dược hoặc các địa điểm cung cấp hỗ trợ quân đội Nga và Triều Tiên" nhưng "điều này sẽ giảm tác động nếu so với thời điểm Ukraine lần đầu tiên yêu cầu những vũ khí này".
Tên lửa ATACMS được phóng ra ra bờ biển phía đông trong cuộc tập trận tên lửa chung Mỹ-Hàn. Ảnh: Getty.
Gấp rút hỗ trợ Ukraine
Ông Biden đã tăng cường hỗ trợ cho Ukraine trước lễ nhậm chức của ông Trump bằng cách gấp rút viện trợ, nới lỏng các hạn chế và cung cấp hỗ trợ tài chính lớn hơn.
Ông Trump chưa công bố kế hoạch nhưng đã chỉ trích viện trợ của Mỹ cho Ukraine. Một số người, kể cả ở Ukraine, lạc quan rằng ông Trump có thể chấm dứt chiến tranh. Nhưng Tổng thống đắc cử Mỹ cũng ám chỉ việc tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình có thể khiến Ukraine làm những điều mà nước này không muốn, chẳng hạn như trao lãnh thổ cho Nga.
Ông Savill nói về quyết định gỡ bỏ giới hạn cho Ukraine của chính quyền Biden là "tác động có thể mang tính chính trị nhiều hơn, mặc dù cơ hội đang thu hẹp lại".
Ông nói rằng Ukraine cần phải "thuyết phục chính quyền sắp tới của Mỹ rằng họ vẫn đáng được ủng hộ - theo quan điểm giao dịch của Tổng thống Trump là một khoản đầu tư tốt”, đồng thời nói thêm rằng "họ nên thuyết phục ông ấy liên kết uy tín của ông và Mỹ với một chiến thắng, chứ không phải là một sự thỏa hiệp lớn khiến Mỹ thua".
Huyền Chi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn