Thổ Nhĩ Kỳ: Xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài hàng chục năm: Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ vừa cảnh báo, xung đột vũ trang Nga - Ukraine có nguy cơ kéo dài hàng chục năm nếu không có giải pháp đạt được thông qua đàm phán.
Xe tăng Ukraine nã pháo. Ảnh: New York Times.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng Nga và Ukraine tất yếu sẽ phải ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột này. Ông Cavusoglu đưa ra nhận định như vậy trong một hội nghị hôm 23/11.
Theo Ngoại trưởng Cavusoglu, Nga và Ukraine đã "tiến rất sát một thỏa thuận ngừng bắn" trong đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) nhưng rồi cả hai lại cùng rời xa bàn đàm phán. Cả hai vẫn chưa ngồi lại đàm phán với nhau kể từ cuối tháng 3.
Nhiều khu vực ở Ukraine mất điện sau cuộc tập kích tên lửa quy mô lớn của Nga: Nhiều khu vực của Ukraine đã bị mất điện sau đợt tập kích tên lửa mới nhất của Nga trong ngày 23/11 nhằm vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu của nước này.
Quân đội Ukraine cho biết, Nga đã phóng 70 quả tên lửa trong cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu của Kiev trong ngày 23/11. Các quả tên lửa được phóng từ 2 tàu nhỏ mang tên lửa và máy bay ở Biển Đen, từ máy bay Tu-95MS ở Volgodonsk ở miền Nam nước Nga và từ Biển Caspian.
Phía Ukraine đã đánh chặn 51 trong số 70 quả tên lửa cùng 5 cuộc tấn công bằng phương tiện không người lái.
Nga: Mục tiêu của chiến dịch là làm suy yếu tiềm lực quân sự của Ukraine: Nga sẽ tiếp tục hành động để làm suy yếu tiềm lực quân sự của Ukraine cho đến khi Kiev có lập trường thực tế về các cuộc đàm phán, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya nhận định.
Theo nhà ngoại giao Nga, các lực lượng của Nga đang nhắm đến các cơ sở hạ tầng của Ukraine nhằm phản ứng trước việc Kiev được phương Tây bơm vũ khí cũng như kêu gọi đánh bại Nga.
"Một trong những mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt là làm suy yếu khả năng chiến đấu của quân đội Ukraine. Điều đó sẽ đạt được bằng các phương tiện quân sự cho tới khi chính quyền Kiev thực hiện những bước đi thực tế, tham gia đàm phán và cố gắng giải quyết các vấn đề - vốn là những lý do khiến chúng tôi tiến hành chiến dịch này", Đại sứ Nga nhận định tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Mỹ viện trợ thêm quân sự trị giá 400 triệu USD cho Ukraine: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua cho biết, Mỹ đã đồng ý viện trợ thêm quân sự cho Ukraine, bao gồm vũ khí, đạn dược và thiết bị phòng không trị giá 400 triệu USD.
Theo thông tin từ Lầu Năm Góc, gói viện trợ quân sự mới này bao gồm các loại đạn bổ sung cho hệ thống phòng không NASAMS và hệ thống tên lửa pháo cơ động cao. Ngoại trưởng Blinken tuyên bố “đạn pháo, hỏa lực chính xác, tên lửa phòng không và các phương tiện chiến thuật mà Mỹ đang cung cấp sẽ phục vụ tốt nhất cho Ukraine trên chiến trường”.
Tổng thống Belarus cảnh báo Ukraine về nguy cơ “bị phá hủy hoàn toàn”: Ông Alexander Lukashenko - Tổng thống Belarus, vừa tố chính quyền Ukraine bác bỏ đàm phán hòa bình với Nga. Ông cảnh báo, nếu không đối thoại, Ukraine có nguy cơ “bị phá hủy hoàn toàn” trong cuộc xung đột quân sự với Nga.
Theo phản ánh của Hãng thông tấn BelTA, Tổng thống Belarus Lukashenko tuyên bố như sau ở Yerevan (Armenia): “Mọi thứ nằm trong tay của Ukraine”.
Anh lần đầu chuyển giao trực thăng cho Ukraine: Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace ngày 23/11 thông báo sẽ cung cấp máy bay trực thăng cho Ukraine, lần đầu tiên kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giềng.
Tuyên bố này được ông Wallace đưa ra trong chuyến thăm Na Uy, nơi ông gặp bộ trưởng quốc phòng của các nước đồng minh để thảo luận về vấn đề viện trợ cho Ukraine.
Các đồng minh NATO thử nghiệm hệ thống phòng không ở Romania: Các đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm thứ Tư đã tiến hành một cuộc tập trận quân sự để kiểm tra khả năng phòng thủ tên lửa và phòng không ở Rumani. Hoạt động này diễn ra một tuần sau khi tên lửa rơi ở Ba Lan và khiến hai người thiệt mạng.
Truyền trông Romania cho biết, các loại máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha và Mỹ được thiết kế cho việc tác chiến điện tử và máy bay phản lực Rafale của Pháp bay từ tàu sân bay Charles de Gaulle đã tham gia cuộc tập trận. Vụ tai nạn của tên lửa phòng không ở Ba Lan tuần trước đã cho thấy, NATO cần phải tăng cường hơn những lỗ hổng trong lá chắn phòng không của mình.
Nga cáo buộc NATO tiến hành "cuộc chiến ủy nhiệm" tại Ukraine: Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong phiên họp bất thường của HĐBA Liên Hợp Quốc đã kêu gọi sự ủng hộ đối với công thức hòa bình mà Kiev đề xuất nhằm chấm dứt xung đột với Nga.
Mũi đất Kinburn, nước cờ tiếp theo của Ukraine sau khi Nga rút khỏi Kherson: Sau khi Nga rút quân khỏi Kherson, Ukraine đang lên kế hoạch cho động thái tiếp theo, trong đó có các cuộc tấn công nhắm vào Mũi đất Kinburn có tầm quan trọng chiến lược.
Theo nhà quan sát Sam Mednick nhận định trên The Hill, bước đi tiếp theo của quân đội Ukraine có thể là tấn công vào sâu trong các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát cũng như thúc đẩy một cuộc tiến công áp sát Crimea. Trong khi đó, quân đội Nga tiếp tục xây dựng các công sự, trong đó có các hệ thống hào chiến gần biên giới của Crimea và một số khu vực giữa vùng Donetsk và Lugansk ở phía Đông.
Điện Kremlin nói chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sẽ kết thúc thành công: Hôm 23/11, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng không có gì nghi ngờ về kết quả thành công của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Trả lời câu hỏi liệu có đồng ý rằng tương lai của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) phụ thuộc vào sự thành công của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine hay không, ông Peskov nói: “Chúng tôi có thể đồng ý với điều này với sự đảm bảo rằng sự thành công của chiến dịch quân sự là điều không phải nghi ngờ”.
Phản ứng của Nga khi bị phương Tây nói là đang cạn kiệt vũ khí: Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 24/11 cho biết trái với kỳ vọng của "các đối thủ", Nga có đủ vũ khí để tiếp tục các cuộc tấn công ở Ukraine.
"Các đối thủ đang thống kê cẩn thận các bệ phóng và kho dự trữ của chúng tôi. Họ lẽ ra có đủ khôn ngoan để không hy vọng rằng các nguồn lực của chúng tôi sẽ cạn kiệt", ông Medvedev cho hay trên Telegram ngày 23/11, đồng thời khẳng định chiến dịch quân sự sẽ "tiếp tục" và Nga "có đủ vũ khí" cho tất cả binh lính./.
Trung Hiếu/VOV.VN tổng hợp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn