Yếu tố công nghệ then chốt giúp ông Trump đắc cử
Một trong các yếu tố then chốt giúp ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ được biết đến là vai trò đặc biệt quan trọng của truyền thông xã hội và các chiến dịch truyền thông số.
Ông Donald Trump đã tranh thủ được tỷ phú Elon Musk, người đã hết lòng dốc cả tiền bạc và tâm trí ủng hộ ông. Điều này không chỉ mang lại nguồn lực tài chính mà còn giúp ông Trump tận dụng hiệu quả nền tảng X (trước đây là Twitter) để truyền tải thông điệp trực tiếp tới rộng rãi các tầng lớp cử tri.
Elon Musk có thể sẽ đảm nhận một vị trí trong chính quyền mới của ông Trump. Ảnh: The Wrap
Elon Musk thừa nhận đã thay đổi thuật toán đề xuất trên mạng X, để khiến các bài đăng của cá nhân ông và các nội dung liên quan đến Donald Trump nổi bật hơn, từ đó thu hút nhiều lượt xem hơn.
Một cuộc điều tra của TWS cho thấy, thuật toán đề xuất nội dung của X đã ưu tiên tất cả bài đăng của những người ủng hộ Trump, gây bất lợi với Kamala Harris, đặc biệt tại các vị trí địa lý bang “chiến địa”.
Thuật toán đề xuất trên các mạng xã hội chỉ các tính năng hỗ trợ người dùng tiếp cận nội dung nhằm tối đa hóa thời gian sử dụng trên nền tảng đó.
Chẳng hạn, người dùng sẽ được đề xuất các nội dung theo sở thích của bản thân. Ngoài ra, các nội dung mang tính “giật gân” cũng dễ dàng được đề xuất nhiều hơn để thu hút sự chú ý người đọc.
Một báo cáo từ Tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm chống thù ghét kỹ thuật số (CCDH) cho thấy, các bài viết chính trị của Elon Musk từ tháng 7 đã thu hút 17,1 tỷ lượt xem, cao hơn gấp đôi tổng số lượt xem “quảng cáo chiến dịch chính trị” Mỹ trên X trong cùng kỳ.
Apple bị soán ngôi giá trị nhất thế giới
Trong phiên giao dịch ngày 5/11, cổ phiếu Nvidia tăng gần 3%, nâng mức vốn hóa thị trường lên 3,43 nghìn tỷ USD, cao hơn mức 3,4 nghìn tỷ USD của Apple.
Nvidia là công ty đại chúng lớn nhất thế giới với mức vốn hóa 3,43 nghìn tỷ USD. Ảnh: Bloomberg
Cổ phiếu Nvidia đã tăng gần gấp ba giá trị trong năm nay khi các nhà đầu tư tiếp tục đặt trọn niềm tin vào khả năng duy trì tăng trưởng của công ty nhờ các bộ xử lý đồ họa (GPU) và vị trí dẫn đầu trong thị trường AI.
Cổ phiếu Apple tăng khoảng 17% dù nhiều nhà phân tích nhận định bộ tính năng Apple Intelligence sẽ thúc đẩy doanh số iPhone và đưa “táo khuyết” đến vị trí lãnh đạo trong “AI tại biên”.
Nvidia là nhà cung cấp GPU – phần cứng dùng để phát triển và triển khai các phần mềm AI tiên tiến như ChatGPT - số 1 thế giới. 5 năm qua, cổ phiếu của hãng đã tăng hơn 2.700% và doanh thu tăng đều đặn.
Apple là công ty đầu tiên cán mốc vốn hóa 1 nghìn tỷ và 2 nghìn tỷ USD. Nvidia từng vượt Apple một lần vào tháng 6 trước khi về lại hạng hai trong mùa hè. Microsoft xếp thứ ba với vốn hóa gần 3,1 nghìn tỷ USD. Đây cũng là khách hàng lớn của Nvidia.
Mỹ tìm cách phá thế độc quyền của ASML
Chính phủ Mỹ vừa thông qua khoản tài trợ 825 triệu USD để xây dựng một trung tâm nghiên cứu phát triển thiết bị quang khắc siêu cực tím (EUV) đặt tại nước này, nhằm phá thế độc quyền của ASML.
Một nhà máy của ASML. Ảnh: Bloomberg
Trung tâm mới có tên EUV Accelerator, được đặt tại khu phức hợp Albany NanoTech Complex ở New York, là cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) đầu tiên thành lập dưới sự bảo trợ của Đạo luật CHIPS.
Với mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ, EUV Accelerator sẽ được trang bị những máy móc sản xuất chip tiên tiến nhất, cho phép các nhà nghiên cứu trong ngành hợp tác với các đối tác đào tạo đại học.
Trong khi đó, chính phủ Mỹ đánh giá EUV là một công nghệ quan trọng trong việc sản xuất chip tiên tiến và đặt mục tiêu làm chủ công nghệ này.
Khi đi vào hoạt động, EUV Accelerator dự kiến tập trung phát triển EUV khẩu độ số cao tiên tiến cũng như nghiên cứu các công nghệ khác dựa trên EUV.
Dự kiến, trung tâm cung cấp quyền truy cập vào EUV NA tiêu chuẩn vào năm sau và EUV High-NA vào năm 2026 cho các thành viên của Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia Mỹ (NTSC) và tổ chức Natcast
Bộ tứ ‘đại gia’ công nghệ Mỹ vung hàng trăm tỷ USD chạy đua AI
Vì cuộc đua AI, năm 2024, chi phí vốn của 4 hãng Internet và phần mềm lớn nhất thế giới – Amazon, Microsoft, Meta và Alphabet – sẽ cao kỷ lục, hơn 200 tỷ USD.
Các mẫu máy tính mang thương hiệu Copilot+ PC của Microsoft được bày bán tại Best Buy. Ảnh: Bloomberg
Trong báo cáo kết quả kinh doanh tuần trước, lãnh đạo của bốn hãng công nghệ hàng đầu thế giới đều cảnh báo nhà đầu tư về chi phí vốn tiếp tục tăng, thậm chí tăng mạnh.
Từ khi ChatGPT xuất hiện cuối năm 2022, doanh nghiệp toàn cầu đều chạy đua để mua được những con chip AI cao cấp khan hiếm và xây dựng những trung tâm dữ liệu khổng lồ để đáp ứng yêu cầu.
Tất cả đều tin rằng những khoản đầu tư khủng sẽ giúp việc kinh doanh trong tương lai đem lại lợi nhuận lớn hơn so với việc bán quảng cáo số, sản phẩm và phần mềm hiện tại.
Khi điện đàm với các nhà đầu tư hôm 31/10, CEO Amazon Andy Jassy gọi AI là “một loại cơ hội lớn bất thường, trăm năm có một”. Công ty dự đoán chi tiêu 75 tỷ USD trong năm 2024 để không bỏ lỡ cơ hội này.
Một ngày trước đó, CEO Meta Mark Zuckerberg cam kết tăng cường đầu tư vào mô hình ngôn ngữ lớn AI, cũng như các dự án viễn tưởng khác mà ông xem là cốt lõi đối với tương lai của công ty.
Chi phí vốn của Meta có thể đạt 40 tỷ USD trong năm nay. Trong khi đó, ngân sách vốn đầu tư của Alphabet cao hơn dự đoán của Phố Wall. Giám đốc tài chính Anat Ashkenazi cho biết, mức tăng còn lớn hơn đáng kể vào năm sau.
Apple cũng thề sẽ đầu tư vào AI, giới thiệu bộ dịch vụ mới như Apple Intelligence, song chưa thấm tháp vào đâu so với các đối thủ cùng ngành.
Hải Phong
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn