Tiktok đang chờ 'một hiệp sĩ mặc áo giáp sáng chói' hay thà đóng cửa chứ không 'bán mình'?

Thứ sáu - 26/04/2024 17:05
 

Trụ sở Tiktok tại bang California, Mỹ. (Nguồn: AFP)

Ngày 24/4, Tổng thống Mỹ ký thông qua luật buộc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 9 tháng hoặc phải dừng hoạt động tại Mỹ, một ngày sau khi Quốc hội phê duyệt dự luật và chuyển tới Nhà Trắng.

Hạn chót để ByteDance thoái vốn là 19/1/2025, một ngày trước khi ông Biden kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống, nhưng có thể gia hạn ba tháng nếu đánh giá ByteDance đạt được tiến bộ.

Không chỉ Mỹ, TikTok cũng đã vào "tầm ngắm" của các nước phương Tây do lo ngại nguy cơ dữ liệu người dùng rơi vào tay Trung Quốc. Các cơ quan an ninh Đức từng cảnh báo người dân không dùng TikTok.

Nền tảng video ngắn khẳng định, các cảnh báo này không có cơ sở, nhấn mạnh họ không thu thập dữ liệu nhiều hơn những ứng dụng khác.

Trong nhiều thập niên, Mỹ đã hạn chế quyền sở hữu nước ngoài đối với các phương tiện truyền thông truyền thống như đài phát thanh hoặc đài cáp. Đối với các nhà hoạch định chính sách, những hạn chế đối với TikTok là hợp lý.

TikTok có thể đang chờ đợi "một hiệp sĩ mặc áo giáp sáng chói" đến cứu để tiếp tục hoạt động kinh doanh tại Mỹ. Tuy nhiên, lượng người mua sẵn có rất ít. Tỷ phú Elon Musk đang bận rộn làm lại X, trước đây gọi là Twitter. Vậy ai sẽ vào cuộc? Điều gì sẽ xảy ra với 170 triệu người dùng ở Mỹ nếu TikTok không thể bán được?

Phản ứng của TikTok

Đây không phải là lần đầu tiên TikTok có khả năng bị bán tại Mỹ.

Năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump đã cố gắng ban hành lệnh hành pháp để buộc ByteDance - chủ sở hữu của TikTok - bán công ty con cho một chủ sở hữu người Mỹ.

Kể từ đó, TikTok cho biết đã phải nỗ lực rất nhiều để xóa dữ liệu về người dùng Mỹ khỏi máy chủ ByteDance và chuyển tất cả thông tin đó sang các máy chủ có trụ sở tại Mỹ - một động thái mà họ gọi là Dự án Texas. Về lý thuyết, điều này sẽ giúp dữ liệu không rơi vào sự giám sát của Trung Quốc.

Các nhà kinh doanh cho rằng, việc mua toàn bộ hoặc chỉ phần ở Mỹ của TikTok sẽ không phải là một giao dịch kinh doanh thông thường. Liệu ByteDance có còn là cổ đông lớn nắm quyền quyết định phía sau không?

Ông Milton Mueller, chuyên gia an ninh mạng tại Viện Công nghệ Georgia ở AtlantaMueller -người xem TikTok vài lần một tuần - cho rằng, việc mua-bán nền tảng này rất phức tạp.

Theo quan điểm của vị chuyên gia này: "Chính phủ Trung Quốc có thể không cho phép điều đó và không rõ sẽ thu được gì, hoặc thậm chí ý nghĩa của việc bán 'một phần' dịch vụ truyền thông xã hội được kết nối toàn cầu."

ByteDance dường như đã sẵn sàng cho một "cuộc chiến" pháp lý.

Trích dẫn bốn nguồn tin, hãng tin Reuters cho biết, ByteDance sẽ không thoái vốn TikTok cho bất kỳ công ty nào khác. Trong trường hợp xấu nhất, hãng Trung Quốc sẽ đóng cửa ứng dụng.

Một nguồn tin cho biết, TikTok ở Mỹ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu và số người dùng hoạt động hàng ngày của ByteDance. Do đó, việc nền tảng ngừng hoạt động tại đây "không tác động nhiều đến hoạt động kinh doanh".

Bên cạnh đó, ByteDance chấp nhận đóng cửa TikTok tại Mỹ vì "không muốn phải từ bỏ thuật toán cốt lõi của mình". Các thuật toán của nền tảng được coi là "món nước sốt bí mật" tạo nên thành công mà hiện không có công ty mạng xã hội nào có được.

Trước khi Tổng thống Mỹ ký thông qua luật buộc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 9 tháng hoặc phải dừng hoạt động tại Mỹ, ông Michael Beckerman, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách công của TikTok tại khu vực châu Mỹ khẳng định, công ty sẽ tìm mọi cách chống lại luật này tại tòa án để đảm bảo TikTok vẫn có thể tiếp tục hoạt động tại Mỹ.

Ông nói: "Vào thời điểm dự luật được ký để ban hành, chúng tôi sẽ đưa luật này lên tòa án để kháng cáo. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu vì luật này rõ ràng vi phạm quyền Tu chính án thứ nhất của 170 triệu người dùng TikTok tại Mỹ".

Một mặt hàng có giá trị lớn

Vấn đề bán-mua TikTok là vấn đề lớn và có nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Về phía TikTok, báo The Wall Street Journal nhận định, nếu ứng dụng chấp nhận "bán mình" thì sẽ phải tốn rất nhiều tháng để đàm phán. Đó là chưa kể chắc chắn nền tảng này sẽ kháng cáo lên tòa án về phán quyết của Tổng thống Mỹ Joe Biden, tương tự như những gì họ đã làm với quyết định của người tiền nhiệm Donald Trump trước đây.

Việc TikTok đã có lãi hay chưa cũng là vấn đề. Tháng 3/2023, CEO Shou Zi Chew của ứng dụng này đã thừa nhận, hãng chưa có lợi nhuận vì đang phải đổ hàng tỷ USD đầu tư hệ sinh thái tại Mỹ và Châu Âu.

Không chỉ thế, việc chia tách TikTok ở Mỹ với phần còn lại thế giới cũng có thể khiến ứng dụng này đi đến bờ vực đổ vỡ. Mỹ là thị trường lớn nhất và tiềm năng nhất của TikTok thì việc người mua-bán ở đây và bên ngoài nước Mỹ không thể liên hệ nhau qua nền tảng này sẽ khiến ứng dụng trở nên mất giá trị.

CEO Chew thừa nhận: "Nếu bạn là một người dùng Mỹ thì vẫn có thể mua bán hàng tại châu Âu trên TikTok. Thế nhưng khi luật mới thông qua thì tại sao mọi người lại phải sử dụng một nền tảng chẳng thể liên thông với nền kinh tế lớn nhất toàn cầu?"

Thêm vào đó, giới chuyên gia nhận thấy, bất kỳ lệnh cấm nào ở Mỹ chắc chắn sẽ dẫn đến những thách thức hiến pháp theo Tu chính án thứ nhất. Ông Mueller nói: “Người dùng Mỹ sẽ bị ngăn chặn phát ngôn, chứ không phải người nước ngoài hay chính phủ Trung Quốc”.

Sau đó là giá cả. Một số nhà phân tích cho rằng, bất chấp mọi khó khăn, hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ có thể bán được hơn 50 tỷ USD (tương đương 45,8 tỷ Euro). Chỉ có một số công ty có đủ khả năng chi tiêu số tiền đó, như Apple, Amazon, Google, Meta, Microsoft hay Netflix.

Tuy nhiên, cuối cùng, vấn đề lớn nhất không phải là việc kinh doanh tốt hay an ninh quốc gia. Dường như, vấn đề của TikTok còn liên quan đến cạnh tranh quyền lực rộng lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc - như lời chuyên gia an ninh mạng Milton Mueller đánh giá.

(theo DW, CNN)

Linh Chi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây