Kế hoạch đáng kinh ngạc của Microsoft nhằm tăng cường công suất trung tâm dữ liệu cho AI

Thứ tư - 17/04/2024 21:05
 

Tài liệu tiết lộ, kể từ tháng 7.2023, thời điểm bắt đầu năm tài chính mới nhất của Microsoft, gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã cung cấp hơn 500 megawatt công suất cho trung tâm dữ liệu mới.

Đây là một phần trong bản trình bày bí mật của nhóm Cloud Operations + Innovation thuộc Microsoft vào đầu năm nay.

Với tiêu đề “Nhu cầu về đám mây thương mại và AI: Thúc đẩy sự mở rộng của chúng ta”, tài liệu lưu ý rằng Microsoft đã vượt qua 5 gigawatt tổng công suất trung tâm dữ liệu được lắp đặt trong nửa đầu năm tài chính mới nhất.

AI tạo sinh và các mô hình ngôn ngữ lớn trỗi dậy đang thúc đẩy sự bùng nổ của các trung tâm dữ liệu mới. Microsoft đang dẫn đầu lĩnh vực AI thông qua quan hệ đối tác với OpenAI, công ty khởi nghiệp đằng sau chatbot ChatGPT và mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4.

Những mô hình AI này cần được đào tạo dựa trên lượng lớn dữ liệu và sau đó tinh chỉnh kỹ lưỡng. Việc đó cần hàng ngàn GPU (bộ xử lý đồ họa) và hàng loạt thiết bị liên quan khác được đặt trong các trung tâm dữ liệu khổng lồ. Những trung tâm này sử dụng nhiều năng lượng đến mức công suất của chúng được đo bằng megawatt và gigawatt điện.

Theo Shaolei Ren, giáo sư kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học California ở Riverside (bang California, Mỹ), công suất trung tâm dữ liệu được lắp đặt đến 5 gigawatt của Microsoft tương đương với mức tiêu thụ năng lượng hàng năm của Hồng Kông hoặc Bồ Đào Nha.

“Tốc độ đáng kinh ngạc”

Không dừng lại ở đó, Microsoft thậm chí còn vạch ra các kế hoạch tăng trưởng triệt để hơn cho các trung tâm dữ liệu của mình trong tài liệu mà Insider thấy được.

“Với hoạt động kinh doanh đám mây thương mại phát triển mạnh mẽ, mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng”, Microsoft tuyên bố trong phần trình bày slide này. Cụ thể hơn:

- Microsoft muốn tăng gấp đôi công suất trung tâm dữ liệu mới trong nửa cuối năm tài chính của mình. Quá trình này diễn ra từ đầu 2024 đến giữa năm nay.

- Trong nửa đầu năm tài chính 2025 của Microsoft (kéo dài từ đầu tháng 7 đến cuối 2024), công ty đặt mục tiêu “đạt mức tăng trưởng gấp 3 lần” về công suất của trung tâm dữ liệu mới. Điều này sẽ yêu cầu Microsoft phải cung cấp hơn 200 megawatt công suất cho trung tâm dữ liệu mỗi tháng.

“Đó là tốc độ đáng kinh ngạc. Đây là công suất trung tâm dữ liệu rất lớn", Shaolei Ren nói với Insider.

Shaolei Ren giải thích, các kế hoạch công suất của Microsoft cho thấy công ty đang nhận thấy nhu cầu rất lớn hoặc đơn giản là muốn duy trì tính cạnh tranh bằng cách đảm bảo có công suất điện trong tương lai mà các đối thủ có thể lấy mất.

Theo ông, điều này cũng đặt ra câu hỏi về tác động đến môi trường từ việc xây dựng thêm một trung tâm dữ liệu lớn như vậy, do lượng khí thải carbon và mức tiêu thụ nước ở cơ sở này.

Người phát ngôn của Microsoft từ chối bình luận.

Bên trong một trung tâm dữ liệu hỗ trợ dịch vụ đám mây của Microsoft - Ảnh: Internet

Ngoài ra, Microsoft cũng đang đảm bảo có số lượng GPU kỷ lục để xử lý khối lượng công việc AI mới trong các trung tâm dữ liệu.

Trong nửa cuối năm ngoái, Microsoft đã cung cấp "lượng GPU ở mức kỷ lục", tăng hơn gấp đôi tổng số GPU đã được lắp đặt của mình, tài liệu nêu rõ mà không đề cập đến con số thực tế.

Số lượng và phạm vi GPU của Microsoft đã mở rộng sang thêm 39 trung tâm dữ liệu trong giai đoạn này. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ hiện có nhóm các máy tính được kết nối và tối ưu hóa để thực hiện các tác vụ AI hoạt động tại 98 địa điểm trên toàn cầu.

Amazon dự chi 148 tỉ USD vào các trung tâm dữ liệu vì sự bùng nổ AI, duy trì lợi thế trước Microsoft

Amazon, đối thủ của Microsoft, dự 148 tỉ USD trong 15 năm tới cho các trung tâm dữ liệu, mang lại cho gã khổng lồ điện toán đám mây sức mạnh để xử lý nhu cầu bùng nổ với các ứng dụng AI và dịch vụ kỹ thuật số khác.

Việc chi tiêu mạnh tay là sự phô trương sức mạnh khi Amazon đang tìm cách duy trì sự thống trị của mình trên thị trường dịch vụ đám mây, nơi hãng nắm giữ gấp đôi thị phần so với công ty đứng thứ 2 là Microsoft. Tăng trưởng doanh số của Amazon Web Services (AWS), đơn vị điện toán đám mây của Amazon, đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2023 do các khách hàng doanh nghiệp cắt giảm chi phí và trì hoãn các dự án hiện đại hóa. Hiện tại, việc chi tiêu bắt đầu tăng trở lại và Amazon đang muốn đảm bảo đất đai, điện cho các cơ sở khổng lồ tiêu tốn nhiều năng lượng của mình.

Kevin Miller, Phó chủ tịch AWS - người giám sát các trung tâm dữ liệu của công ty, cho biết: “Chúng tôi đang mở rộng công suất khá đáng kể. Tôi nghĩ điều đó giúp chúng tôi có khả năng tiếp cận gần hơn với khách hàng”.

Trong hai năm qua, Amazon đã cam kết chi 148 tỉ USD để xây dựng và vận hành các trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới, theo thống kê của hãng tin Bloomberg. Công ty có kế hoạch mở rộng các trung tâm máy chủ hiện có ở phía bắc bang Virginia và bang Oregon cũng như mở rộng sang các khu vực mới, bao gồm bang Mississippi (Mỹ), Ả Rập Saudi và Malaysia.

Khoản chi theo kế hoạch của Amazon cho các trang trại máy chủ vượt xa các cam kết công khai từ Microsoft và Google, dù cả hai công ty này đều không tiết lộ chi tiêu liên quan đến trung tâm dữ liệu thường xuyên như Amazon. Người phát ngôn Microsoft, Google từ chối cung cấp số liệu so sánh và nói thêm rằng mỗi công ty có thể đưa ra các chi phí khác nhau trong ước tính của họ.

Trang trại máy chủ là tập hợp các máy chủ được kết nối với nhau để cung cấp các dịch vụ và tài nguyên cho người dùng. Đây là cơ sở hạ tầng quan trọng cho điện toán đám mây, giúp các doanh nghiệp và cá nhân truy cập vào các ứng dụng, dữ liệu và tài nguyên điện toán mà không cần sở hữu hoặc quản lý phần cứng của riêng họ.

Trong bối cảnh Amazon cắt giảm chi phí rộng rãi hơn, chi tiêu vốn của AWS cho các trung tâm dữ liệu đã giảm 2% vào năm 2023, ngay cả khi Microsoft tăng chi tiêu lên hơn 50%, theo hãng nghiên cứu Dell'Oro Group. Tuy nhiên, giám đốc tài chính Amazon cho biết vào tháng trước rằng chi tiêu vốn của công ty sẽ tăng trong năm 2024 để hỗ trợ AWS tăng trưởng, gồm cả các dự án liên quan đến AI.

Phần lớn việc mở rộng trung tâm dữ liệu của Amazon là nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng với các dịch vụ như lưu trữ file và cơ sở dữ liệu. Thế nhưng, cơ sở vật chất, cùng với những chip tiên tiến và đắt tiền, cũng sẽ cung cấp sức mạnh tính toán khổng lồ cần thiết cho sự bùng nổ về AI.

Microsoft (nhà đầu tư lớn nhất cho OpenAI) và Google được coi là những công ty hàng đầu trong việc thương mại hóa phần mềm có khả năng tạo văn bản và phân tích. Thế nhưng, Amazon đang xây dựng các công cụ của riêng mình để cạnh tranh với ChatGPT và đã hợp tác với các công ty khác để cung cấp dịch vụ AI bằng máy chủ của mình. Nhờ đó, Amazon kỳ vọng sẽ thu về hàng chục tỉ USD doanh thu liên quan đến AI.

Nhiều hãng điện lực Mỹ chuẩn bị ứng phó với nhu cầu điện tăng vọt từ các trung tâm dữ liệu dành cho AI

Nhiều công ty điện dự đoán nhu cầu khổng lồ từ các trung tâm dữ liệu cung cấp năng lượng cho công nghệ mới như AI tạo sinh. Một số công ty dự báo doanh số điện tăng gấp nhiều lần so với ước tính chỉ vài tháng trước.

9 trong số 10 công ty điện lực hàng đầu Mỹ cho biết các trung tâm dữ liệu là nguồn tăng trưởng khách hàng chính, khiến nhiều hãng phải điều chỉnh lại kế hoạch chi tiêu vốn và dự báo nhu cầu, theo phân tích của Reuters về báo cáo kết quả kinh doanh từ các công ty trong quý 1/2024. Ở cùng thời kỳ báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023, chỉ có 2 trong số 10 công ty đề cập đến các trung tâm dữ liệu.

Jim Lydotes, người đứng đầu bộ phận thu nhập vốn cổ phần của Newton Investment Management, nói: “Tăng trưởng sẽ đạt tốc độ nhanh hơn so với những thập kỷ trước”.

Newton Investment Management là đơn vị thuộc BNY Mellon IM, đang chuyển cổ phần nắm giữ trong các hãng điện lực châu Âu sang các công ty Mỹ. BNY Mellon IM là công ty quản lý hơn 2.000 tỉ USD tài sản toàn cầu.

Sơn Vân

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây