Chuyển đổi số 'chìa khóa vàng' cho ngành du lịch

Thứ sáu - 08/11/2024 15:05
 

Trong xu thế chuyển đổi số tác động mạnh mẽ đến mọi ngành kinh tế, du lịch nổi lên như một trong những lĩnh vực tiên phong ứng dụng công nghệ số để tối ưu hóa quy trình và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trên thực tế, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), thực tế ảo (VR) cùng nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến khác đã tạo ra bước đột phá trong trải nghiệm du lịch, giúp du khách dễ dàng khám phá và lựa chọn các dịch vụ một cách thuận tiện và phong phú.

Để chia sẻ về tác động và tiềm năng của công nghệ số trong ngành du lịch, vừa qua tại buổi tọa đàm “Giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong kinh doanh dịch vụ du lịch”, do Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức, các chuyên gia và doanh nghiệp đã nhấn mạnh rằng việc ứng dụng công nghệ số là yếu tố sống còn để nâng cao trải nghiệm khách hàng và tăng cường sức cạnh tranh. TS. Nguyễn Phong Sơn, Tổng giám đốc Công ty Neurond AI chia sẻ, chuyển đổi số và AI không chỉ là xu hướng mà còn là giải pháp thiết yếu, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình vận hành từ việc đặt vé, quản lý phòng cho đến phân tích dữ liệu khách hàng nhằm xây dựng chiến lược tiếp thị hiệu quả.

Hiện, các nền tảng trực tuyến và công cụ tiếp thị số đang tạo điều kiện để doanh nghiệp du lịch mở rộng thị trường toàn cầu, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể sử dụng facebook, instagram, google để tiếp cận khách hàng mà không cần đầu tư lớn vào quảng cáo. Điều này, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu sai sót mà còn gia tăng khả năng phản hồi nhanh chóng theo nhu cầu của khách hàng…

Robot du lịch được giới thiệu tại một sự kiện của ngành du lịch tổ chức ở Đà Nẵng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt AnGroup, cho rằng chuyển đổi số giúp nâng cao tính an toàn và minh bạch trong ngành du lịch. Nhờ vào các hệ thống bảo mật trực tuyến hiện đại, thông tin cá nhân và giao dịch của khách hàng được bảo vệ tốt hơn, tạo dựng niềm tin và uy tín cho doanh nghiệp. Việc số hóa quy trình và dữ liệu cũng hỗ trợ doanh nghiệp kiểm soát rủi ro từ khâu đặt dịch vụ đến các hoạt động trong chuyến đi, đảm bảo quyền lợi cho cả khách hàng và doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, các công nghệ như AI và VR còn giúp khách hàng “thử nghiệm” trước điểm đến qua hình ảnh 360 độ hoặc các tour du lịch ảo. Nhờ đó, du khách có cái nhìn trực quan và chân thực, giúp họ đưa ra quyết định đặt dịch vụ nhanh chóng và an tâm hơn về lựa chọn của mình.

Trong kế hoạch phát triển dài hạn, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 90% doanh nghiệp du lịch tại thành phố ứng dụng công nghệ số trong quản lý và dịch vụ. Bà Lê Thị Ái Diệp, Trưởng phòng Quản lý cơ sở lưu trú thuộc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và mở rộng các nền tảng số để quảng bá, nhằm giữ vững thị trường truyền thống đồng thời phát triển thêm các thị trường mới. Đặc biệt, việc đổi mới công nghệ sẽ giúp truyền thông du lịch Đà Nẵng đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước thông qua các hình thức sáng tạo, linh hoạt.

Sở Du lịch Đà Nẵng cũng kêu gọi các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nắm bắt xu thế, đổi mới mô hình kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của thời đại số hóa. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào đào tạo kỹ năng công nghệ cho nhân viên để hướng tới mô hình quản lý hiện đại, nâng cao hiệu quả hoạt động và tận dụng cơ hội phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Rõ ràng, chuyển đổi số đang trở thành “chìa khóa vàng” giúp các doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng và trên cả nước nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường và duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chỉ khi nắm bắt và phát huy tiềm năng của công nghệ, ngành du lịch mới có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời đại kỹ thuật số đầy tiềm năng này.

Nghi Lộc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây