'An toàn thông tin trong kỷ nguyên số'

Thứ ba - 26/11/2024 07:05
 

Tọa đàm “An toàn thông tin trong kỷ nguyên số” nhằm nhấn mạnh những lợi thế của nền kinh tế số, cùng những thách thức, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an toàn thông tin.

Tọa đàm sẽ nêu lên thực trạng về an toàn thông tin trong nền kinh tế số và đưa ra những giải pháp để bảo vệ các cá nhân, tổ chức, DN.

Tọa đàm quy tụ nhiều diễn giả, khách mời, chuyên gia uy tín như GS.TS Võ Xuân Vinh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, ĐH Kinh tế TP HCM); TS. Lê Vệ Quốc (Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp); Thượng tá Lê Thanh Hải (Phó phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP HCM); TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng (Trưởng bộ môn Khoa Luật Hình sự, ĐH Luật TP HCM)... cùng gần 70 vị khách mời đến từ các cơ quan chuyên ngành, cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

Trước đó, tại Tọa đàm “Xây dựng chính sách pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân” diễn ra mới đây, lãnh đạo Bộ Công an nhận định, cuộc Cách mạng lần thứ 4 phát triển với quy mô và tốc độ chưa từng có. Dữ liệu đã trở thành nguồn tài nguyên mới, động lực phát triển mới của các quốc gia, của kỷ nguyên số. Nhưng dữ liệu đồng thời cũng là đối tượng mà tội phạm hướng đến để thực hiện hành vi phạm tội; xâm phạm quyền con người, quyền công dân, vi phạm pháp luật, an ninh, trật tự.

Theo thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới, với 80 triệu người dùng internet, chiếm 2/3 dân số, đứng thứ 7 thế giới. Thực tế ấy đặt ra “bài toán” thời cơ và thách thức rõ ràng cho việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng.

Năm 2023, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam ghi nhận có 13.900 vụ tấn công mạng. Các đối tượng lừa đảo qua mạng với số tiền 8.000 - 10.000 tỷ đồng. Tỉ lệ người dùng thiết bị di động, mạng xã hội... nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến đến 73%.

Nguyên nhân của vấn nạn trên, ngoài việc tội phạm mạng với thủ đoạn tinh vi; còn có lý do từ lỗ hổng an ninh về bảo mật, nhận thức hạn chế của cá nhân, tổ chức về bảo mật thông tin. Một số người còn thờ ơ, dễ dãi trước việc cung cấp thông tin mà không có những điều kiện về bảo mật. Vì vậy, bảo vệ dữ liệu trong thời đại số giống như bảo vệ “trái tim” và “bộ não” của mỗi cá nhân, tổ chức.

Về pháp lý, hiện nay, Việt Nam có những quy định tại Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng, Nghị định 53/2022/NĐ-CP quy định chi tiết Luật An ninh mạng; Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng… nhằm tạo hành lang pháp lý thực hiện quyền bảo mật thông tin trên mạng, bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ hệ thống thông tin, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia pháp lý, trong hệ thống văn bản pháp luật quy định về bảo mật thông tin trên mạng, hiện còn một số vấn đề cần hoàn thiện về thẩm quyền, điều kiện xử lý thông tin cá nhân; phương thức, trình tự thủ tục bảo vệ thông tin cá nhân; thẩm quyền của cơ quan có trách nhiệm xử lý thông tin cá nhân...

Tọa đàm “An toàn thông tin trong kỷ nguyên số” sẽ được tổ chức ngày 27/11 tại Khách sạn Mường Thanh (TP HCM). (Ảnh: Phương Thảo)

TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng (Trưởng bộ môn Luật Hình sự, ĐH Luật TP HCM) nhận định, hiện nay, quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân được nêu tại Nghị định 13/2023/NĐ-CP và một số văn bản pháp luật khác, nhưng còn thiếu quy định về quyền được khôi phục dữ liệu cá nhân, quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba... “Cần một đạo luật về vấn đề này, chứ không chỉ là văn bản dưới luật. Tôi cho rằng yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần xây dựng, ban hành “Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân” nhằm tạo khung pháp lý để bảo đảm việc bảo vệ thông tin cá nhân, xử lý triệt để các vi phạm”, TS. Hồng nói.

Bùi Yên - Giang Trường

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây