Luật sư Trương Đức Trung
*Luật sư Trương Đức Trung – Văn phòng Luật sư Phong & Partners trả lời:
Mất mát người thân là nỗi đau không gì có thể bù đắp được. Nhưng đáng buồn hơn, khi nỗi đau ấy chưa kịp nguôi ngoai, người ở lại phải đối mặt với cảnh tranh giành nhau vì số tài sản mà người đã khuất để lại. Trong bối cảnh này, nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến việc thừa hưởng di sản, trong đó có vấn đề về quyền hưởng di sản thừa kế của các thành viên. Như trường hợp anh H.S hỏi, khi ba anh mất, nhiều người băn khoăn liệu cháu nội có được quyền hưởng di sản từ ông bà hay không. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân mà còn tác động sâu sắc đến tình cảm gia đình và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
Theo quy định pháp luật, việc phân chia di sản thừa kế sẽ được thực hiện dựa trên di chúc hợp pháp của người mất; trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp, di sản thừa kế sẽ được phân chia theo pháp luật. Ở đây, khi xác định phần di sản để phân chia, anh H.S cần phải xác định rõ phần di sản của bà nội và phần di sản của ông nội. Trong trường hợp ông bà nội của anh H.S mất không để lại di chúc thì phần di sản của ông và bà sẽ được phân chia theo pháp luật.
Thứ nhất, phần di sản thừa kế của bà nội sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật dân sự năm 1995. Theo đó, Bộ luật dân sự (BLDS) năm 1995 quy định:
“Điều 678. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1- Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
Điều 679. Người thừa kế theo pháp luật
1- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
2- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Điều 688. Phân chia di sản theo pháp luật
2- Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật, thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được, thì hiện vật được bán để chia.
Điều 648. Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế
Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Có thể thấy, thừa kế theo pháp luật là sự dịch chuyển tài sản của người đã mất cho những người còn sống dựa trên quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng. Khi người chết không để lại di chúc, tài sản của họ được phân chia cho những người thừa kế, pháp luật quy định những người trong hàng thừa kế thứ nhất là đối tượng ưu tiên được thừa hưởng phần di sản của người mất để lại. Hàng thừa kế này bao gồm vợ hoặc chồng của người mất; cha mẹ của người mất; con cái của người mất.
Vào thời điểm bà nội của anh H.S mất năm 2000, phần di sản của bà được xác định gồm một nửa trong số tài sản chung của ông và bà nội anh; phần tài sản riêng của bà (nếu có). Phần này sẽ được chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất gồm chồng (tức ông nội của anh H.S), chú Hai, cô Ba, ba của anh H.S và ba, mẹ của bà nội (nếu còn sống vào thời điểm mở thừa kế).
Theo quy định tại Điều 648 BLDS năm 1995, thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Như vậy, tính đến nay đã quá thời hiệu khởi kiện theo quy định của BLDS năm 1995. Tuy nhiên, trong phần III của giải đáp vướng mắc số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016 của Tòa án nhân dân tối cao có nội dung như sau:
“1. Khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015 quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Quy định này có áp dụng đối với trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 01-01-2017 (ngày BLDS năm 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành) hay không?
Điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 quy định: đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực thì “Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”. Như vậy, kể từ ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực thi hành, Tòa án áp dụng quy định tại Điều 623 BLDS năm 2015 để xác định thời hiệu đối với trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 01-01-2017. Tuy nhiên, cần lưu ý quy định tại khoản 2 Điều 688 BLDS năm 2015: “Không áp dụng Bộ luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự trước ngày Bộ luật này có hiệu lực.”
Áp dụng giải đáp vướng mắc nêu trên, đối với trường hợp thừa kế mở từ ngày 10/9/1990 đến trước ngày 01/01/2017 (ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực), thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản được tính từ thời điểm mở thừa kế. Như vậy, trường hợp của gia đình anh H.S vẫn còn thời hiệu để yêu cầu Tòa án phân chia phần di sản là bất động sản mà bà nội anh để lại.
Thứ hai, phần di sản mà ông nội anh để lại được phân chia dựa trên quy định của pháp luật dân sự năm 2015. Cụ thể, BLDS năm 2015 quy định:
“Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
Điều 649. Thừa kế theo pháp luật
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
Điều 652. Thừa kế thế vị
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
Nhìn chung, pháp luật dân sự về thừa kế năm 1995 và năm 2015 không có sự khác biệt quá lớn đối với những quy định này. Phần di sản mà ông nội anh để lại được xác định bao gồm: phần tài sản trong khối tài sản chung với bà nội, phần tài sản riêng của ông (nếu có) và phần di sản ông được hưởng thừa kế từ bà. Khi ông nội anh H.S mất thì những người thừa kế theo pháp luật gồm: chú Hai, cô Ba và ba của anh.
Trường hợp ba của anh H.S mất trước ông nội, phần di sản mà ba anh đáng ra được hưởng từ khối di sản của ông nội anh sẽ được chuyển cho người thừa kế thế vị. Điều 652 BLDS năm 2015 quy định rõ, người thừa kế thế vị được xác định là cháu hoặc chắc của người để lại di sản. Tức là trong trường hợp này, anh H.S là người thừa kế thế vị của ba anh để được thừa hưởng phần di sản mà đáng lẽ ra ba anh có quyền được hưởng từ khối di sản của ông nội anh nếu ba anh còn sống.
Theo thông tin anh H.S cung cấp, hiện nay chú và cô của anh H.S đang muốn chia phần di sản mà ông bà nội anh để lại và không chia phần cho anh. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thừa kế, ba anh được hưởng một phần từ số di sản bà nội để lại và khi ba anh mất trước ông nội, anh sẽ được hưởng phần di sản mà lẽ ra ba anh sẽ được hưởng từ di sản của ông nội anh nếu ba anh còn sống. Vì vậy, việc các cô chú không cho anh hưởng di sản thừa kế của ông bà nội với lý do ba anh mất đã lâu, mẹ con anh không còn liên quan đến số di sản này là trái quy định pháp luật.
Để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp này, anh H.S nên có trao đổi cụ thể với chú Hai và cô Ba về quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật. Có thể các cô chú không am hiểu pháp luật thừa kế, chưa nhận thức rằng việc họ ngăn cản quyền được hưởng thừa kế của anh là vi phạm pháp luật, do đó anh H.S nên giải thích để họ hiểu. Đồng thời, anh cũng cần trình bày với cô chú của mình rằng mặc dù ba của anh mất đã lâu, nhưng mẹ và anh vẫn sống cùng ông bà nội, chăm lo, phụng dưỡng ông bà lúc ốm đau, già yếu, tình cảm gia đình vẫn khắng khít, anh và mẹ vẫn luôn là một phần của gia đình này. Vì vậy, việc anh hưởng phần di sản thừa kế của ông bà nội thay cho ba là lẽ bình thường.
Trong trường hợp đã trao đổi, giải thích nhưng chú và cô của anh vẫn nhất quyết không chấp nhận, anh H.S có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tòa án có thẩm quyền sẽ ra quyết định và phân chia di sản thừa kế. Thông thường, trong trường hợp của anh H.S, Tòa án sẽ phân chia di sản thành 3 phần đồng đều cho chú Hai, cô Ba và anh H.S.
Theo thông tin anh H.S chia sẻ, gia đình anh đã chung sống với ông bà từ lâu ở căn nhà này, do đó, cần phải xác định được ba và mẹ của anh có đóng góp công sức trong quá trình xây dựng và tôn tạo căn nhà này hay không. Pháp luật luôn xem xét các yếu tố thực tế như công sức tôn tạo, gìn giữ di sản, công sức chăm sóc người để lại di sản,… để phân chia phần di sản một cách công bằng và hợp lý. Trong trường hợp ba mẹ của anh H.S có đóng góp vào việc xây dựng căn nhà này, Tòa án sẽ xác định phần công sức đóng góp dựa trên chứng cứ chứng minh và có quyết định phân chia tương xứng với phần đóng góp. Anh H.S có thể trình bày với Tòa về mong muốn được tiếp tục sống tại căn nhà để thờ cúng ông bà và ba. Ngoài ra, trong trường hợp phần di sản là căn nhà có giá trị cao hơn so với phần di sản mà chú Hai và cô Ba của anh được hưởng, anh H.S cũng cần đưa ra được phương án giải quyết thấu tình đạt lý.
Trên đây là toàn bộ chia sẻ của Luật sư về trường hợp của anh H.S, có thể thấy, đây là một trường hợp phân chia di sản khá phức tạp, nếu không thể thỏa thuận được với người nhà, anh H.S nên cần có sự hỗ trợ từ phía Luật sư chuyên về di chúc, thừa kế để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của anh và mẹ anh.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn