Những nguy cơ tiềm ẩn với ô tô mùa nắng nóng

Thứ năm - 08/06/2023 10:25
 

Nắng nóng là nguyên nhân gián tiếp gây cháy xe

Khoảng tháng 5/2023, khi thời tiết nắng nóng bắt đầu, tình trạng cháy xe liên tiếp xảy ra tại Hà Nội. Chỉ trong 2 ngày 17 và 18/5, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận có tới 3 vụ cháy ô tô. Trong đó, có 2 xe đang lưu thông và 1 xe dừng đỗ.

Cháy ô tô ngày 18/5 khi đang lưu thông trên địa bàn huyện Phúc Thọ

Trao đổi với PV Xe Giao thông, PGS. TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, về cơ bản nắng nóng không thể gây cháy ô tô bởi xe được thiết kế để vận hành bình thường ở điều kiện thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, khi thời tiết nắng nóng, cộng hưởng với một số nguyên nhân do cách sử dụng xe, sơ suất thì có thể sẽ dễ cháy hơn.

PGS. TS Trần Văn Như, Trưởng bộ môn Cơ khí ô tô (Trường ĐH GTVT) cũng cho biết, ô tô thông thường, dù xe xăng hay xe điện đều được thiết kế để có thể vận hành, không cháy khi điều kiện thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt.

“Hầu hết nếu lửa xuất phát từ khoang động cơ đều do yếu tố sử dụng gây ra. Động cơ khi hoạt động, nhiệt độ bên trong khoang động cơ cao nhưng khi thời tiết bình thường sẽ dễ tản nhiệt hơn. Nhưng trời nắng nóng, nhiệt độ động cơ cao thì bên trong khoang động cơ sẽ rất nóng do tản nhiệt bị kém. Ô tô đấu nối dây điện, sử dụng băng dính điện thông thường có thể bị nhiệt độ cao tác động dẫn đến chảy băng dính. Khi đó, nguy cơ chập cháy do điện đấu nối không an toàn, dẫn đến cháy xe”, PGS. TS Như nhận định.

PGS. TS Trần Văn Như cũng cho biết, nếu cháy bên trong khoang nội thất cũng do yếu tố sử dụng. Ví dụ để bật lửa bên trong xe nhiệt độ cao có thể phát nổ. Vì vậy không nên để những vật dụng dễ phát nổ bên trong xe khi đỗ dưới thời tiết nắng nóng.

PGS. TS Đàm Hoàng Phúc cũng lưu ý một số chủ xe có thói quen để các vật trang trí bằng thủy tinh, trong suốt có dạng hình cầu, hay kính trên xe. Ở điều kiện có nắng chiếu vào, những vật dụng trên có thể trở thành thấu kính hội tụ gây cháy bên trong khoang nội thất. Vì vậy cũng cần chú ý không để những vật dụng này ở trên xe.

Nhiều bộ phận trên ô tô có thể xuống cấp dưới tác động của nắng nóng

Ô tô xuống cấp nếu thường xuyên chịu nắng nóng

Bên cạnh việc có thể gián tiếp gây cháy xe, thời tiết nắng nóng cũng là tác nhân gây hại đến nhiều chi tiết trên ô tô nếu không được chủ xe bảo quản, chăm sóc đúng cách.

Theo PGS. TS Nguyễn Thành Công, Phó trưởng bộ môn Cơ khí ô tô (Đại học GTVT), trên ô tô có nhiều loại vật liệu làm của linh kiện sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao do ô tô để ngoài trời nắng nóng.

“Có thể kể tới như vật liệu làm từ cao su, nhựa hoặc da... Khi nắng nóng, nhiệt độ tại các khu vực có bố trí các linh kiện đó tăng cao dẫn tới cao su bị giảm khả năng đàn hồi, nhựa bị nóng chảy, lớp vật liệu bằng da thay đổi cơ tính bề mặt giảm độ bền và tuổi thọ”, PGS.TS Công nói thêm.

Hàng loạt chi tiết bị ảnh hưởng

Bên cạnh đó, khi nhiệt độ tăng cao còn có thể ảnh hưởng tới một số tính năng làm việc trên ô tô như bề mặt sơn (ánh nắng mặt trời có thể ảnh hưởng tới lớp sơn phủ bảo vệ vỏ ô tô, làm cho lớp bảo vệ bề mặt sơn bị ăn mòn và màu sơn mau xuống cấp, nhạt hoặc ố mầu); Ảnh hưởng tới hoạt động của ắc-quy (thời tiết nóng có thể ảnh hưởng tới hoạt động phản ứng hóa học trong ắc-quy, tức là hạn chế việc duy trì điện tích không đủ cung cấp điện cho hệ thống. Cùng với đó là sự tăng công suất tải của hệ thống khi nắng nóng phải sử dụng điều hòa, quạt gió...) hay lốp xe (thời tiết nóng làm cho không khí bên trong nở ra, gây ra hiện tượng căng phồng quá mức và trong những trường hợp khắc nghiệt thì thành lốp có thể bị phồng lên).

Sự quá nhiệt là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng ắc quy “chết sớm”

Ngoài ra, một số hệ thống trên xe như hệ thống làm mát và điều hòa cũng có thể bị ảnh hưởng. Hệ thống làm mát dựa vào chất làm mát/ chất chống đông để giữ cho các bộ phận của động cơ luôn ở nhiệt độ cho phép. Khi nắng nóng, chất lỏng này lưu thông trong thân động cơ với nhiệt độ cao hơn, khiến một số bộ phận của động cơ quá nóng và hỏng hóc. Các vấn đề về hệ thống làm mát có nhiều khả năng xảy ra hơn khi lái xe ở tốc độ thấp, khi có ít không khí lưu thông qua quạt ở phía trước xe để làm mát bộ tản nhiệt.

Còn hệ thống điều hòa khi nắng nóng sẽ phải thường xuyên hoạt động với công suất cao, nhanh dẫn tới giảm độ bền và tuổi thọ nếu không được thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng.

"Khi trời nắng nóng, chủ xe nên chọn đỗ ô tô ở nơi râm mát, dùng các thiết bị che phủ ô tô hoặc không đỗ xe ở ngoài trời nắng quá lâu. Đồng thời cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống làm mát, lốp xe, điều hòa, khi thấy có dấu hiệu bất thường nên đưa xe đến các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ô tô để kiểm tra khắc phục", PGS. TS Nguyễn Thành Công khuyến cáo.

Thanh Tùng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây