Bệnh ung thư cổ tử cung có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó bao gồm cả những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và còn có mong muốn sinh con. Vì vậy vấn đề bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung có mang thai được không trở thành câu hỏi nhận được rất nhiều sự quan tâm.
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính, xảy ra do sự phân chia bất thường của các tế bào ở cổ tử cung. Nguyên nhân thúc đẩy chính của bệnh ung thư cổ tử cung được cho là do bị nhiễm virus HPV thuộc các tuýp 16, 18, 45 và 56.
Bệnh ung thư cổ tử cung có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, trung bình các bệnh nhân được chẩn đoán bệnh ở độ tuổi 50. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mà bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung từ khi còn rất trẻ, khi mới chỉ có 20 tuổi.
Ung thư cổ tử cung tiến triển âm thầm, phần lớn các bệnh nhân đều không hề có triệu chứng gì khi mới mắc bệnh. Cho đến khi bệnh có biểu hiện rõ ràng (chảy máu âm đạo bất thường, đau vùng chậu, đau lưng, có khối u vùng chậu...) thì đã tiến triển đến giai đoạn muộn, khó điều trị và có tiên lượng xấu.
Do đó, vấn đề tầm soát ung thư cổ tử cung sớm là vấn đề rất được chú trọng hiện nay. Bởi việc tầm soát thường xuyên có thể giúp phát hiện bệnh ngay từ những giai đoạn ban đầu. Từ đó cải thiện tiên lượng điều trị của bệnh nhân, hoặc thậm chí điều trị bệnh khỏi hẳn.
Các phương pháp điều trị bệnh ung thư cổ tử cung thường được sử dụng bao gồm phẫu thuật cắt bỏ khối u, hóa trị, xạ trị... Tùy theo tình trạng của bệnh nhân mà các phương pháp này có thể được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp chung với nhau để tăng hiệu quả điều trị.
Bệnh ung thư cổ tử cung có thể xảy ra ở cả các bệnh nhân có độ tuổi rất trẻ và còn ở trong độ tuổi sinh sản. Chính điều này khiến cả người bệnh và gia đình của họ lo lắng về vấn đề mang thai của bệnh nhân, không biết liệu mắc bệnh ung thư cổ tử cung có mang thai được không?
Rất khó để đưa ra câu trả lời chung về vấn đề này cho tất cả các bệnh nhân. Nhưng nhìn chung, việc một phụ nữ sau khi được chẩn đoán ung thư cổ tử cung có mang thai được không sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như sau:
- Độ tuổi của người bệnh khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung.
- Sức khỏe tổng thể và khả năng sinh sản cơ bản của bệnh nhân.
- Giai đoạn bệnh khi được chẩn đoán.
- Phương pháp điều trị mà bệnh nhân được áp dụng.
- Thời gian bệnh nhân điều trị.
Với những bệnh nhân mắc bệnh giai đoạn đầu, các tổ chức ung thư và những phương pháp điều trị tối thiểu sẽ ít gây ảnh hưởng đến ham muốn tình dục, khả năng mang thai của người bệnh. Do đó, những bệnh nhân này vẫn có khả năng mang thai hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn nặng hơn, vấn đề mang thai có thể sẽ trở nên khó khăn hơn. Bởi vì không chỉ sự xâm nhập, lan rộng các tế bào ung thư làm ảnh hưởng đến tử cung của người bệnh, mà các phương pháp điều trị tích cực cũng có thể tác động xấu đến khả năng sinh sản. Do đó, những bệnh nhân này thường cần phải nhờ đến các phương pháp hỗ trợ sinh sản để có thể mang thai.
Khi người bệnh lo lắng về các hậu quả của điều trị có thể làm ảnh hưởng đến khả năng mang thai của bệnh nhân, người bệnh có thể lựa chọn mang thai trước khi thực hiện điều trị.
Trong trường hợp này, các bệnh nhân sẽ được tiến hành các can thiệp tối thiểu và ít xâm lấn đến tử cung, và các cơ quan khác của hệ sinh dục, chẳng hạn như đốt laser, đốt điện, phẫu thuật khoét chóp...
Người bệnh khi này sẽ mang thai và sinh nở như những người phụ nữ bình thường khác. Sau khi đã sinh nở thành công thì các điều trị tiêu chuẩn của bệnh ung thư cổ tử cung mới bắt đầu được áp dụng.
Vấn đề điều trị có thể gây ảnh hưởng đến khả năng mang thai của bệnh nhân, sự phát triển của thai nhi và an toàn của thai kỳ. Do đó, lựa chọn mang thai khi đang điều trị ung thư là một quyết định thận trọng sau khi đã được xem xét đầy đủ.
Phương pháp điều trị có thể được áp dụng trong giai đoạn mang thai thường được áp dụng là điều trị bằng hóa chất. Điều trị bằng hóa chất trong thời gian mang thai không làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của trẻ sau khi sinh. Tuy nhiên nó có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, suy giảm phát triển nhận thức...
Do đó, phương pháp này thường chỉ được bắt đầu áp dụng khi bệnh nhân mang thai từ tam cá nguyệt thứ hai trở đi.
Còn nếu trường hợp bệnh nhân đã từng điều trị trước đó thì lời khuyên được đưa ra là người bệnh nên mang thai sau khi ngưng các phương pháp điều trị trước đó như hóa trị, xạ trị trong ít nhất từ 6 tháng đến 2 năm. Điều này sẽ giúp các tác dụng phụ của điều trị còn tồn đọng được giải quyết hết trước khi người bệnh mang thai, hạn chế tối đa ảnh hưởng bất lợi lên thai kỳ.
Có thể nói, việc mang thai đối với người bị ung thư cổ tử cung còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Để đảm bảo mang thai thành công, an toàn cho sức khỏe, người bệnh cần chia sẻ và tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn