Tuyệt chiêu "trị" con khóc nhè nơi công cộng

Thứ năm - 09/01/2025 15:00
 

Ở chỗ đông người, “vũ khí” của trẻ nếu muốn đòi hỏi yêu cầu gì đó thường là khóc nhè. Vậy nên, nhiều cha mẹ tỏ ra bối rối, dẫn đến thỏa hiệp với con.

Tuyệt chiêu "trị" con khóc nhè nơi công cộng - Ảnh 1.

Khi con khóc đòi hỏi vô lý, bố mẹ hãy lắng nghe và giải thích cho con hiểu vì sao đòi hỏi đó được hay không. Ảnh minh họa: INT.

Trẻ coi nước mắt là “vũ khí”

Trẻ em rất thông minh. Nếu nhận thấy việc mình khóc có thể khiến bố mẹ đáp ứng được nhu cầu, chúng sẽ biết cách khiến bố mẹ khó xử.

Khi trẻ ở nơi công cộng, nếu chúng đòi hỏi một thứ gì đó là điều bình thường, nhưng cha mẹ cần phải có phản ứng phù hợp giúp con mình bình tĩnh, nín khóc và hiểu ra vấn đề.

Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm - Trường THCS Thống Nhất (Hà Nội) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ hay khóc nhè. Có thể, con xem mình là trung tâm và phản ứng lại rất tiêu cực khi không hài lòng điều gì đó. Đây là một trong những biểu hiện của đứa trẻ được nuông chiều trong quá khứ.

Nếu hồi nhỏ con được người lớn bao bọc, được đáp ứng mọi thứ, thì khi lớn lên con cảm thấy hiển nhiên mình vẫn được như vậy. Khi không chấp nhận việc trái ý, con sẽ gào khóc nhằm buộc người lớn phải làm theo ý mình.

Trẻ khóc có thể do thiếu cảm giác an toàn. Con cảm thấy mọi người đang “lơ” mình, chúng sẽ khóc để đòi hỏi sự chú ý, ra tín hiệu với cha mẹ. Điều quan trọng là người lớn nắm bắt và dỗ dành con kịp thời. Nếu để tình trạng con cảm thấy thiếu an toàn trong thời gian dài, trẻ sẽ rất cô đơn, buồn tủi.

Ngoài ra, ngay cả trẻ lớn vẫn khóc, đó là chúng muốn quyết định, tự làm nhưng năng lực lại không đủ. Khi đó con cảm thấy bất lực và tủi thân, đan xen thêm chút bực bội.

Đối với trẻ 1 - 3 tuổi, bố mẹ cần giải thích đơn giản và rõ ràng. Trẻ không thể nhớ và hiểu một cách logic. Trẻ 3 - 5 tuổi nhạy cảm hơn nhiều. Người lớn nên sử dụng các đánh giá tiêu cực một cách cẩn thận, hiểu cảm xúc và suy nghĩ của con mình.

“Trẻ lớn rồi còn khóc nhè đều có nguyên nhân của nó, trong đó có cả tâm lý muốn được thừa nhận năng lực của mình. Vì vậy cha mẹ cần hiểu và đừng lấy cái quyền mình là người lớn và con buộc phải nghe theo. Thói quen này rất dễ phản tác dụng và thậm chí làm tổn thương trẻ”, nữ giáo viên Trường THCS Thống Nhất cho biết và chia sẻ, thay vì nói “con không được làm thế này” thì hãy nói “con nên làm thế kia” sẽ hiệu quả hơn.

Tuyệt chiêu "trị" con khóc nhè nơi công cộng - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: INT.

Cần thiết lập nguyên tắc

Việc trẻ hay khóc ở nhà sẽ dễ dàng đối phó hơn ở nơi công cộng. Nhiều cha mẹ chia sẻ rất bực bội khi cứ đến chỗ đông người là con lại khóc lóc, đòi hỏi. Muốn “trị” được, chuyên gia cho rằng cha mẹ cần có tuyệt chiêu.

ThS Phạm Kim Huê - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen (Hà Nội) cho biết, nếu con nhiều lần khóc ở nơi công cộng, cha mẹ hãy thảo luận trước với con rằng mình đang cân nhắc xem nơi sắp đến có thích hợp đưa trẻ theo hay không?

Khi trẻ khóc nhè, vòi vĩnh, không chỉ ảnh hưởng đến cha mẹ mà còn làm phiền người khác xung quanh. Đặc biệt là những nơi trang trọng, mọi người cần giữ trật tự, không được gây tiếng ồn. Chính vì vậy, trước khi ra ngoài, cha mẹ hãy xác định xem có nên dẫn con theo không? Nếu dẫn theo con cần phải thỏa thuận với đứa trẻ như thế nào, chẳng hạn như nói với con: “Nếu con hứa rằng mình sẽ ngoan, ngồi chơi trật tự thì mẹ mới dẫn con đi”.

Khi con khóc ở quán ăn, siêu thị để đòi mua đồ chơi, hoặc vòi vĩnh món đồ gì đó,... trước tiên phụ huynh nên giữ bình tĩnh và nhẹ nhàng dẫn trẻ rời khỏi nơi đó. Hãy tìm một góc yên tĩnh, ít người chú ý để vỗ về cảm xúc tiêu cực của trẻ. Sau đó hãy chỉ cho con hiểu hành động của chúng sai ở đâu và con cần làm gì. Đây cũng là cách di chuyển sự chú ý của trẻ để cha mẹ thuận lợi dỗ dành hơn.

Dù trẻ đã lớn hơn so với giai đoạn sơ sinh nhưng ở một độ tuổi nhất định của trẻ em thì năng lực phân biệt các tình huống vẫn chưa tốt. Thế nên, chúng chỉ biết gào khóc thật to để đòi hỏi cha mẹ đáp ứng nguyện vọng. Do đó khi ở nhà, người lớn có thể thường xuyên cho trẻ xem tranh ảnh, sách báo, hướng dẫn và giải thích cho con nơi nào thì được vui chơi, nơi nào cần giữ im lặng. Những điều này tuy chỉ mới là kiến thức về mặt câu chữ nhưng cũng tạo tiền đề để trẻ tăng hiểu biết khi gặp ở thực tế đời sống.

Cũng theo cô Huê, bố mẹ nên đồng cảm và tôn trọng cảm xúc của trẻ. Hỗ trợ về mặt tinh thần không phải là dỗ dành trẻ nín khóc mà để hiểu được cảm xúc hiện tại của chúng. Ví dụ, một đứa trẻ khi nhìn thấy món đồ chơi yêu thích, nếu mẹ không đồng ý mua, chúng sẽ cảm thấy buồn và thậm chí khóc.

Người mẹ có thể nói với trẻ rằng: “Mẹ biết con thích món đồ chơi này, nhưng hôm nay chúng ta không có kế hoạch mua nó. Mẹ cũng biết con sẽ buồn, nếu con muốn khóc thì hãy khóc một lúc”. Khi trẻ ổn định cảm xúc, bố mẹ có thể giải thích vì sao không mua thứ đó. Nếu trẻ hiểu được việc khóc là tốn công vô ích, chúng sẽ nín khóc ngay lập tức.

Bên cạnh đó, bố mẹ nên kiên quyết nói không ngay từ đầu, có ranh giới rõ ràng đâu là yêu thương, đâu là điều không được phép làm. Một khi thiết lập các nguyên tắc, thì điều đó cần được tuân thủ và thực hiện một cách nhất quán, không thể phá vỡ chỉ vì tiếng khóc của trẻ.

Theo Boldsky.com, khi con khóc nơi đông người, cha mẹ hãy nói giọng trầm và êm dịu, điều đó có thể giúp trẻ bình tĩnh trở lại. Cố gắng sử dụng giọng điệu mềm mại, nhẹ nhàng và tránh cao giọng. Ngoài ra, một cái ôm hoặc một cái vỗ nhẹ vào lưng có thể an ủi trẻ đang gặp khó khăn. Nên cho trẻ biết cha mẹ luôn đồng hành để hỗ trợ và mọi việc sẽ ổn.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây