Nguy hiểm trào lưu anti vaccine

Thứ hai - 13/01/2025 15:00
 

Thời gian gần đây không ít dịch bệnh đã bắt đầu xuất hiện trở lại do một số nguyên nhân, bao gồm tỷ lệ tiêm chủng giảm sút. “Anti vaccine” (chống tiêm chủng) là trào lưu trên mạng ảo, nhưng đang ảnh hưởng đến cuộc sống thật, đặc biệt là trẻ em.

Nguy hiểm trào lưu anti vaccine - Ảnh 1.

Tiêm vaccine là cách phòng, chống và kiểm soát các dịch bệnh tốt nhất. Ảnh: Dương Toàn.

Quay lưng với vaccine…

Được xem là một trong những tiến bộ vĩ đại nhất của y học hiện đại, thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ ra, vaccine đã cứu sống hàng triệu người mỗi năm. Nhờ vaccine, các bệnh dịch đã được kiểm soát tốt, số trẻ tử vong sau tiêm do các bệnh hiểm nghèo đã giảm xuống mức thấp nhất. Bất chấp những thực tế đó, vẫn còn một bộ phận người dân phản đối tiêm vaccine.

Trên mạng xã hội, nhiều bài viết có nội dung “anti vaccine” với những thông tin sai lệch, vô căn cứ gây hoang mang trong cộng đồng, khiến nhiều người bị dao động, gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác tiêm chủng phòng dịch bệnh. Trào lưu này không chỉ tác động đến những người trưởng thành, mà còn ảnh hưởng đến trẻ em và thai phụ.

Bệnh sởi bùng phát thời gian qua tại Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương được các chuyên gia phân tích do tỷ lệ tiêm vaccine thấp. Ghi nhận tại các cơ sở điều trị cho thấy, số trẻ mắc sởi được ghi nhận chủ yếu là trẻ ở độ tuổi 4 tháng tuổi đến 8 tuổi. Nhiều trẻ khi vào viện đã bị biến chứng viêm phổi, viêm thanh quản, chưa ghi nhận trường hợp nặng như viêm não. Nhiều trẻ mắc sởi chưa đến tuổi tiêm vaccine; một số trẻ tiêm không đầy đủ; trẻ bị bỏ sót mũi tiêm.

Ca bệnh điển hình, cháu N.P.Đ., (28 tháng tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM), sốt cao 3 ngày rồi nổi ban, mẹ bé cho nhập Bệnh viện Nhi Đồng 1. Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, từ khi được 4 tháng tuổi đến nay, nghe theo trào lưu “anti-vaccine” trên mạng, chị đã không cho con tiêm phòng, sợ con về ốm nhiều hơn. Vì vậy chị ở nhà chăm sóc con đồng thời ít cho bé tiếp xúc với người lạ để khỏi bị lây nhiễm bệnh, nhưng bé Đ. vẫn mắc sởi.

Trên nhiều hội nhóm, những người phản đối vaccine tin rằng vaccine có thể gây hại cho cơ thể, làm suy giảm khả năng miễn dịch tự nhiên, hoặc thậm chí gây ra những vấn đề như tự kỷ, vô sinh. Những quan điểm này ngày càng lan rộng, không chỉ từ những nguồn thông tin không chính thống mà còn từ những người có ảnh hưởng trong xã hội.

Thống kê từ Bệnh viện Nhi đồng 2 cho thấy, hầu hết trẻ nhập viện với các biến chứng của sởi đều không được tiêm vaccine. Một số trẻ chưa được tiêm vaccine vì lý do phụ huynh quên lịch hoặc sức khỏe của trẻ không đảm bảo vào ngày hẹn tiêm. Đáng chú ý, trong số những trẻ chưa tiêm vaccine, khoảng 10 - 12% có cha mẹ nằm trong hội nhóm chống tiêm chủng (anti vaccine). Hầu hết những phụ huynh này thuộc nhóm người tri thức và gia đình chỉ có một con.

Theo WHO, trào lưu chống vaccine là một trong những mối đe dọa lớn đối với sức khỏe toàn cầu. Việc không tiêm vaccine có thể dẫn đến việc bùng phát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đe dọa không chỉ sức khỏe cá nhân mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng.

Nguy hiểm trào lưu anti vaccine - Ảnh 2.

Cho trẻ uống vaccine Rota tại Phòng Khám, Tư vấn Tiêm chủng (Bệnh viện Nhi Trung ương). Ảnh: Đức Trân.

Sớm nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine

Theo các chuyên gia y tế, bệnh sởi có tỷ lệ lây truyền cao nhất trong tất cả các bệnh lý truyền nhiễm. Hiện nay, công tác điều trị chỉ mới tập trung vào hậu quả do bệnh sởi gây ra chứ chưa thể tiêu diệt được virus gây bệnh. Vì vậy, việc nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine sởi trong cộng đồng là cách duy nhất để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Ở Việt Nam, tỷ lệ tiêm chủng hiện nay vẫn chưa đạt được mức như mong đợi. Thực tế, sự tái bùng phát của các dịch bệnh tưởng chừng như đã được kiểm soát như sởi, bạch hầu, ho gà, viêm gan B... là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy tác động của việc từ chối tiêm vaccine.

Trao đổi về trào lưu “anti vaccine” hiện nay, PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Việc sáng chế ra các vaccine là những thành tựu y học rất quan trọng đối với nhân loại. Dựa vào vaccine, chúng ta đã thanh toán được rất nhiều bệnh mà những bệnh này đã gây đại dịch trên thế giới, ví dụ như bệnh đậu mùa. Do vậy, sống vừa thuận theo tự nhiên, những điều đúng đắn, phần khác chúng ta hãy cho con của mình được hưởng những thành tựu của y học để con sống khỏe hơn. Có thể đến thăm những em bé bị ho gà, hay sởi, hiện đang nằm tại Bệnh viện Nhi Trung ương và hỏi các bà mẹ con mình tiêm phòng hay không thì sẽ hiểu được không tiêm vaccine cho trẻ sẽ nguy hiểm thế nào?”.

Các chuyên gia y tế cho biết, bản chất của vaccine là chế phẩm sinh học chứa các kháng nguyên từ mầm bệnh (virus, vi khuẩn), đã được xử lý để không gây bệnh nhưng vẫn kích thích hệ miễn dịch sản sinh kháng thể, giúp cơ thể có khả năng chống lại bệnh tật. Khi tiêm vaccine, hệ miễn dịch sẽ nhận diện các kháng nguyên này như một “kẻ xâm nhập” và sản xuất ra các kháng thể đặc hiệu. Nếu sau này cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh thật, hệ miễn dịch sẽ chủ động sản sinh các các kháng thể nhanh chóng tiêu diệt mầm bệnh, giúp cơ thể ngăn ngừa bệnh tật.

BS Trần Huỳnh Tấn - Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết: Vaccine hoạt động dựa trên cơ chế “bắt chước” quá trình nhiễm trùng tự nhiên của cơ thể. Khi tiêm vaccine vào cơ thể, cơ thể sẽ nhận diện các thành phần kháng nguyên có trong vaccine là những “kẻ lạ mặt” đột nhập vào cơ thể. Từ đó, hệ thống miễn dịch của cơ thể sản sinh ra các kháng thể đặc hiệu nhằm trung hòa các thành phần kháng nguyên từ vaccine. Sau khi hệ thống miễn dịch hoàn thành việc sản xuất kháng thể sẽ tiếp tục tạo ra các tế bào lympho có khả năng ghi nhớ. Những tế bào này đóng vai trò như “trí nhớ” miễn dịch, giúp cơ thể nhận diện và đối phó nhanh chóng với tác nhân gây bệnh trong tương lai. Quá trình này giống như một buổi huấn luyện đặc biệt, giúp hệ miễn dịch “diễn tập” đối phó với các nhiễm trùng tự nhiên, đảm bảo rằng khi gặp lại các kháng nguyên này, cơ thể có thể phản ứng ngay lập tức và hiệu quả, ngăn ngừa bệnh tật và loại bỏ mầm bệnh trước khi chúng kịp gây hại.

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng từ 85 - 95% người được tiêm vaccine sẽ phát triển miễn dịch đặc hiệu chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm, sởi, bạch hầu, ho gà... Không chỉ bảo vệ cá nhân, việc tiêm vaccine còn giúp bảo vệ cộng đồng, ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tật.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang ngày càng trở nên phức tạp và khó lường, tiêm vaccine không chỉ là quyền lợi cá nhân, mà còn là nghĩa vụ đối với xã hội. Việc tiêm vaccine giúp duy trì hiệu ứng miễn dịch cộng đồng, bảo vệ những đối tượng yếu thế như trẻ em, người già, và những người có hệ miễn dịch yếu.

Mặc dù một số người lo ngại về các tác dụng phụ của vaccine, hầu hết các phản ứng chỉ là tạm thời như sốt nhẹ hoặc sưng tấy tại vị trí tiêm. Các phản ứng nghiêm trọng rất hiếm gặp và không thể lấy đó làm lý do để phủ nhận lợi ích to lớn của vaccine trong việc phòng ngừa bệnh tật.

TS.BS Quan Thế Dân - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trí Đức Thành (Thanh Hóa):

Tiêm chủng đúng lịch

Ở Việt Nam không có những phong trào anti vaccine lớn như phương Tây, nhưng qua một số trang mạng xã hội, các tư tưởng anti vaccine âm thầm lan rộng. Những người theo trường phái này thoải mái cho đăng những thông tin khó kiểm chứng. Chỉ cần gõ Google từ khóa "anti vaccine" sẽ cho ra rất nhiều ý kiến, kể cả trang Facebook kêu gọi chống tiêm vaccine. Các ý kiến còn dẫn cả một số ca tử vong sau tiêm để đổ tội cho vaccine. Đáng lo nhất là nhiều người đọc và bình luận kiểu: "Trước nay tin tưởng vaccine, giờ mới biết nó nguy hiểm thế".

Thời gian gần đây một số dịch bệnh đã bắt đầu thấy xuất hiện trở lại, do một số nguyên nhân bao gồm vấn đề tỷ lệ tiêm chủng giảm sút. Tháng 8 vừa qua, Thanh Hóa công bố dịch bạch hầu ở Mường Lát, TPHCM công bố dịch sởi. Điểm lại các ca mắc thì đều thấy trẻ chưa được tiêm phòng hoặc quên không tiêm nhắc lại. Các địa phương đang tổ chức chiến dịch tiêm vaccine bổ sung diện rộng để ngăn dịch. Một số bệnh truyền nhiễm khác cũng bắt đầu rải rác xuất hiện. Vì vậy, từ góc nhìn của một bác sĩ, tôi cho rằng cha mẹ của trẻ nên theo dõi các thông tin chính thống của ngành y tế, tránh bị tác động xấu của phong trào anti vaccine. Đưa con đi tiêm chủng đúng lịch là hành động tốt nhất để bảo vệ con mình trước các bệnh truyền nhiễm. Tác dụng của tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm đã được khẳng định chắc chắn. Khi tiêm vaccine sẽ có một tỷ lệ rất nhỏ rủi ro xuất hiện phản ứng, nhưng ngược lại lợi ích bảo vệ vượt trội so với những rủi ro này. Để phòng tránh các rủi ro khi tiêm thì nên tiêm tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện cấp cứu.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây