Ăn nhạt có lợi cho sức khỏe, khi nấu ăn cha mẹ nên hạn chế sử dụng muối và đường. Trong gia đình có trẻ nhỏ đang ở tuổi phát triển, ngoài hạn chế muối và đường, có một số loại gia vị khác cần cẩn trọng, không nên cho trẻ em ăn.
1. Rượu nấu ăn
Mối lo ngại chính: Cồn
Trẻ em không được phép uống rượu. Tuy nhiên, đối với một số món ăn như cá, thịt, người ta thường cho thêm rượu nấu ăn để khử mùi tanh. Trên thực tế, bất kể loại rượu nào, chỉ cần thêm vào món ăn, trẻ em cũng có thể tiêu thụ cồn trong đó.
Khi sử dụng rượu nấu ăn, nếu nấu liên tục dưới 1 giờ, khoảng 25-75% lượng cồn sẽ vẫn còn lại trong thức ăn, trừ khi nấu lên đến 3 giờ trở lên, mới có thể loại bỏ hoàn toàn.
Đối với trẻ em, 0% cồn là an toàn nhất. Do đó, tốt nhất là không nên cho trẻ em ăn các món ăn có sử dụng gia vị chứa cồn. Khi nấu cho trẻ, người mẹ có thể dùng hành, gừng, tỏi, chanh... thay thế rượu nấu để khử mùi, tăng hương vị.
Tất nhiên, rượu nấu ăn thường có độ cồn không cao và lượng sử dụng trong món ăn cũng rất ít. Nếu trẻ từng ăn các món ăn có sử dụng rượu nấu, cha mẹ cũng không cần quá lo lắng, chỉ cần cố gắng ăn ít hơn là được.
2. Hạt nêm, bột ngọt
Mối lo ngại chính: Natri
Hạt nêm, bột ngột là những loại gia vị phổ biến để tăng hương vị cho món ăn, cả 2 đều chứa lượng natri (sodium) đáng kể. Tuy nhiên, hàm lượng natri trong hạt nêm và bột ngọt vẫn thấp hơn so với muối.
Ví dụ, trong 5g hạt nêm có khoảng 1.200mg natri, còn 5g bột ngọt (glutamate monosodium) thì có khoảng 700mg natri.
Mỗi ngày nếu tiêu thụ quá 2.000mg natri thì sẽ làm tăng nguy cơ cao huyết áp, từ đó tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Đối với trẻ em, giới hạn natri hàng ngày sẽ thấp hơn một chút, ví dụ theo hướng dẫn hiện tại của Hội đồng Nghiên cứu Y tế và Y học Quốc gia Úc (NHMRC):
- Trẻ 1-3 tuổi, giới hạn natri hàng ngày là 1.000mg
- Trẻ 4-8 tuổi, giới hạn natri hàng ngày là 1.400mg
Vì vậy, khi nấu ăn, cha mẹ cần lưu ý các loại hạt nêm và bột ngọt có hàm lượng natri tương đối cao.
3. Nước tương
Mối lo ngại chính: Natri cao
Các loại nước tương, kể cả những loại gọi là "nước tương dành cho trẻ em", đều chứa hàm lượng natri không hề thấp.
"Nước tương dành cho trẻ em" có giá bán đắt hơn nước tương thông thường, nhưng hàm lượng natri vẫn rất đáng kể, mỗi 15ml có tới 1.250mg natri.
Ngoài ra, một số loại nước tương còn được giới thiệu bổ sung sắt. Nhưng thực ra, việc bổ sung này là không cần thiết. Vì vậy, dù nước tương trẻ em được bổ sung thêm gì đi nữa, nó vẫn là nước tương, trẻ ít ăn hoặc không ăn là tốt nhất.
4. Tương ớt, đồ chua
Mối lo ngại chính: Natri cao
Tương ớt và đồ chua cũng là những gia vị mà các gia đình thường sử dụng. Hàm lượng natri trong 2 loại này không hề thấp. Trong 100g tương ớt có tới 8.000mg natri.
5. Nước sốt cà chua
Mối lo ngại chính: Nhiều đường và muối
Sốt cà chua mang lại cảm giác là một sản phẩm lành mạnh vì được làm từ cà chua. Tuy nhiên, sốt cà chua thực sự là một loại gia vị có hàm lượng đường và muối cao. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), mỗi 100g sốt cà chua chứa 23,5g đường và 941mg natri.
Trong một gói nhỏ 15ml sốt cà chua, có khoảng 5g đường.
Tóm lại, mặc dù các loại gia vị trên đều là thực phẩm an toàn, không độc hại và trẻ em ăn cũng không gây nguy hiểm ngay lập tức. Tuy nhiên, muối và các loại gia vị này không tốt cho một chế độ ăn uống lành mạnh của trẻ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn