Trong dịp Tết Nguyên Đán, bên cạnh niềm vui sum họp đầu năm cũng có không ít những tình huống dở khóc dở cười xoay quanh vấn đề lì xì. Dưới đây là chia sẻ của một người mẹ ở Trung Quốc gây xôn xao cư dân mạng.
Theo đó, cô Lâm về nhà bố mẹ đẻ ăn Tết, anh trai và chị dâu cũng đã đến. Các con cô chơi cùng với 3 đứa trẻ nhà anh chị rất vui vẻ. Lúc này, chị dâu lấy ra một phong bao lì xì đưa cho con gái cô Lâm rồi nói: "Con phải cố gắng học tập nhé".
Thấy chị dâu đã lì xì cho con mình, cô Lâm cũng nghĩ tới việc lì xì lại nên lấy ra 3 phong bao đựng 200 tệ (700 nghìn đồng). Được biết, cô có thói quen lì xì cho mỗi đứa cháu của mình 200 tệ, dù lớn hay nhỏ, bất kể có bao nhiêu đứa cháu, cô vẫn không thay đổi.
Sau khi lì xì xong, con gái cô Lâm nhờ mẹ cầm giúp phong bao lì xì của mình rồi chạy đi chơi. Lúc này, cô cảm nhận được bên trong có khá nhiều tiền, phong bao dày cộm nên cô đoán phải nhiều hơn 200 tệ.
Người chị dâu nghe nói con gái cô Lâm năm nay sẽ vào lớp 1 nên đã động viên cô bé bằng một bao lì xì lớn trị giá 1.000 tệ (3,4 triệu đồng).
Khi biết được điều này, cô Lâm có chút khó xử, trong khi chị dâu lì xì con mình 1000 tệ mà mình chỉ lì xì lại con của chị dâu có 600 tệ. Cô lo sợ những đứa trẻ sẽ phân bì, tị nạnh nhau về việc tiền lì xì ít nhiều. Mặc dù bọn trẻ còn nhỏ nhưng có thể chúng sẽ nghĩ mình bị phân biệt đối xử.
Tuy nhiên, cô Lâm nghĩ nếu bây giờ mình lì xì mỗi đứa trẻ nhà chị dâu 1000 tệ, 3 đứa sẽ là 3000 tệ, đây là một số tiền rất lớn đối với cô, tương đương với nửa tháng lương. Trong trường hợp nếu mượn tiền cha mẹ để lì xì thêm cho cháu vào ngày đầu năm quả thật có chút không nên.
Mặc dù sau đó cô vẫn quyết định không lì xì thêm cho 3 đứa cháu nhưng trong lòng vẫn có chút khó xử. Khi cô chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng đã nhận được nhiều bình luận.
Một người viết: "Cô cũng đừng đặt nặng vấn đề tiền bạc trong chuyện lì xì này. Bản thân cô cũng đâu có ngờ là năm nay chị dâu lại lì xì nhiều như vậy cho con mình. Nếu cô vẫn cảm thấy lăn tăn về chuyện này, hãy để năm sau lì xì nhiều hơn một chút cho cháu mình".
Tuy nhiên, cũng có người không đứng về phía cô mà nói: "Dù sao đó vẫn là cháu trai của cô, bọn trẻ chỉ mong tới Tết để được lì xì. Cô cũng nên biết 1 điều rằng, tiền lì xì nhìn chung chỉ có tăng chứ không có giảm, dù là thói quen nhưng cũng không thể năm nào cũng cùng 1 số tiền lì xì như vậy được".
Lì xì không phải là thứ để trao đổi công bằng giữa 2 bên, nó tượng trưng cho sự may mắn trong năm mới. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người thường tính toán số tiền bên trong, đánh mất đi ý nghĩa thực sự của lì xì.
Dưới đây là một số điều cần chú ý khi lì xì:
- Đừng coi việc lì xì như công cụ kiếm tiền
Hiện nay, có một số cha mẹ xem con cái như "lao động chính vào dịp Tết", lợi dụng con kiếm tiền bằng lì xì. Đây là một hành động mang lại nhiều tác hại cho cả trẻ em và những mối quan hệ xung quanh.
- Đừng lấy việc lì xì ra để hối lộ
Mỗi dịp Tết đến, việc đi chúc Tết nhà lãnh đạo là điều rất bình thường. Một số người thay vì tặng quà trực tiếp cho sếp, họ sẽ lì xì một số tiền lớn cho con cái của sếp như một cách đứa "hối lộ".
Đây là kiểu hành vi không tốt bởi việc lì xì cho trẻ em tượng trưng cho những lời chúc phúc, không thể nào lợi dụng điều đó để làm những việc trái với đạo đức.
- Đừng so dánh tiền lì xì
Một số người muốn được người khác công nhận nên huyên hoang khắp nơi về việc mình hào phóng lì xì cho trẻ con như thế nào. Việc làm này khiến người thân cảm thấy khó chịu, chẳng ai thích một người khoe khoang như vậy cả. Vì vậy, đừng dùng tiền lì xì để so sánh, sẽ thực sự phản tác dụng.
Trong dịp Tết Nguyên Đán, việc lì xì tuy quan trọng nhưng cần cân đối số tiền bên trong để phù hợp với hoàn cảnh. Dù sao đi chăng nữa, ý nghĩa của việc lì xì là để chúc phúc cho trẻ con gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong năm mới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn