Khắc phục tính bảo thủ cho con: "Đối phó" với trẻ ương bướng

Thứ tư - 31/07/2024 12:00
 

Khi phát hiện con có tính bảo thủ, cố chấp, cha mẹ cần giúp chúng thoát khỏi tâm lý “chỉ huy” và nên nhẫn nại.

Khắc phục tính bảo thủ cho con: "Đối phó" với trẻ ương bướng - Ảnh 1.

Phụ huynh hãy nhắc con mình về hậu quả của sự bảo thủ, cố chấp. Ảnh minh họa: INT.

Hầu hết cha mẹ mong muốn những đứa con của mình ngoan ngoãn, biết nghe lời. Tuy nhiên, đôi khi, không ít người vẫn phải nặng lòng vì con mình “trái tính, trái nết”, chỉ làm theo ý bản thân và vô cùng bảo thủ.

Khi phát hiện con có tính bảo thủ, cố chấp, cha mẹ cần giúp chúng thoát khỏi tâm lý “chỉ huy” và nên nhẫn nại. Phụ huynh nên nói rõ cho trẻ biết rằng, không ai thích người độc đoán, bảo thủ.

Âm thầm “hành động”

Thực tế, trẻ bảo thủ, ngang bướng thường có cá tính mạnh. Đôi khi, cũng có thể là do từng chịu tổn thương. Sự bướng bỉnh thực chất chỉ là vỏ bọc mà trẻ cố tạo ra.

Trẻ bảo thủ thường thích làm việc gì đó bằng được, ngay cả khi không có sự đồng ý của người lớn. Đồng thời, chúng hay khăng khăng là bản thân đúng, đề cao cái tôi cá nhân, không lắng nghe góp ý của người khác.

Thậm chí, trẻ cũng có thể cố làm một việc gì đó mặc dù biết việc đó sai và không nên làm.

Những trẻ bảo thủ cũng có xu hướng không muốn làm theo hoặc làm ngược lại yêu cầu của người lớn. Đôi khi, chúng cố tình phớt lờ mệnh lệnh của cha mẹ, và không muốn thay đổi suy nghĩ dù được khuyên nhủ bằng mọi cách.

Theo các chuyên gia, sự bướng bỉnh, bảo thủ này của trẻ có thể là tính cách từ khi sinh ra. Hoặc, đó có thể là hành vi bắt chước, hay được hình thành sau một thời gian bị ảnh hưởng về tâm lý.

Do đó, để có thể “chinh phục” được những đứa trẻ bảo thủ, cố chấp, người lớn cũng cần có những tuyệt chiêu đặc biệt.

Thực tế, một số trẻ sinh ra đã có xu hướng muốn đối đầu với bố mẹ. Chúng thường kiên quyết với việc mình làm, đến mức ngang ngược, khó bảo. Hơn ai hết, những phụ huynh có con như vậy hiểu rằng, các phương pháp mang tính răn đe nhằm giúp con nghe lời mình thường không bao giờ hiệu quả. Những đứa trẻ bảo thủ luôn muốn được “cầm quyền”, trong khi cha mẹ cũng vậy.

Chị Nguyễn Mai Lan (Ba Đình, Hà Nội) - một phụ huynh có con học lớp 6 chia sẻ: “Bé nhà tôi là một đứa trẻ vô cùng cố chấp, bảo thủ. Có những ngày trời lạnh vô cùng, nhưng con khăng khăng mặc bộ quần áo đã tự chọn từ tối hôm trước, dù biết trang phục đó chưa đủ ấm. Cha mẹ khuyên bảo nhẹ nhàng, hay nghiêm giọng, thì cũng đều không hiệu quả với con”.

Do đó, theo nữ phụ huynh này, thay vì dùng đến những lời quát mắng dọa nạt, phụ huynh có thể thử những “chiến lược đối phó âm thầm” đối với con.

Âm thầm ở đây không có nghĩa là lén lút một cách dối trá với các con. Âm thầm là tính chất hành động của những “phụ huynh thông minh”. Nó chỉ ra cách tiếp cận con trẻ từ nhiều phía chứ không trực diện. Đồng thời, sử dụng sự bình tĩnh, tôn trọng và tính sáng tạo để đạt được điều cha mẹ mong muốn.

Khắc phục tính bảo thủ cho con: "Đối phó" với trẻ ương bướng - Ảnh 2.

Cha mẹ cần chỉ cho trẻ thấy thế nào là bảo thủ. Ảnh minh họa: INT.

Nữ phụ huynh gợi ý, trong trường hợp trẻ không muốn đọc sách, thì phụ huynh có thể nhẹ nhàng đưa ra một vài đề nghị cho bé sau khi tắm xong, chẳng hạn như: “Hôm nay mẹ con mình sẽ đọc cuốn truyện nào nhỉ, X hay Y?”. Nếu trẻ nói lại ngay như: “Con không thích quyển nào hết! Con không muốn đi ngủ!”, hãy nhẹ nhàng bảo với con rằng: “Đó không phải một trong hai lựa chọn của con. Nào, con thích mẹ đọc quyển này, hay quyển kia?”.

Trong trường hợp trẻ phản đối nhiều lần, phụ huynh hãy lặp đi lặp lại các lựa chọn một cách bình tĩnh. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ bướng bỉnh rất ghét việc cha mẹ nói đi nói lại và thường “đầu hàng” trước sự kiên định đó. Trong trường hợp chưa có tác dụng, phụ huynh cũng không nên bỏ cuộc.

Trong khi đó, gia đình chị Vũ Hà Chi (Hà Đông, Hà Nội) thời gian gần đây cũng rơi vào “bế tắc” khi đứa con trai duy nhất bỗng nhiên vô cùng bảo thủ, cố chấp. Chị cho rằng, con mình là một đứa trẻ lì lợm và rất bướng bỉnh, có đánh, có mắng, có nhẹ nhàng nhưng vẫn cứ “trơ trơ”.

“Tôi cảm thấy bất lực vô cùng khi con bắt đầu như vậy khoảng nửa năm trở lại đây. Con không quan tâm đến ý kiến của ai, cái gì cũng tự thích làm theo ý mình…”, chị Hà Chi tâm sự.

Khắc phục tính bảo thủ cho con: "Đối phó" với trẻ ương bướng - Ảnh 3.

Tính cố chấp, bảo thủ của trẻ có thể xuất hiện do sự ảnh hưởng từ môi trường giáo dục. Ảnh minh họa: INT.

Ảnh hưởng từ môi trường giáo dục

Thực tế, tính cố chấp, bảo thủ của trẻ có thể xuất hiện do sự ảnh hưởng từ môi trường giáo dục.

Một nghiên cứu của Đại học Illinois tại Mỹ đã phân tích dữ liệu của 708 đứa trẻ tại quốc gia này. Dựa vào những câu trả lời từ cha mẹ của trẻ, nhóm chuyên gia phân loại phụ huynh thành hai nhóm: Độc đoán và cân bằng.

Nhóm “độc đoán” gồm những cha mẹ muốn con phải vâng lời trong mọi trường hợp. Ngược lại, nhóm “cân bằng” chấp nhận việc con không nghe lời trong một số trường hợp nhất định. Nhóm nghiên cứu cũng xem xét đánh giá của những người mẹ về tính khí của những đứa con khi chúng được 4 tuổi rưỡi.

Kết quả cho thấy, những đứa con của nhóm cha, mẹ “độc đoán” có xu hướng ủng hộ quan điểm bảo thủ (ví dụ như không chấp nhận hôn nhân của người đồng tính, phản đối việc phá thai) khi chúng bước vào tuổi 18.

Ngược lại, phần lớn con của nhóm cha, mẹ “cân bằng” có quan điểm khá tự do, cởi mở khi chúng tới tuổi tương tự. Ngoài ra, trẻ càng sợ cha mẹ thì khả năng chúng tôn sùng các quan điểm bảo thủ càng lớn. Trẻ hiếu động hoặc có khả năng tập trung cao độ có xu hướng theo đuổi quan điểm cởi mở.

Phát hiện cho thấy, phong cách nuôi dưỡng và giáo dục con của cha, mẹ sẽ tác động tới suy nghĩ của mỗi cá nhân đối với các vấn đề xã hội.

Đặc biệt, ở những trẻ nhỏ, việc các bé cố chấp và có những hành động “kỳ quặc” khá phổ biến.

Theo bác sĩ Lê Thu Phương - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, khi thấy con có những hành động kỳ quặc hoặc không đúng mực, cha mẹ có thể áp dụng những chiến lược xử lý đơn giản.

Trước hết, phụ huynh cần hạ giọng xuống, không nên quát mắng hay tỏ ra quá gay gắt khi con xử sự không như mong muốn. Trong trường hợp này, cha mẹ nên tìm hiểu rõ suy nghĩ của trẻ với sự đồng cảm và thấu hiểu. Nếu trẻ trót nói một từ ngữ mang ý nghĩa tiêu cực hoặc thô tục, cha mẹ nên nói với một giọng điệu nghiêm khắc hơn và yêu cầu trẻ nói lại một từ khác.

Khi trẻ thực hiện những hành vi không lành mạnh, cha mẹ có thể tìm ra các biện pháp thích hợp để hạn chế hoặc ngăn con làm điều đó, đồng thời nên khuyến khích khi trẻ làm việc tốt. Cha mẹ nên nhìn nhận những điểm tốt của trẻ và khuyến khích con tiếp tục phát huy. Ngoài ra, phụ huynh nên dành nhiều thời gian cho trẻ để thấu hiểu và giúp con hướng đến những điều tốt đẹp, cũng như hoàn thiện bản thân hơn.

Theo cô Trịnh Mai Chi - Trường Mầm non Bông Mai 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), trẻ bảo thủ, cố chấp thường có tâm lý “chỉ huy”. Khi đó, cha mẹ cần giúp con thoát khỏi tâm lý này và nên nhẫn nại với trẻ.

Phụ huynh nên nói rõ cho trẻ biết rằng, không ai thích người độc đoán, bảo thủ. Bước đầu tiên để kiềm chế cá tính cố chấp của trẻ là giúp bé nhận ra rằng: Nếu cứ khăng khăng cho mình là đúng, áp đặt mọi người phải tuân theo sẽ gây tâm lý ức chế, khiến bạn bè xa lánh. Phụ huynh hãy luôn nhắc con về hậu quả của hành vi độc đoán.

Cha mẹ cũng hãy chỉ cho trẻ thấy thế nào là bảo thủ. Bởi, đôi khi, do trẻ chưa đủ nhận thức nên không biết đó là điều không nên.

“Vì thế, ngay lúc cha mẹ nghe thấy hoặc chứng kiến cảnh con ứng xử bảo thủ, cố chấp, cần yêu cầu trẻ ngưng ngay. Cha mẹ cần đưa ra quy ước cách xử lý thái độ bảo thủ này ở nơi đông người bằng những ký hiệu âm thầm chỉ trẻ với phụ huynh biết”, nữ giáo viên gợi ý.

Theo cô Mai Chi, trẻ bảo thủ cũng thường có thái độ độc đoán, muốn người khác nghe theo mình. Do đó, điều cha mẹ cần làm là dạy con cách kiểm soát thái độ. Cụ thể, cần giúp trẻ biết lấy ý kiến của người khác trước khi ra quyết định.

Khi thấy trẻ tranh giành với bạn bất chấp luật chơi, cha mẹ nên bày cho trẻ một số cách thỏa thuận với các bạn như phân công, rút thăm, oẳn tù tì... Từng bước cho trẻ thấy không phải gì mình muốn cũng được.

Ngoài ra, cần giúp trẻ biết đề cao tinh thần chia sẻ, hợp tác. Cha mẹ kiên nhẫn theo sát con để củng cố nỗ lực khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu “nhường” bạn. Khuyến khích, động viên kịp thời và chỉ cho trẻ thấy giá trị sau mỗi hành vi biết để ý đến nhu cầu của người khác. Ví dụ, khi trẻ không bảo thủ, cố chấp, các bạn sẽ đến gần con hơn, chơi với con chân thành nếu con ứng xử hòa nhã, công bằng.

Một yếu tố không thể thiếu đó là sự làm gương của cha mẹ. Nếu trẻ bảo thủ do ảnh hưởng từ hành vi của người lớn trong gia đình, thì phụ huynh cần làm gương bằng cách thể hiện sự nhã nhặn hơn khi trao đổi ý kiến. Đồng thời, tạo sự công bằng giữa các thành viên trong nhà. Cho trẻ thấy không khí dân chủ, lắng nghe quan điểm của nhau và làm theo ý kiến đúng của bất cứ thành viên nào trong gia đình.

“Phụ huynh cũng cần nhấn mạnh sự đồng lòng, tôn trọng lẫn nhau. Thể hiện rõ trong việc giải quyết các vấn đề của gia đình như xem chương trình tivi nào, đi du lịch ở đâu, ăn những món gì... nên có sự tham khảo ý kiến của tất cả thành viên. Con trẻ cần học hỏi tinh thần tôn trọng, biết lắng nghe người khác ngay trong gia đình để có thể áp dụng trong mối quan hệ với bạn bè”, cô Mai Chi cho biết.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây