Trẻ có thể tự đưa ra giải pháp để cha mẹ có thể tin tưởng, an tâm chứ không cần sự “cầm tay chỉ việc” của phụ huynh. Vì vậy, các phụ huynh nên tôn trọng sự lựa chọn của con.
Tuổi teen là độ tuổi từ 13 - 19 tuổi theo cách gọi của quốc tế. Còn ở Việt Nam, tuổi teen được nhiều bố mẹ gọi cho cả lứa thiếu niên từ 11 - 16 tuổi.
Ở độ tuổi này, hầu hết trẻ nghĩ mình đã lớn và khao khát sự tự do, riêng tư. Không phải chuyện gì con cũng kể với bố mẹ trước tiên. Thay vào đó, trẻ dành nhiều thời gian hơn để tâm sự với bạn bè, hoặc giấu chuyện gì đó đi như một bí mật. Trẻ ở tuổi này cũng cần không gian riêng và bắt đầu phân định ranh giới cho bản thân.
Trẻ có thể sẵn sàng phẫn nộ trước những quy tắc mà bố mẹ đặt ra khi cho rằng việc đó bất công hay không hợp lý. Đồng thời, trẻ muốn tự đưa ra quyết định về những việc mình thích mình làm.
Vấn đề là những quyết định ở độ tuổi này có tác động lớn tới tương lai của con. Đây được cho là một giai đoạn “hỗn loạn” và đầy kịch tính khi trẻ thường bị cảm xúc chi phối. Trẻ dễ hành động mà thiếu sự suy nghĩ kỹ càng, đưa ra quyết định bốc đồng mà sau này sẽ hối tiếc.
Trong khi đó, với cha mẹ, con lúc nào cũng là “đứa trẻ” cần được chở che, bao bọc. Tuy nhiên, đôi khi, vì nghĩ con là “trẻ con không biết gì” nên cha mẹ lại vô tình nói những lời làm tổn thương con.
Đặc biệt, với trẻ ở độ tuổi teen, cha mẹ cần giao tiếp với con một cách “khéo léo”, “lựa lời”. Ngay cả khi trẻ mắc lỗi, thay vì mắng mỏ, chì chiết, cha mẹ có thể thay đổi cách nói để tích cực hơn.
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Trần Thị Hương - Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC cho biết: “Ở tuổi teen, nhiều trẻ thường có nhiều dấu hiệu ngang ngược, không nghe lời, chống đối và muốn thể hiện bản thân, làm ngược những lời dạy của cha mẹ,… Đây được coi là hiện tượng 'chống đối ngầm'. Lý do là bởi các con cảm thấy không được an toàn, không được chia sẻ”.
Cụ thể, nếu chỉ một lần duy nhất cố gắng chia sẻ với cha mẹ mà nhận được tín hiệu không được cảm thông, trẻ sẽ đóng lại toàn bộ cánh cửa. Lâu dần, cảm xúc đè nén sẽ bộc phát thành hành động không đúng, tiềm ẩn nguy hại trong tương lai.
Do đó, theo chuyên gia này, ở tuổi teen, con trẻ có nhiều sự thay đổi về thể chất và tinh thần. Khi cha mẹ thấu cảm, yêu thương, tìm cách đồng hành, giúp đỡ trẻ, con sẽ trải qua giai đoạn thanh thiếu niên một cách nhẹ nhàng.
Đặc biệt, trẻ ở tuổi này cần được lắng nghe, cảm thông, cho lời khuyên khi thực sự cần thiết. Do đó, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là chấp nhận bản thân con. Sau đó, ngồi lại để nói chuyện, trao đổi với con. Cha mẹ cần đối thoại, đặt câu hỏi để lắng nghe con.
Thực tế, trẻ có thể tự đưa ra giải pháp để cha mẹ có thể tin tưởng, an tâm chứ không cần sự “cầm tay chỉ việc” của phụ huynh. Vì vậy, các phụ huynh nên tôn trọng sự lựa chọn của con. Dù chưa có đủ trải nghiệm trong những tình huống hằng ngày, nhưng sau những vấp ngã, trẻ sẽ tự đứng lên và rút ra bài học.
Điều cha mẹ cần làm là ở bên, lắng nghe và cảm thông, cho lời khuyên nếu con cần. Chỉ cần ở bên, đồng hành là trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu thương, chứ không thấy cô đơn, lạc lõng.
Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Hương, có rất ít cha mẹ hỏi được con: “Con đang cảm thấy như thế nào?”. Ngay lúc này, cha mẹ có thể tự nhìn lại xem mình từng hỏi con như vậy bao giờ chưa? Liệu con có mong muốn nhận được những câu hỏi như thế không? Bởi, câu hỏi này sẽ giúp trẻ cảm thấy mình được thấu hiểu. Từ đó, trẻ sẽ sẵn sàng bày tỏ và chia sẻ những câu chuyện, khúc mắc, cảm xúc của bản thân.
Cha mẹ cũng cần đưa lời khuyên nếu trẻ thực sự cần, lắng nghe và đặt câu hỏi cho con. Từ đó, con sẽ tự tìm ra hướng đi đúng. Cách mà cha mẹ đặt câu hỏi với con vô cùng quan trọng. Nó không chỉ xây dựng cho con tư duy và kỹ năng xử lý tình huống, phát huy năng lực, mà còn khiến trẻ cảm thấy mình thật sự được lắng nghe.
Bên cạnh đó, việc cha mẹ luôn sẵn sàng khi con có nhu cầu nói chuyện cũng là điều vô cùng cần thiết. Bởi, giao tiếp, trò chuyện là yếu tố quan trọng để hình thành và củng cố mối quan hệ giữa cha mẹ và con. Cha mẹ cần tôn trọng sở thích, tính cách, sự lựa chọn của con. Sau đó, có thể tìm cách điều chỉnh, lắng nghe và nói chuyện với con một cách chủ động, không phán xét. Đồng thời, lắng nghe như những người bạn để trẻ thật sự được cảm thông.
“Để làm được điều đó, cha mẹ nên tạo thiện cảm với con, mang đến cho trẻ cảm giác an toàn. Từ đó, để con tìm đến mình khi cần thiết. Hãy dành thời gian, sự tập trung cho con để trẻ cảm thấy mình không cô đơn”, chuyên gia gợi ý. Ngoài ra, khi con có nhu cầu nói chuyện, cha mẹ hãy thể hiện là mình luôn ở đây, bản thân luôn sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu mà không phán xét hay đánh giá. Có như vậy, trẻ mới cảm thấy an toàn, đủ cởi mở để tự tin chia sẻ.
Phụ huynh cũng cần thể hiện sự tin tưởng và trao quyền cho con. Như vậy, trẻ sẽ cố gắng làm mọi thứ để không phụ lòng tin của cha mẹ.
Nữ chuyên gia nhấn mạnh, các phụ huynh hãy trao cho con “chìa khoá” để giải quyết vấn đề chứ không phải làm thay trẻ tất cả mọi thứ. Đây là cách “trao quyền” để con được phép lựa chọn những thứ phù hợp. Cha mẹ đóng vai trò định hướng, quan sát và đồng hành để con phát huy năng lực và sự sáng tạo.
Khi đã nhận được sự “trao quyền” này, trẻ sẽ biết tự sắp xếp và tìm cách đạt được mục tiêu của mình. Cha mẹ nên trao quyền và giám sát từ xa, chỉ “kiểm soát những điều mất kiểm soát”.
“Khi đạt được những thành tích nào đó, con đem đến cho mình niềm vui thì hãy ghi nhận và khen ngợi trẻ. Ví dụ, con giúp mình làm việc nhà, hãy ghi nhận để lần sau trẻ cố gắng làm tiếp, muốn cố gắng nhiều hơn. Con sẽ biết hình thành nên thói quen tốt”, chuyên gia Trần Thị Hương chia sẻ.
Cha mẹ cần ghi nhận sự tiến bộ của con, khích lệ trẻ mỗi ngày. Từ đó, để trẻ thay đổi theo hướng tích cực hơn. Việc tôn trọng, yêu thương đúng cách sẽ giúp trẻ biết cách bảo vệ, xây dựng lòng tự tôn, nâng cao giá trị của bản thân và không cho phép người khác làm tổn hại đến mình.
Bên cạnh đó, nếu mong muốn con có suy nghĩ đúng đắn, trở thành một người tích cực, cha mẹ không nên chỉ tập trung áp đặt trẻ mà hãy nhìn lại chính mình.
Phụ huynh hãy trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Khi đó, trẻ sẽ lấy cha mẹ làm gương và nhìn vào để phấn đấu tốt hơn mỗi ngày.
Nếu được, phụ huynh hãy chia sẻ mong muốn của mình với con để khích lệ, giúp trẻ có ước mơ và mục tiêu trong cuộc sống. Hãy hướng dẫn, đồng hành cùng con để trẻ xây dựng ước mơ, mục tiêu và thấu hiểu giá trị cuộc sống, giá trị của sự cống hiến, nỗ lực mỗi ngày.
Cũng theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Hương, cha mẹ hãy sẵn sàng nhận sai, hạ cái tôi của mình xuống để làm gương cho con. Đồng thời, giúp con hiểu thế nào là trách nhiệm.
Khi thấy cha mẹ nhận lỗi, trẻ sẽ ngầm hiểu nói lời xin lỗi là điều nên làm. Từ đó, làm theo và hình thành thói quen tốt. Trẻ cũng sẽ biết chịu trách nhiệm cho mọi lời nói, hành vi của mình và không đổ lỗi cho người khác. Đây cũng là cách đơn giản nhất để đồng hành cùng con, giúp trẻ tìm ra mục tiêu, hướng đi và nhiệm vụ cần thực hiện nhằm đạt được mục tiêu đó.
“Hãy làm gương để con biết thế nào là đúng, sai. Chỉ như vậy thì con mới làm theo đúng hướng mà mình muốn. Ai cũng mong mình và con đều hạnh phúc, bình an. Nếu muốn thay đổi tương lai, hãy nhìn lại chính mình và hành động ngay ở hiện tại. Khi chúng ta thay đổi, cả thế giới sẽ thay đổi. Vì vậy, hãy trút bỏ “cái tôi” của mình xuống, thành thật với chính mình. Dù bên ngoài có gai góc như thế nào thì sâu bên trong vẫn là “đứa trẻ” khao khát được yêu thương, được chữa lành”, nữ chuyên gia cho biết.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn