Cha mẹ nên giúp con cảm thấy an toàn và được hỗ trợ để có thể bày tỏ mong muốn một cách bình tĩnh.
Điều duy nhất mà hầu hết các cha mẹ hoặc người chăm sóc mong muốn là con mình được hạnh phúc nhất có thể. Phụ huynh có thể sẽ liên tục nghĩ về điều này bất kể khi đang ở đâu và làm gì, lên kế hoạch cho những việc sẽ thực hiện để trẻ em hạnh phúc. Tuy nhiên, sẽ đến lúc trẻ bắt đầu hờn dỗi và than vãn về những điều nhỏ nhặt nhất, bất chấp mọi nỗ lực của cha mẹ. Điều đó có thể dẫn đến sự thất vọng và tức giận ở phụ huynh.
Bĩu môi, hậm hực và hờn dỗi là ba trong số những biểu hiện dễ nhận thấy nhất khi trẻ em thể hiện sự không hài lòng, tức giận hoặc thất vọng trước một tình huống nào đó. Trẻ em hay hờn dỗi thường có tâm trạng thất thường và thể hiện cảm xúc của mình thông qua hành vi không đúng mực. Tất cả những điều này được trẻ thực hiện để thể hiện một số phản ứng tiêu cực đối với môi trường xung quanh. Trẻ làm điều này để thể hiện rằng chúng tức giận, khó chịu, thất vọng hoặc nhiều hơn thế nữa. Ở một số trẻ em, điều này thậm chí có thể là triệu chứng của một rối loạn nhân cách và tâm trạng.
Hành vi này không chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ, mà cả thanh thiếu niên cũng làm như vậy. Lý do là trẻ chưa học được các kỹ năng để thể hiện sự thất vọng của mình theo cách phù hợp. Nói một cách đơn giản, hành vi hờn dỗi xảy ra đồng nghĩa với việc trẻ cảm thấy cách làm đó hiệu quả.
Khi trẻ em hoặc thậm chí là thanh thiếu niên đi lại trong nhà trong cơn giận dữ để đạt được điều mình muốn, điều đó có nghĩa là cha mẹ vẫn đang phản ứng với hành vi đó. Hờn dỗi có thể là hành vi trẻ con đối với người lớn, nhưng trong tâm trí trẻ, đó là phản ứng hợp lý khi cảm thấy bị hiểu lầm hoặc không được trân trọng.
Thực tế, phụ huynh cần biết rằng, nếu bắt đầu đổ lỗi, buộc tội hoặc cố gắng lý luận với con mình về hành vi đó, thì cơn giận dỗi ở trẻ càng lớn hơn. Hành vi này sẽ tiếp tục nếu cha mẹ còn phản ứng với cơn hờn dỗi đó.
Khi trẻ lớn lên, chúng được cho là sẽ học cách thể hiện sự không hài lòng, thất vọng, tức giận hoặc lo lắng của mình về một tình huống. Hầu hết trẻ em cuối cùng đều có thể làm điều này. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số trẻ vẫn tiếp tục hờn dỗi. Không có gì lạ khi thấy trẻ em tiếp tục hành vi này cho đến tận cấp tiểu học và thậm chí là lúc lớn hơn.
Các chuyên gia cho biết, những hành vi mà trẻ em có xu hướng tiếp tục là những hành vi đáp ứng nhu cầu của chúng. Cho đến khi trẻ học được những cách giao tiếp khác hiệu quả hơn, thì có lẽ chúng sẽ tiếp tục hờn dỗi. Do đó, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là biến ngôi nhà của mình thành nơi an toàn để các thành viên trong gia đình thể hiện những quan điểm khác nhau.
Quyền tự do nói lên suy nghĩ của trẻ đòi hỏi một điều kiện chính. Đó là an toàn khi thể hiện bản thân trong ngôi nhà của mình. Hành vi này có thể là một hình thức giao tiếp thay thế cho sự giận hờn đến từ những đứa trẻ không cảm thấy an toàn khi nói ra những gì mình thực sự muốn. Thay vào đó, trẻ sử dụng các phương pháp khác thụ động hơn để cho mọi người biết rằng chúng không vui.
Trong trường hợp trẻ hay giận dỗi, cha mẹ cần giúp con tìm những cách khác để thể hiện bản thân. Trước hết, phụ huynh có thể ngồi lại với con và xác định những cách thay thế để trẻ thể hiện bản thân mà không cần phải bộc lộ tâm trạng tồi tệ. Vì vậy, thông điệp mà trẻ muốn truyền tải có thể là: “Con không muốn đi ngủ bây giờ”, hoặc “Con không muốn làm bài tập về nhà”, hay “Tại sao chúng ta không được đi xem phim?”.
Thay vì bĩu môi giận dỗi, khi trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể giúp con diễn đạt điều đó bằng lời nói. Vì vậy, trước tiên, hãy cho trẻ biết bằng cách nói những câu như: “Bây giờ mẹ thấy con đang hờn dỗi. Nếu con muốn nói điều gì đó với mẹ, hãy tìm cách nói tốt hơn”. Hoặc, phụ huynh cũng có thể nói: “Mẹ sẽ không phản ứng khi con hành động theo cách hờn dỗi như vậy nữa. Con sẽ phải giao tiếp theo cách khác”.
Ngoài ra, phụ huynh không nên trao quá nhiều quyền lực cho hành động hờn dỗi ở trẻ bằng cách phản ứng thái quá hoặc trừng phạt con. Cha mẹ cũng không nên đưa ra hậu quả cho việc trẻ giận dỗi. Sau khi trò chuyện với con về những cách khác mà chúng có thể thể hiện bản thân, phụ huynh có thể hoàn toàn bỏ qua hành vi giận dỗi của con.
Tuy nhiên, điều cha mẹ cần chú ý là: Cho dù trẻ có hờn dỗi hay không, thì con vẫn phải tuân thủ các quy tắc của gia đình và làm những gì phụ huynh yêu cầu. Nếu trẻ cư xử chống đối hoặc thách thức vì yêu cầu của cha mẹ, hãy giải quyết hành vi đó. Mặc dù rất khó chịu, nhưng cha mẹ hãy cố gắng ngừng phản ứng với việc con đi lại trong nhà với thái độ cáu kỉnh. Phụ huynh cần nhớ xử lý những hành vi dễ quan sát hơn và mang tính “hành động” nhiều hơn. Vì vậy, cho phép con ở trong tâm trạng buồn bã và không phản ứng lại là cách tốt nhất để trẻ tự thoát khỏi tình trạng đó.
Rên rỉ là một hành vi khó chịu khác mà trẻ em sử dụng để thể hiện sự khó chịu của bản thân. Thậm chí, không ít người trưởng thành thường phàn nàn mọi lúc về những điều họ không thể thay đổi. Những người này thường xuyên đổ lỗi cho người khác về trạng thái cảm xúc của họ. Khi mọi người liên tục phàn nàn về các vấn đề, cảm xúc hoặc tình huống, họ không muốn làm bất cứ điều gì tích cực.
Song song với đó, trạng thái cảm xúc đi kèm với việc than vãn thường là cảm thấy thương bản thân. Vì vậy, cha mẹ cần hiểu rằng, khi trẻ giận dỗi, con có thể đang không vừa ý điều gì đó. Trẻ không nhận được thứ chúng muốn hoặc sợ rằng sẽ mất đi thứ đang có. Tất cả những điều này góp phần vào mức độ và cường độ của việc than vãn ở trẻ.
Các chuyên gia gợi ý, cha mẹ có thể đưa cho con một cuốn nhật ký để chúng có thể viết những lời than phiền của mình vào đó. Trẻ được than phiền về điều gì đó một lần và sau đó phải viết vào nhật ký. Cha mẹ hãy dành ra một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày, để trẻ có mười phút để than phiền, thảo luận về những gì đang làm con không vui và cho phép trẻ than vãn. Sau mười phút, trẻ sẽ cần ngừng giận dỗi cũng như than vãn.
Nhiều trẻ có xu hướng thường xuyên hờn dỗi và than vãn ở nhà. Song, hành vi đó lại không xuất hiện khi trẻ ở trường. Nguyên nhân là do trẻ đã học được rằng, hành vi giận dỗi sẽ không hiệu quả ở trường. Trẻ cũng hiểu rằng, giáo viên sẽ không phản ứng giống như cách cha mẹ làm trước cơn giận dỗi của con.
Song, đôi khi, cha mẹ có thể không nhất quán trong cách ứng phó trước cơn hờn dỗi của trẻ. Trẻ sẽ biết rằng, chiến lược của mình có hiệu quả với phụ huynh này, nhưng không tác dụng với phụ huynh còn lại. Trẻ em học được rất sớm rằng, cha mẹ của chúng là hai cá thể khác nhau. Do đó, trẻ có thể có hai chiến lược khác nhau khi thể hiện sự không hài lòng với phụ huynh. Nếu trẻ có hành vi không phù hợp, điều quan trọng là cha mẹ phải nhất quán trong cách nuôi dạy con.
Nuôi dạy con đúng đắn đòi hỏi cả cha và mẹ phải giao tiếp với nhau và với cả trẻ. Ví dụ, phụ huynh thiết lập quy tắc không sử dụng tivi sau bảy giờ tối. Nếu cha hoặc mẹ cho phép sự hờn dỗi của trẻ thay đổi quy tắc đó, thì có nghĩa là phụ huynh chưa giao tiếp với nhau hiệu quả.
Điểm mấu chốt là cả cha và mẹ đều phải tạo ra một nền văn hóa có trách nhiệm giữa mình và con. Nền văn hóa có trách nhiệm đó có nghĩa là, trẻ phải chịu trách nhiệm với cha mẹ và cha mẹ phải chịu trách nhiệm với con. Bất kể vấn đề gì xảy ra, con phải nói chuyện với cha mẹ theo một cách nhất định.
Ngược lại, cha mẹ cũng sẽ nói chuyện với con theo một cách nhất định. Điều quan trọng là phụ huynh cần xây dựng một chiến lược hiệu quả về cách sẽ ứng phó với những hành vi giận dỗi từ con mình. Với những chiến lược đúng đắn, cha mẹ sẽ sớm thấy trẻ thay đổi tích cực và ít giận dỗi hơn.
Theo Empowering Parents; Parenting
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn